Trong số 5 huyện ở Hà Nội dự kiến sẽ lên quận vào năm 2025, Đông Anh là một ứng viên nổi bật. Đây là một trong những địa phương đi đầu thực hiện lộ trình và đã đạt 26/27 tiêu chí huyện thành quận, 13/15 tiêu chí xã thành phường theo bộ tiêu chí chung của thành phố. (Trong ảnh, ngã tư thị trấn Đông Anh).
Đông Anh có diện tích hơn 180km2, dân số khoảng 380.000 người, gồm 23 xã, một thị trấn trực thuộc.
Trước đó, giai đoạn 2016-2020, UBND thành phố đã bố trí hơn 10.600 tỷ đồng để đầu tư các dự án cấp thành phố trên địa bàn 5 huyện gồm Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng. Trong thời gian qua, Đông Anh là một trong các huyện trên nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí của “cuộc đua” lên quận.
Trong ảnh, nhà văn hóa huyện Đông Anh trị giá 300 tỷ đồng có thiết kế mái mô phỏng trống đồng Đông Sơn. Công trình này nằm trên đường Cao Lỗ, đối diện sân vận động Đông Anh, gồm 1 tầng trệt và 4 tầng nổi với tổng diện tích sàn 17.913m2. Bên trong có đầy đủ các hạng mục như: Khối quản lý hành chính, khu vực sinh hoạt câu lạc bộ và học tập năng khiếu, âm nhạc...
Đối diện Nhà văn hóa Đông Anh là nơi tập trung các cơ quan hành chính của huyện như UBND, trụ sở công an... Hiện huyện này đã đạt nhiều tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội đạt như: Xây dựng chi tiết khu chức năng dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn; tỷ lệ đường đô thị được chiếu sáng; các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn được bảo tồn và phát huy hiệu quả; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung...
Hệ thống đường sắt trên cao đi qua địa phận Đông Anh sẽ được đẩy mạnh trong tương lai gần. Trong ảnh, khu vực ga Đông Anh thuộc Tổ 13 thị trấn Đông Anh. Công trình được xây dựng từ những năm cuối của thế kỷ XIX, hoạt động từ năm 1902 đến nay.
Xét về tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị, Đông Anh cũng nổi lên như một điển hình về sự bứt phá hạ tầng mạnh mẽ thời gian qua. Hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch kết nối thông suốt với các tỉnh phía Bắc, vùng Đông Bắc và khu vực trung tâm thủ đô như đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt trong ảnh), đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp), quốc lộ 5 kéo dài...
Các công trình nổi bật ở Đông Anh không thể không kể đến ba tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa và Võ Nguyên Giáp... (trong ảnh).
Ngoài ra còn có quốc lộ 3 (trong ảnh), quốc lộ 3 mới (đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên), đường 23B, quốc lộ 23A…
Hiện có 3 cây cầu huyết mạch nối trung tâm thủ đô với huyện Đông Anh gồm: cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long (bắc qua sông Hồng) và cầu Đông Trù (bắc qua sông Đuống).
Trong tương lai thủ đô còn có cây cầu Tứ Liên với chiều dài khoảng 2,6 km nối từ quận Tây Hồ sang địa bàn xã Đông Hội giúp Đông Anh có vị trí thông thương thuận tiện, nối liền tới các vùng trọng yếu, nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giao thông thuận tiện, giảm thời gian và chi phí đi lại. (Trong ảnh, cầu Đông Trù và cầu Thăng Long).
Theo đề án lên quận của các huyện, có 27 tiêu chuẩn phải đạt, gồm 6 tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; 21 tiêu chuẩn về trình độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị. (Trong ảnh, khu công nghiệp Thăng Long).
Trong đó, 8 nhóm các tiêu chuẩn về hệ thống công trình hạ tầng xã hội, 4 nhóm tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật đô thị, 5 nhóm tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường và 4 nhóm tiêu chuẩn về kiến trúc cảnh quan đô thị.
Với 27 tiêu chí xây dựng huyện thành quận, hiện Đông Anh còn thiếu một tiêu chí quan trọng là tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt chuẩn kỹ thuật. Để đạt được điều này, địa phương cần phải đầu tư hệ thống thu gom dẫn nước thải về Nhà máy Xử lý nước thải Bắc Thăng Long.
Trong ảnh, cầu vượt nút Nam Hồng - Bắc Thăng Long (cây cầu vượt nhẹ thứ 5 của Hà Nội) có tổng mức đầu tư 305,8 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách TP. Hà Nội, khánh thành từ tháng 12/2012.
Đông Anh trở thành địa hạt hấp dẫn, quy tụ các tên tuổi hàng đầu của thị trường địa ốc Việt Nam. Theo UBND huyện, trong năm nay, địa phương tập trung hoàn thành 81 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nhằm khớp nối đồng bộ hạ tầng giữa các khu đô thị mới và khu dân cư hiện có.
Nhiều khu đô thị, dự án nhà biệt thự, liền kề, shophouse mọc lên ngay giữa làng mạc.
Nổi bật trong các dự án lớn tại Đông Anh có Dự án công viên Kim Quy (trong ảnh, 136ha), công viên phần mềm (78,1ha), Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia (90ha), thành phố thông minh (272ha), Dự án Tổ hợp Y tế & Chăm sóc sức khoẻ công nghệ cao (40ha), Dự án Helianthus Center Red River (5ha)…
Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký quyết định ủy quyền cho 5 huyện lập đề án lên quận, giai đoạn 2023-2025. Những địa phương nằm trong danh sách này gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng. Đồ án sẽ phải hoàn thành chậm nhất ngày 31/12. Trong khi đó, tiến độ đạt được tiêu chí lên quận của các địa phương đang có sự chênh lệch. Với 27 tiêu chí xây dựng huyện thành quận, hiện Đan Phượng đạt 21 tiêu chí; Đông Anh đạt 26 tiêu chí; Gia Lâm đạt 25 tiêu chí; Hoài Đức đạt 22 tiêu chí và Thanh Trì đạt 24 tiêu chí. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, việc đưa cả 5 huyện lên quận cùng lúc khó khả thi. Hà Nội đang ưu tiên và tập trung nguồn lực để đưa Đông Anh và Gia Lâm lên quận vào năm 2023. Các huyện còn lại sẽ được xem xét để lên quận trong năm 2024-2025. |