"Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính/Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ/Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành/Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép/Đối với công việc, phải tận tụy/Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo".

Suốt 74 năm qua, 6 điều Bác dạy luôn là kim chỉ nam trong mọi hành động của cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân cả nước. Từ phong trào thi đua học tập, thực hiện 6 điều Bác dạy đã xuất hiện rất nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu, lập công xuất sắc trên các lĩnh vực công tác, chiến đấu.

Cho đến hôm nay, những lời dạy quý báu của Người vẫn tươi nguyên giá trị, bởi nội dung, ý nghĩa sâu sắc, toàn diện đối với quá trình công tác, chiến đấu, tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ chiến sĩ Công an. Đó là những phẩm chất không thể thiếu, là nhân tố quyết định để lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc yêu cầu, nhiệm vụ được giao

Chín năm về trước, “lục địa đen” đón hai sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam từ Đông Nam Á xa xôi. Đó là Trung tá Trần Nam Ngạn và Trung tá Mạc Đức Trọng được Việt Nam cử đi làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan, đánh dấu Việt Nam chính thức tham gia vào lực lượng mũ nồi xanh của Liên Hợp Quốc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử lực lượng ra nước ngoài kể từ khi hoàn thành sứ mệnh giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã cử hơn 8 lượt sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ độc lập theo hình thức cá nhân và 189 quân nhân trong các thê đội của Bệnh viện dã chiến cấp 2. 

Đến năm 2022, đến lượt lực lượng Công an nhân dân Việt Nam có những chiến sĩ đầu tiên tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình. 

Gác lại hạnh phúc riên, sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ, chiến sỹ mũ nồi xanh mang sắc phục Công an nhân dân Việt Nam đầu tiên sẽ tới NamSudan.

Đây chính là một dấu mốc quan trọng, là điểm sáng nổi bật trong hoạt động đối ngoại an ninh, khẳng định nhất quán quan điểm Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Tiếp nối những thành công trong hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) của lực lượng QĐND được bạn bè quốc tế ghi nhận, người dân địa phương ủng hộ, tháng 8, tháng 9 này, lực lượng CAND chính thức có những sĩ quan đầu tiên lên đường nhận nhiệm vụ.

Là nữ Công an Việt Nam tiên phong tham gia lực lượng GGHB Liên Hợp Quốc, Trung tá Trà Vinh xem đây là vinh dự với bản thân và gia đình.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở vùng quê ngoại thành Hà Nội (xã Kim Chung, Hoài Đức), từ nhỏ Trà Vinh đã bộc lộ tính cách mạnh mẽ, thích khám phá cùng với ước mơ trở thành người chiến sĩ Công an.

Khác với bạn cùng trang lứa “liễu yếu, đào tơ”, ngày còn nhỏ, mỗi khi có hội làng, Trà Vinh lại say mê với những trận đấu vật, võ cổ truyền của “cánh mày râu”. Rồi những trò chơi đánh trận giả, công an bắt cướp cũng không vắng bóng cô.

Trà Vinh kể, khi một người trong làng mở lớp học võ tự vệ, cô không một chút chần chừ, xin tham gia ngay. Và như “cá gặp nước”, những miếng võ tự vệ được cô bé tiểu học Trà Vinh tiếp thu với một niềm thích thú đặc biệt.

“Tôi tự nhận từ nhỏ mình đã cá tính, có chút tinh nghịch, đôi khi khiến bố mẹ phải nghiêm khắc. Đi học hay đi chơi thấy ai bị bắt nạt, đặc biệt là các bạn nữ là tôi không chịu được mà tìm cách bảo vệ. Vì thế, những năm tháng đi học, tôi được thầy cô và các bạn tín nhiệm giao cho các chức vụ trong lớp”, chị trải lòng.

“Nhà tuy không có ai theo ngành Công an nhưng trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước, ông bà và người thân của tôi luôn nêu cao tinh thần yêu nước, cống hiến cho cách mạng. Các thế hệ cha ông thực sự đã truyền cảm hứng cho tôi về niềm tự hào, khích lệ tôi nỗ lực phấn đấu ngay từ khi còn bé”, Trung tá Lương Thị Trà Vinh chia sẻ về động lực, quyết tâm thi vào Học viện An ninh nhân dân.

