Chiều 1/7, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã nêu ý kiến thảo luận tại tổ về đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030.
Nội dung đề án hướng đến việc làm tốt công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng; tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan PCCC và CNCH; đầu tư phát triển hạ tầng gồm hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp nước và hệ thống thông tin liên lạc…
UBND TP Hà Nội khái toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đề án (từ nay đến năm 2030, chia làm 2 giai đoạn) khoảng hơn 26.300 tỷ đồng.
Trong đề án, Hà Nội cũng thống kê trong 10 năm (2014 - 2023), trên địa bàn xảy ra 4.459 vụ cháy, 18 vụ nổ; ngoài ra có khoảng trên 8.000 sự cố nhỏ khác (cháy rác, phế liệu; chập dây dẫn điện trên cột; chập điện, sơ suất trong đun nấu trong nhà dân).
Nêu ý kiến hoàn thiện dự thảo, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội (đại biểu tổ Cầu Giấy) cho rằng, việc ban hành đề án này là rất kịp thời. Bởi lẽ, thời gian vừa qua, cả nước nói chung cũng như Thủ đô nói riêng xảy ra nhiều vụ cháy rất thương tâm.
Phát biểu thảo luận tại tổ, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cũng dành thời gian phân tích những vấn đề liên quan đến vụ cháy chung cư mini 9 tầng vào tháng 9/2023, khiến 56 người chết, do chủ đầu tư xây sai phép ở quận Thanh Xuân (Hà Nội).
Theo ông Tùng, nguyên nhân sâu xa của vụ cháy khiến 56 người chết là do những vấn đề liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng từ năm 2015. Qua việc "lật lại hồ sơ", cơ quan công an đã khởi tố chủ đầu tư tòa chung cư mini, đồng thời xem xét tổng thể vụ án “như một con rết”.
“Nếu ngay từ giai đoạn đầu, công trình được xây đúng phép thì chắc chắn là không để xảy ra hậu quả như vậy. Trong giai đoạn tiếp theo, dù không xảy ra cháy nhưng trách nhiệm, quy định về PCCC phải làm, phải triệt tiêu vi phạm giai đoạn xây dựng", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nói.
Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, quá trình điều tra vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, cơ quan chức năng đã "đưa lên bàn cân" để xử lý những người có liên quan. Bởi lẽ, nếu xử lý hết thì hết cán bộ, hết cả một chuỗi hệ thống chính quyền phường Khương Đình, chưa nói đến quận Thanh Xuân.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết, việc xử lý công trình vi phạm PCCC trên địa bàn cũng “vô cùng khó khăn, không thể cưỡng chế, cũng không cấm người vào được” vì người dân đã bỏ tiền ra mua nhà, mua căn hộ rồi. Do đó, cần khẩn trương ban hành cơ chế khắc phục theo hướng cả Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó Nhà nước hỗ trợ một phần (nhân công, tiền…).
Cùng vấn đề trên, ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho rằng, đề án đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn thành phố là ‘vô cùng cần thiết’ trong bối cảnh diễn ra nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản như hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Anh Tuấn, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp trong công tác PCCC, việc nâng cao ý thức của người dân về vấn đề này cũng vô cùng quan trọng.
“Từ thực tiễn địa phương tôi thấy, nhiều gia đình sử dụng thiết bị điện, bếp ga đun nấu rất tạm bợ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Do vậy, chúng ta cần phải tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức PCCC”, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh nói.