Hà Nội dự kiến giảm 61 xã, phường sau sắp xếp 152 đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025. Quá trình sắp xếp, TP Hà Nội luôn yêu cầu đảm bảo quyền lợi của người dân và không để nảy sinh tâm tư, thiệt thòi đối với đội ngũ cán bộ dôi dư.
GIẢM 61 XÃ, PHƯỜNG
Ngày 25/4, UBND TP Hà Nội thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025. Theo đề án, trên địa bàn thành phố hiện có 579 xã, phường, thị trấn. Sau sắp xếp còn 518 đơn vị hành chính cấp xã.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, sau sắp xếp, Thủ đô sẽ giảm 61 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 46 xã, 15 phường.
Căn cứ theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính của Bộ Nội vụ, TP Hà Nội có số xã, phường (152 xã, phường) phải sáp nhập lớn nhất cả nước. Những tỉnh thành khác có số xã, phường phải sắp xếp đứng sau Hà Nội là Nghệ An (96), Hải Phòng (82), TP.HCM (80), Phú Thọ (80), Hải Dương (57)…
Quá trình sắp xếp, tất cả các xã, phường đều lấy ý kiến cử tri. Trong 924.677 cử tri cho ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính, có 97% chọn phương án đồng ý.
Sau sắp xếp xã, phường, 7 quận, thị xã của Hà Nội có đơn vị hành chính mới gồm: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Thanh Xuân, Thị xã Sơn Tây.
Riêng quận Cầu Giấy chỉ điều chỉnh địa giới hành chính và dân số một số phường để phù hợp quy định nhưng vẫn giữ nguyên số lượng và tên gọi các phường.
Theo đó, quận Cầu Giấy điều chỉnh một phần Yên Hòa, Dịch Vọng vào phường Quan Hoa; một phần Nghĩa Đô, Dịch Vọng và Dịch Vọng Hậu vào phường Nghĩa Tân.
Tại 12 huyện (Gia Lâm, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì, Chương Mỹ, Mê Linh) có 36 xã mới được sắp xếp từ 76 xã.
'CHỐT' TÊN 52 XÃ, PHƯỜNG
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, tổng số cử tri đồng ý về tên gọi đơn vị hành chính mới sau sắp xếp trên địa bàn thành phố đạt tỷ lệ 96,54%.
Việc đặt tên đơn vị hành chính mới cho các xã, phường dựa trên yếu tố truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, ưu tiên sử dụng tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp, hoặc được sử dụng trong quá trình hình thành và phát triển.
Cụ thể, trong số 16 phường mới, có 14 phường sử dụng lại tên cũ của một trong các phường bị sáp nhập, chỉ có hai phường ghép tên cũ thành mới là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phương Liên - Trung Tự.
Trong số 36 xã mới, có 11 xã sử dụng lại tên gọi cũ của một trong các xã sáp nhập; 20 xã được đặt tên theo cách ghép tên các xã sáp nhập; ba xã có tên mới hoàn toàn là Thiên Đức, Hưng Đạo, Lam Sơn.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc đặt tên đơn vị hành chính mới không nên làm theo kiểu ‘dàn hàng ngang’ - nhặt tên mỗi xã, phường cũ một chữ rồi ghép lại với nhau thành tên mới.
“Cách làm này sẽ dẫn tới những cái tên khó hiểu, không gắn với truyền thống, văn hóa, phong tục của địa phương”, ông Sơn nói.
Thực tế, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc đặt tên mới sau sáp nhập phản ánh đúng lịch sử và văn hóa là một điều rất khó và phụ thuộc vào từng địa phương.
Do vậy, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, để có được một cái tên cho đơn vị hành chính mới, ngoài việc lấy ý kiến cử tri, cơ quan chức năng của xã, phường và ngay cả quận, huyện cần thành lập hội đồng gồm các nhà khoa học, lịch sử cùng cho ý kiến.
GIẢI PHÁP SẮP XẾP CÁN BỘ DÔI DƯ
Thực tế việc TP Hà Nội sắp xếp 152 đơn vị hành chính cấp xã, phường, số cán bộ dôi dư sau sáp nhập là rất lớn. Theo ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ, trước mắt thành phố hợp nhất nguyên trạng bộ máy các đơn vị hành chính được sắp xếp.
Tất cả cán bộ, công chức của các lĩnh vực tại các đơn vị thuộc địa phương sáp nhập được giữ nguyên, hoạt động ổn định nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến tâm tư, giải quyết kịp thời nguyện vọng của cán bộ, công chức, người lao động trong giai đoạn này.
Với cán bộ đủ tuổi nghỉ hưu, gần đến tuổi nghỉ hưu, TP Hà Nội xem xét cho nghỉ chế độ theo quy định của pháp luật. Cán bộ có nguyện vọng nghỉ công tác, chuyển công tác được giải quyết kịp thời. Thành phố sắp xếp, điều động cán bộ đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn từ nơi thừa sang nơi thiếu trong cùng địa giới hành chính.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, việc bố trí cán bộ, công chức, người lao động sau sắp xếp sẽ được thực hiện khoa học, hợp lý với phương châm đảm bảo tốt nhất về chế độ, chính sách cho cán bộ.
"Về cơ bản những người còn đủ tuổi công tác sẽ không phải đảm nhiệm chức vụ thấp hơn, một số cán bộ dôi dư được luân chuyển sang địa phương khác", ông Hoàng Anh Tuấn nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh lưu ý về công tác cán bộ sau sắp xếp đơn vị hành chính cần thực hiện, vận dụng theo nguyên tắc lắng nghe, đáp ứng nguyện vọng về công việc theo quy định, không để nảy sinh tâm tư, thiệt thòi đối với đội ngũ cán bộ dôi dư.
3 HUYỆN CHỜ LÊN QUẬN CHƯA SÁP NHẬP 9 XÃ
Theo phương án 01 của UBND TP Hà Nội, kết quả sau sắp xếp sẽ giữ nguyên đơn vị hành chính cấp huyện; số lượng đơn vị hành chính cấp xã dự kiến giảm từ 579 đơn vị xuống còn 509 đơn vị, giảm 70 đơn vị.
Tuy nhiên, 3 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì không thực hiện sắp xếp trong giai đoạn này, sẽ thực hiện trong Đề án xây dựng huyện lên quận trong thời gian tới. Do vậy, số lượng đơn vị hành chính cấp xã dự kiến giảm 61 đơn vị.
Do không đảm bảo diện tích, dân số, trên địa bàn TP Hà Nội sẽ có 70 xã, phường phải sáp nhập. Sau khi đề án sắp xếp đơn vị hành chính được thông qua, cơ quan chuyên môn sẽ xuống từng thôn, tổ dân phố giúp người dân thay đổi giấy tờ miễn phí.
Khi sáp nhập 2-3 xã, phường làm 1, nếu giữ lại tên một đơn vị hành chính cũ sẽ giảm được số người dân phải thay đổi thông tin trên các giấy tờ; còn khi lấy ý kiến “không ai chịu ai”, phải đặt tên mới, tất cả phải sửa giấy tờ.