Năm 1999, Lương Thị Trà Vinh đỗ vào Học viện An ninh nhân. Niềm yêu thích võ thuật của chị được thỏa mãn với quá trình luyện rèn trong môi trường kỷ luật; ngoài võ ngành Công an, chị kiên trì 4 năm luyện tập bộ môn Pencak Silat tại một CLB võ thuật ở Học viện. Sau 5 năm phấn đấu học tập và rèn luyện, Trà Vinh tốt nghiệp và được phân công công tác tại Văn phòng các vấn đề nhân đạo của Bộ Công an. Đến nay chị đã có 23 năm học tập, công tác trong ngành.

Thực hiện “Đề án CAND Việt Nam tham gia hoạt động GGHB Liên Hợp Quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo”, Bộ Công an đã tích cực chuẩn bị lực lượng (đào tạo, huấn luyện cán bộ theo các tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc). Các sĩ quan Công an như Trung tá Lương Thị Trà Vinh có cơ hội được tham gia các khóa tập huấn trong và ngoài nước.

Qua những khóa huấn luyện, không chỉ giúp Trung tá Trà Vinh cùng đồng đội được nâng cao trình độ của bản thân, các kiến thức cơ bản và nguyên tắc hoạt động của lực lượng GGHB Liên Hợp Quốc. Đặc biệt, chị đã tích hợp cho bản thân nhiều kỹ năng quan trọng để có thể thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ trong thời gian tới với phương châm hành động của ngành Công an “chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”. Quá đó, xây dựng hình ảnh người phụ nữ CAND bản lĩnh, nhân văn, kỷ cương, trách nhiệm...

Trung tá Trà Vinh cho biết, lần đầu chị tham gia khóa tập huấn về GGHB là năm 2016 và rải rác các năm sau đó là các khóa tập huấn do Cục GGHB Việt Nam (Bộ Quốc Phòng), Liên Hợp Quốc và Cảnh sát các nước tổ chức.

6 năm nỗ lực rèn luyện, trong đợt tập huấn tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng 2 vừa qua, sau 3 ngày vượt qua các bài kiểm tra sát hạch, Trung tá Lương Thị Trà Vinh và 6 đồng nghiệp khác đã đạt đủ điều kiện tham gia lực lượng GGHB.

Ngay từ giai đoạn huấn luyện tiền triển khai, trên những thao trường nắng nóng, Trung tá Trà Vinh đã nỗ lực rèn luyện và trau dồi các kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, chuẩn bị cho một năm làm nhiệm vụ quốc tế.

Đặc biệt yêu thích với môn bắn súng, Trung tá Trà Vinh kể: “Do có một số nội dung mà lực lượng ta được huấn luyện cao hơn so với mức yêu cầu của Liên Hợp Quốc. Vì thế, khi thi ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong một số môn, chiến sĩ của ta vượt trội so với các nước, trong đó có kỹ năng bắn súng, kỹ năng xử lý các tình huống”.

Ngoài các kiến thức chung về hoạt động GGHB, các quy tắc tiêu chuẩn đối với cán bộ tham gia hoạt động GGHB, chị và đồng đội được trang bị rất nhiều kỹ năng cần thiết như: Kỹ năng sinh tồn trong các tình huống; kỹ năng đàm phán, thương lượng; kỹ năng sử dụng bản đồ, sử dụng bộ đàm và các thiết bị liên lạc tại thực địa; kỹ năng sơ cứu y tế; kỹ thuật lái xe tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết.

Nhiều năm làm việc tại Văn phòng các vấn đề nhân đạo của Bộ Công an với nhiệm vụ tạo môi trường thuận lợi để các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cộng với hơn 10 năm kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về an ninh các lĩnh vực, Trung tá Trà Vinh đã được Liên Hợp Quốc gợi ý vị trí quản lý hành chính tại phái bộ UNMISS. 

Tháng 9 này Trung tá Lương Thị Trà Vinh đã sẵn sàng để lên đường nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan.

Cộng hòa Nam Sudan là quốc gia trẻ nhất thế giới khi tuyên bố độc lập vào ngày 9/7/2011. Hơn 10 năm qua, nước này vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cuộc nội chiến và xung đột giữa các phe phái, sắc tộc. Hầu hết người dân sống trong nghèo khó. 90% dân số thu nhập dưới 1 USD/ngày. Hơn 50% trẻ em không được đến trường.

