Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM vừa chấp thuận phương án cải tạo cảnh quan và chỉnh trang chợ Bến Thành mà Ban cán sự Đảng UBND TP và Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất.

Theo UBND TP, quy hoạch khu vực trung tâm thành phố có 7 nhà ga ngầm thuộc các tuyến metro như: 2 nhà ga của metro số 1 và 2 nhà ga của metro số 2; 2 nhà ga của metro số 3A và 1 nhà ga của tuyến số 4.

Trong đó, nhà ga Bến Thành (trước chợ Bến Thành) là nhà ga trung tâm, điểm gặp nhau của các tuyến nên được thành phố đặc biệt lưu ý, chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng.

Hiện nay, lãnh đạo UBND thành phố đã giao quận 1 lập kế hoạch triển khai cải tạo cảnh quan trước chợ Bến Thành, dự kiến hoàn thành trước 30/4/2025 với kinh phí dự toán khoảng 157 tỷ đồng.

Sau cải tạo, trước chợ Bến Thành sẽ thành một quảng trường rộng lớn với tổng diện tích cải tạo 45.835m², bao gồm diện tích nền quảng trường, các đường giao thông, vỉa hè; công trình gắn với quảng trường đóng vai trò là không gian công cộng kết nối đồng bộ với các dự án khác xung quanh như công viên 23/9, đường Lê Lợi… giúp đáp ứng các hoạt động công cộng vui chơi cho người dân thành phố và khách du lịch. 

gieng troi hoa sen 5 1 526.jpg
Toàn cảnh không gian trước chợ Bến Thành với hạ tầng là điểm giao của nhiều tuyến đường lớn như Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Hàm Nghi, Lê Lai, Huỳnh Thúc Kháng·, kế bên có nhà ga Bến Thành của tuyến metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên), công viên 23/9... Ảnh: Nguyễn Huế

z5494076694205_64d4b4345cf11d0d50f692d52afeaeb9.jpg
Trong tương lai, sau cải tạo với kinh phí 157 tỷ đồng, khu vực trước chợ Bến Thành thành quảng trường rộng gần 46.000m2

Dự án chia làm 4 phân vùng: Vùng 1 là khu vực xung quanh chợ Bến Thành với diện tích khoảng 23.320m2, giới hạn bởi 4 tuyến đường và lát đá toàn bộ: đường Phan Bội Châu (cửa Đông), đường Phan Chu Trinh (cửa Tây), đường Lê Thánh Tôn (cửa Bắc), quảng trường trước chợ (cửa Nam);

Vùng 2 là tiểu đảo phía trước Tòa nhà Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn với diện tích khoảng 2.475m2; Vùng 3 là tiểu đảo phía trước dự án tứ giác Bến Thành với diện tích khoảng 8.210m2; Vùng 4 là mũi tàu Công viên 23-9 với diện tích khoảng 11.830m2.

z5494076609192_864567748fb15b152f374e4e923b07ba.jpg
Thành phố sẽ lát nền bằng đá granite tự nhiên, bố trí cây xanh, thảm cỏ (có hệ thống tưới tự động), hệ thống đèn chiếu sáng và các trang thiết bị tiện ích công cộng khác như ghế ngồi, biển chỉ dẫn, máy uống nước tự động, wifi, camera, thùng rác, nhà vệ sinh…
z5494076679049_aaac3f3fe132b3e7284ccb2fd0af5cec.jpg
Phương án thiết kế hoàn thiện theo định hướng quy hoạch. Các công trình kiến trúc và tượng đài gắn với hình ảnh khu vực và ký ức người Sài Gòn - TPHCM được gìn giữ, nghiên cứu bố cục hợp lý trong không gian kiến trúc cảnh quan khu vực
z5494076659672_917ef5f688268d19942d0f64770837ec.jpg
Theo đó, trước chợ Bến Thành, tượng đài Trần Nguyên Hãn được đặt lại vị trí cũ, bằng chất liệu đồng bền vững hơn. Ở góc phải là tượng Quách Thị Trang đặt trên bệ, dưới thảm cỏ, xung quanh nhiều cây xanh xen kẽ. Hiện nút giao trước chợ được tổ chức giao thông theo dạng ngã tư, có đèn tín hiệu thay vì vòng xoay như trước
z5494076609267_f2bde23468832a7cc1ce425d76b6cac9.jpg
Khu quảng trường trước chợ Bến Thành sẽ là không gian công cộng tổ chức các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội
z5494076624987_aa77a269290ccdc1c653ead189503bbe.jpg
z5494076560144_00cd16fa43cd642716f3af44f4a7d7ef.jpg
Việc cải tạo được TPHCM đặc biệt ưu tiên tăng cây xanh, mảng xanh
z5494076642308_e672ee85d62a667249aa775a3b8b051a.jpg

Nguồn ảnh: Sở Quy hoạch- Kiến trúc TPHCM.