T-72 là loại xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) của Liên Xô, do Nhà máy Uralvagonzavod sản xuất năm 1971 và đưa vào sử dụng năm 1972. Được phát triển từ dòng tăng T-62 kết hợp một số chi tiết kỹ thuật từ tăng T-64, T-72 không đơn thuần là một mẫu cải tiến mà là một kiểu mới hoàn toàn và vượt trội so với T-62. 

Mẫu xe tăng T-72 cơ bản có trọng lượng 41 tấn, dài 6,9m, rộng 3,6m, cao 3,2m, kíp chiến đấu 3 người. Động cơ diesel V-84-1 có công suất 780 mã lực (các phiên bản sau 840 mã lực, rồi 1.000 mã lực), được thiết kế rất tốt trong việc thải khói và chạy rất êm, nhờ đó giảm đáng kể độ xóc gây mệt mỏi cho tổ lái. Công suất này giúp xe đạt tốc độ 60km/h trên đường bằng phẳng và 45km/h trên đường gồ ghề; tầm hoạt động 450-460km (600-900km khi có bình dầu phụ).

Vũ khí chính của xe là 1 pháo nòng trơn 125mm 2A46M, 1 súng 12,7mm NSV hay DShK trên tháp pháo, 1 súng máy đồng trục 7,62mm; xe có thể bắn tên lửa điều khiển chống tăng qua nòng pháo.

Vỏ giáp của T-72 thay đổi tùy theo phiên bản, các phiên bản cao cấp có giáp dày gấp đôi những phiên bản cấp thấp. Nhìn chung, T-72 có hệ thống giáp bảo vệ rất tốt, được đánh giá là đủ sức chống lại các loại đạn trên các xe tăng phương Tây cùng thời. Năm 1996, trong một lần thử nghiệm, quân đội Mỹ sử dụng đạn xuyên giáp cỡ 120mm loại M829A1 (loại đạn có lõi Uranium nghèo trang bị cho xe tăng M1A2 của Mỹ khi đó, sức xuyên ~650mm thép RHA ở cự ly 2.000 mét), đã không thể xuyên thủng giáp trước của chiếc T-72A mục tiêu, kể cả ở cự ly gần.

Ngay sau khi được đưa vào sử dụng, T-72 nhanh chóng trở thành xe tăng chủ lực của Quân đội Liên Xô và là niềm tự hào của lực lượng tăng-thiết giáp nước này, bởi nó đã góp phần đưa những mẫu tăng cùng thời của phương Tây như Patton và Leopard-1 vào “bảo tàng”.

Từ cuối những năm 1980, sau khi những phiên bản đời đầu của T-72 trở nên lạc hậu so với các loại tăng như M1 Abrams, Leopard-2, Challenger.., ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã nhanh chóng cải tiến hiện đại hóa, cho ra đời những “hậu duệ” danh tiếng như T-72BM Rogatka, T-72B3. 

Phiên bản T-72B3

Cũng có mặt ở Ukraine là xe tăng T-72B3, phiên bản nâng cấp của T-72. So với T-72 đời trước, T-72B3 có hệ thống điều khiển hỏa lực và máy tính đường đạn hoàn toàn mới. Pháo thủ có thể ngắm bắn ở khoảng cách xa và chính xác hơn nhờ tổ hợp kính ngắm đa kênh. Khả năng tiến công của phiên bản T-72B3 cũng cải thiện rõ rệt khi được lắp hệ thống điều khiển hỏa lực Sosna-U kèm kính ảnh nhiệt của tăng T-90MS, cho phép phát hiện, nhận diện mục tiêu xe tăng từ khoảng cách 10.500 m vào ban ngày và 2.200 m ban đêm trong mọi điều kiện thời tiết. Trưởng xe có thể tìm kiếm và quay pháo về phía mục tiêu, pháo thủ chỉ việc điều chỉnh đường ngắm chính xác và khai hỏa, trong lúc đó, trưởng xe tiếp tục phát hiện mục tiêu mới. Pháo 2A46M5 đời mới trên T-72B3 có độ chụm đạn cao hơn nhiều so với phiên bản cũ.

Phần sau tháp pháo, đuôi xe và hai bên động cơ đều được gắn giáp lồng, giúp chặn đạn nổ lõm (HEAT) hiệu quả hơn.

Những chiếc T-72B3 đầu tiên sử dụng động cơ V-84-1 với công suất 840 mã lực. Tuy nhiên, các loạt xe sau này đều được lắp động cơ V-92S2F công suất 1.130 mã lực, cho phép chúng đạt tốc độ tối đa tới 77km/h (trong giải đua Tank Biathlon tại Army Games năm 2021, kíp lái của đội tuyển Nga đã có thời điểm đạt 82km/h).

Quân đội Nga đã nâng cấp khoảng 1.400 chiếc T-72 lên chuẩn T-72B3, bảo đảm khả năng chiến đấu và sống sót không thua kém các xe tăng chủ chiến T-80, T-90A. Nước này cũng ra mắt phiên bản T-72B3M được tăng cường đáng kể năng lực phòng vệ.

Hiện nay, xe tăng T-72 được sử dụng rộng rãi ở 40 quốc gia với nhiều phiên bản từ cũ tới mới, vẫn được xem là đối thủ đáng gờm của các xe tăng hiện đại của phương Tây. Quân đội Nga vẫn đang sử dụng hàng nghìn xe tăng T-72 và vẫn đang nâng cấp chúng để tiếp tục kéo dài niên hạn phục vụ. Một phiên bản hiện đại hóa của T-72 chính là T-90, được xem là loại xe tăng hiện đại bậc nhất thế giới trong thập niên 2010.

Xe tăng T-72 cũng được xem là “vô địch” trong việc sử dụng thực chiến, bởi đã tham gia rất nhiều cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang như cuộc chiến Libăng năm 1982, chiến tranh Iran-Iraq 1980-1988, hai cuộc chiến Chechnya, chiến tranh vùng Vịnh 1991, cuộc chiến Nam Osetia 2008, cuộc chiến Syria và nay là Ukraine.

Điều đặc biệt, ngoài Nga, khoảng 20 nước khác – như Ukraine, Ba Lan, Czech, Romania, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Nam Phi… cũng sản xuất T-72 hoặc các mẫu tăng giống như T-72, có nước sản xuất công khai hợp pháp, có nước sản xuất "chui". Tính chung, đã có hơn 25.000 xe tăng T-72 thuộc mọi phiên bản được sản xuất trên thế giới, làm cho dòng tăng này có số lượng nhiều nhất thế giới.

Nguyên Phong