Trước ngày lên đường, chị Vinh dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu về tình hình tại Nam Sudan. Một trong những nhiệm vụ của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại đây là hỗ trợ nước này có môi trường an toàn cho cuộc bầu cử sắp tới. Tuy thế, nhiệm vụ của lực lượng GGHB tại đây không bớt khó khăn hơn trước.

Nam Sudan cũng là nơi dịch sốt xuất huyết hoành hành mỗi mùa mưa và đây là một trong những khó khăn mà Trung tá Vinh và đồng đội sẽ phải đối mặt. Ngoài ra, dù tình hình an ninh an toàn đã được cải thiện nhiều, nhưng trong quá trình công tác tại đây, lực lượng GGHB vẫn có thể phải đối mặt với một số đối tượng có vũ trang.

Những tình huống như thế đòi hỏi sự ứng xử khéo léo từ các cán bộ lực lượng GGHB để vừa giữ đúng nguyên tắc của Liên Hợp Quốc, vừa đảm bảo tránh được nguy hiểm có thể xảy ra.

Khác với sự cứng rắn, bản lĩnh khi nói về công việc, lúc được hỏi về về chuyện con cái, gia đình khi lên đường làm nhiệm vụ 1 năm, giọng Trung tá Trà Vinh chùng xuống, rồi suy tư.

Chị chia sẻ, “thời gian đầu, người nhà rất lo lắng và có phần không ủng hộ quyết định của tôi đi công tác tại phái bộ GGHB tại Nam Sudan”.

“Bố mẹ và gia đình hai bên khá lo lắng vì biết tính cách tôi có xu hướng xông pha, không ngại khổ, đặc biệt ở một môi trường mới liệu có an toàn?”, Trung tá Trà Vinh bộc bạch.

Lo lắng là thế, nhưng mọi người trong gia đình đều tin tưởng và tôn trọng quyết định của chị. Từ đó chuyển sang động viên, hỗ trợ để chị có thể yên tâm lên đường làm nhiệm vụ. “Tôi có hai cháu, một bạn năm nay lên lớp 9, một bạn sắp vào lớp 8. Hai anh em đều đang ở ngưỡng chuyển cấp, giai đoạn phát triển tâm sinh lý nên cần sự quan tâm của bố mẹ nhiều hơn. Với người phụ nữ, gia đình vẫn luôn là lẽ sống cuộc đời”, nữ Trung tá trầm ngâm.

Chị kể, khi công tác trong nước cũng đã tập cho các con quen cảnh mẹ vắng nhà, nhưng lần này đặc biệt hơn, vì thời gian xa các con đến một năm.

“Tôi cũng muốn xây dựng cho con khả năng tự lập. Ngày trước mẹ tự lập, tự giác trong học tập, lao động, giờ muốn truyền động lực này đến các con. Nói vậy chứ cũng không tránh khỏi lo lắng khi các con đang ở độ tuổi cần có người mẹ đồng hành”, chị Vinh tâm sự.

Thấu hiểu được công việc sắp tới của mẹ, hai con của chị Vinh đã ý thức, tự giác và trách nhiệm hơn. Con gái nhỏ của chị thích nấu ăn, sẽ được giao đi chợ nấu cơm, còn anh trai sẽ rửa bát, giặt quần áo. Dù không có mẹ ở bên, chị Vinh vững tin, đây là cơ hội để các con tự lập, trưởng thành hơn.

Chia sẻ về người chồng với trách nhiệm gánh vác sắp tới, Trung tá Trà Vinh trải lòng: “Tôi hiểu những tâm sự, lo lắng của anh khi tôi công tác ở môi trường có những bất ổn khó lường. Trong gia đình, trách nhiệm của anh càng lớn hơn, vất vả hơn, nhất là việc chăm sóc, dạy dỗ các con. Tôi biết ơn chồng vì sự đồng hành, chia sẻ trách nhiệm trong cuộc sống; sự tôn trọng, tin tưởng dành cho tôi cũng như chúng tôi luôn dành cho nhau”.

Hậu phương vững chắc, tiền tuyến nở hoa’’ - lời gửi gắm đầy ý nghĩa của nữ chiến sĩ Lương Thị Trà Vinh với đồng nghiệp ở lại cùng chia sẻ, gánh vác công việc chung của đơn vị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ tiêu công tác.

Thiết kế: Thu Hằng

Ảnh: Minh Nhật, Nhân vật cung cấp