Thông qua hàng ngàn trang tài liệu nội bộ Facebook bị rò rỉ, hình ảnh CEO Mark Zuckerberg dần hiện lên "xấu không tưởng". Những tài liệu này làm rõ một điều: đội ngũ lãnh đạo cấp cao, bao gồm Zuckerberg, nhận thức được những tác hại tiềm tàng của các nền tảng đến thế giới thực – phát tán nội dung thù hận, khuyến khích nhịn ăn ở trẻ vị thành niên, kích động bạo lực – song nhất định không làm gì cả.

Mark Zuckerberg, 37 tuổi, người đã xây dựng Facebook từ một phòng ký túc đến doanh nghiệp giá trị gần 1.000 tỷ USD dựa theo câu thần chú “di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ”. Những nhà hoạt động, nhà lập pháp yêu cầu ông nhận trách nhiệm. Sau tất cả, “nhà dột từ nóc”. Tuy nhiên, đó là chuyện nói dễ, làm khó.

{keywords}
 

Về phần mình, Facebook phủ nhận nhiều bài báo trên truyền thông, cho rằng chúng gây nhầm lẫn về các nghiên cứu và hành động của công ty. Ngay trước khi báo cáo kết quả kinh doanh hôm 25/10, ông Zuckerberg chỉ trích “Hồ sơ Facebook” là nỗ lực phối hợp nhằm chọn lọc tài liệu và vẽ ra bức tranh xấu về mạng xã hội.

Những cổ đông bất lực

Cơ cấu cổ phiếu theo cấp bậc của Facebook khiến việc loại bỏ Zuckerberg là điều không thể. Dù nắm chưa tới một nửa cổ phần, loại cổ phiếu mà CEO đang giữ có quyền bỏ phiếu cao hơn nhiều so với cổ phiếu phổ thông. Điều đó đồng nghĩa nhà sáng lập kiểm soát phần lớn cổ phiếu biểu quyết của công ty. Ngay cả khi các cổ đông và Ban quản trị hợp lực chống lại, ông vẫn có thể thoát hiểm.

Cựu nhân viên Facebook Yael Eistenstat trả lời trên tạp chí Time đầu tháng này: “Ông ta là vua, không phải CEO”.

Quyền lực tại Facebook, Instagram và WhatsApp mang đến cho Zuckerberg “quyền kiểm soát đơn phương với hơn 3 tỷ người”, theo người tố giác Frances Haugen.

Các cổ đông cũng không than phiền quá nhiều. Suy cho cùng, Facebook đã khiến họ trở nên giàu có. Dù cổ phiếu Facebook đi sau các Big Tech khác như Apple, Google, nó vẫn tăng gần 75% từ tháng 10/2019. Họ quan tâm đến các đồng đô-la hơn là “Hồ sơ Facebook” trên mặt báo.

Tắc nghẽn tại Washington D.C.

Tại thủ đô, các nhà lập pháp đang cố gắng quản lý một công ty đã vượt khỏi sự giám sát của chính phủ. Họ giới thiệu một số dự luật chống độc quyền nhằm vào Big Tech, song cấu trúc Facebook lại là độc nhất vô nhị trong số các hãng công nghệ, theo cựu nhân viên Haugen.

Trước Quốc hội Mỹ, bà Haugen cho biết: “Tại những doanh nghiệp lớn khác như Google, bất kỳ nhà nghiên cứu độc lập nào cũng có thể tải về kết quả tìm kiếm của công ty từ Internet và viết báo cáo về thứ họ tìm được. Song Facebook lại giấu mình sau những bức tường, khiến nhà nghiên cứu và nhà chức trách không thể hiểu được động lực thực sự của hệ thống”.

Nói cách khác, đó là vấn đề phức tạp khó giải quyết, ngay cả khi Quốc hội không vấp phải khó khăn nào trong nội bộ.

Tiến trình chống độc quyền cũng tỏ ra chậm chạp. Đơn khiếu nại của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) chống lại Facebook bị một thẩm phán bác bỏ do thiếu bằng chứng. FTC đã phải sửa lại hồ sơ và Facebook một lần nữa đệ đơn đề nghị bác bỏ vào đầu tháng này.

Một số đề xuất thành lập cơ quan mới hoàn toàn để tập trung vào Big Tech. Cựu Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) Tom Wheeler nhận định luật pháp hiện tại không tương xứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Việc giám sát các nền tảng kỹ thuật số yêu cầu tập trung toàn lực, hơn là giao thêm việc cho một tổ chức.

Nhà quảng cáo không thể bỏ đi

Các nhà quảng cáo có thể đã ghi điểm về mặt truyền thông khi tẩy chay Facebook một thời gian nhưng lại không ảnh hưởng gì đến kết quả kinh doanh của công ty. Đó là vì phần lớn doanh thu quảng cáo Facebook đến từ doanh nghiệp nhỏ, những người không thể rời bỏ mạng xã hội này.

Mùa hè năm 2020, hàng trăm thương hiệu lớn tẩy chay Facebook vì cách xử lý phát ngôn thù hận. Dù vậy, cổ phiếu và doanh thu của hãng vẫn tăng trưởng. Chỉ riêng quý III năm nay, Facebook mang về hơn 28 tỷ USD quảng cáo, tăng 33% so với một năm trước đó.

“Hồ sơ Facebook” cung cấp những bằng chứng rõ ràng về việc Facebook chịu trách nhiệm trực tiếp cho những tác hại ngoài đời. Tệ hơn nữa, họ đã lờ chúng trong nhiều năm. Khác với các bê bối trước đó, dường như đây là bước ngoặt lớn đối với công ty của Mark Zuckerberg.

Washington không thể giải quyết những vấn đề pháp lý ngay lập tức, Phố Wall cũng sẽ không quay lưng lại với “cỗ máy in tiền”. 3 tỷ người dùng Facebook, Instagram và WhatsApp sẽ không tắt ứng dụng. Với họ, chúng là công cụ quan trọng để giao tiếp, giải trí, kinh doanh, gần như đồng nghĩa với Internet.

Facebook sẽ tiếp tục đưa ra câu chuyện của riêng mình và hạ thấp các nhà phê bình, thậm chí xử lý những vấn đề trong thời gian chờ đợi. Tuy nhiên, xét đến quy mô và lịch sử trốn tránh quy định của Facebook, một phép tính toàn diện có thể rất khó xảy ra.

Du Lam (Theo CNN)

Những toan tính phía sau biểu tượng 'phẫn nộ', 'thương thương' trên Facebook

Những toan tính phía sau biểu tượng 'phẫn nộ', 'thương thương' trên Facebook

Công thức tính điểm cho nút thích và các nút tương tác khác như phẫn nộ, thương thương… đã thúc đẩy cơn thịnh nộ và thông tin xuyên tạc trên Facebook.