Trong thế giới của người trưởng thành, không có gì đơn giản cả. Ở tuổi đôi mươi, chúng ta yêu đương có thể mơ mộng. Tuy nhiên khi kết hôn rồi cần phải lý trí và suy xét mọi thứ thật kỹ càng. Đừng bao giờ để cho mối quan hệ của bạn làm khó chính bản thân bạn chỉ vì chưa hiểu rõ gì về đối phương. Hôn nhân chưa bao giờ là việc đơn giản và bạn cần tìm hiểu kỹ càng về đối phương trước khi quyết định về chung một nhà.
Một số chi tiết tưởng chừng như không quan trọng lại có khả năng mang đến những nguy cơ tiềm ẩn cho hôn nhân. Dù yêu nhau đến đâu thì trước khi cưới cũng phải "hỏi thăm" ba điều về gia đình đối phương.
1. Hỏi về thu nhập của đối phương
Hai người yêu nhau thật lòng sẽ vượt qua mọi khó khăn để đến bên nhau. Chỉ cần cả hai có ý chí mạnh mẽ và tin tưởng lẫn nhau thì tình yêu sẽ ra trái ngọt.
Tuy nhiên, những cuộc hôn nhân "xứng đôi vừa lứa" đôi khi cũng có những bất đồng mà sau khi về một nhà rồi mới nảy sinh. Một trong số đó là về kinh tế.
Tìm hiểu mức thu nhập của đối phương không phải biểu hiện của việc tập trung vào vật chất. Nó là cách để dự đoán về cuộc sống hôn nhân về sau. Nếu hai bên ngang nhau về thu nhập thì sự khác biệt sẽ khó nảy sinh.
Nếu thu nhập chênh lệch quá nhiều, một bên sẽ phải chịu áp lực tâm lý lớn hơn trong thời gian đầu chung sống. Điều này chắc chắn ảnh hưởng phần nào đến sự ổn định của quan hệ và sự bình đẳng giữa vợ chồng.
Một cuộc hôn nhân tốt đẹp và lâu dài phải được xây dựng trên cơ sở cân bằng, công nhận lẫn nhau. Thêm nữa, tìm hiểu về thu nhập cũng là một cách bạn đánh giá về khả năng của đối phương. Kết hôn rồi chẳng còn mơ mộng như xưa, nó là thế giới của cơm, áo, gạo, tiền... hết sức vất vả. Bởi vậy, đừng ngại ngần nói chuyện và đề cập đến chủ đề nhạy cảm là thu nhập trước khi kết hôn.
2. Hỏi về lịch sử y tế của gia đình đối phương
Nhiều khi chọn bạn đời, chúng ta rất bốc đồng, vì yêu mà bỏ qua tất cả. Tuy nhiên, hôn nhân là chuyện cả đời, nếu chọn người yêu một cách mù quáng mà không cân nhắc thực tế thì nguy cơ tiềm ẩn vấn đề gây rạn nứt rất cao.
Cái dễ đánh gục hôn nhân nhất không phải là sự nghèo khó, khó khăn mà chính là những đau khổ, dằn vặt trong cuộc sống. Hỏi về lịch sử y tế của gia đình người ấy có ý nghĩa rất lớn với sức khỏe của thế hệ sau và sự ổn định của hôn nhân.
Trước khi kết hôn, bạn có thể cùng đối phương đi khám tiền hôn nhân. Điều này không phải thể hiện việc bạn không tin tưởng mà để loại bỏ những nguy cơ tiềm ẩn và tạo thêm sự đảm bảo cho mối quan hệ sau này.
Nó cũng là một sự công bằng cho mối quan hệ của cả hai bạn. Ai cũng cần được có thông tin về sức khỏe, giấu giếm điều này sẽ chỉ càng mang đến những vấn đề về sau nếu như chẳng may có chuyện xảy đến.
3. Hỏi về mối quan hệ gia đình của đối phương
Hôn nhân như một bước ngoặt lớn của cuộc đời mỗi người. Chỉ số hạnh phúc trong tương lai gắn liền với mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, với những người thân trong gia đình nhà chồng.
Đã bước vào hôn nhân thì xác định phải chung sống bền chặt và lâu dài bởi đâu dễ dàng gì từ bỏ nhau khi đã có ràng buộc. Bởi vậy, bạn hãy hỏi đối phương về những mối quan hệ trong gia đình họ. Đừng nghĩ rằng hôn nhân là thế giới đơn thuần của hai người, chúng ta không thể tránh khỏi sự giao thoa với những người thân trong gia đình của nhau.
Biết về những mối quan hệ trong nhà sẽ giúp bạn dễ dàng khi giao tiếp và ứng xử.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đánh giá sơ bộ phẩm chất của đối phương hay người thân trong gia đình anh ấy.
Bước chuyển từ tình yêu sang hôn nhân không hề dễ dàng. Ngoài sự ngọt ngào và đẹp đẽ, chúng ta phải đối mặt với muôn vàn vấn đề.
Đàm phán và thảo luận trước khi kết hôn sẽ giúp thu hẹp các vấn đề có thể ảnh hưởng về sau.
Dù đang yêu nhau đến mấy, hãy giữ cho mình lý trí trước khi đưa ra quyết định hôn nhân.
Hỏi thăm một số điều về gia đình đối phương, điều này có thể giúp bạn tránh được một số rủi ro và xác định rõ hơn sự lựa chọn của mình.
Theo Phụ nữ Việt Nam