Doanh thu mới từ đám mây

Trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, chủ tịch China Mobile Yang Jie tái khẳng định kế hoạch chuyển đổi dựa trên số hoá từ năm 2019 để biến doanh nghiệp “từ viễn thông sang thông tin”.

Theo đó, doanh thu chuyển đổi kỹ thuật số bên ngoài dịch vụ thoại và dữ liệu truyền thống của China Mobile sau 6 tháng đầu năm 2023 đạt 132,6 tỷ NDT (18,4 tỷ USD), tương đương mức tăng trưởng 19,6% so với cùng kỳ và chiếm 29,3% trong tổng số 452,2 tỷ NDT doanh thu dịch vụ viễn thông.

Doanh thu từ dịch vụ đám mây của ba nhà mạng Trung Quốc.

Dịch vụ đám mây di động đóng vai trò cốt lõi trong phần doanh thu này, khi tăng 80,5% lên 42,2 tỷ NDT sau nửa đầu năm. “Doanh thu của chúng tôi không đơn thuần chỉ là ARPU - doanh thu trung bình trên mỗi người dùng, chỉ số thước đo truyền thống hiệu quả của các nhà mạng viễn thông.

Số hoá và dịch vụ đám mây được coi là động lực tăng trưởng mới dành cho các công ty viễn thông, những người có hoạt động kinh doanh ổn định và lợi nhuận được bảo vệ bởi các quy định của chính phủ, song đã mất đi “ánh hào quang” và chỉ được coi là lĩnh vực phòng thủ trong những năm qua.

China Telecom, một công ty nhà nước, cũng có hướng đi tương tự China Mobile nhưng với tên gọi và cách phân loại khác. Doanh thu từ "số hóa công nghiệp" tăng 16,7% so với một năm trước đó lên 68,8 tỷ NDT, đóng vai trò là động lực chính thúc đẩy tổng doanh thu tăng 7,6% trong nửa đầu năm. Hơn hai phần ba tăng trưởng doanh thu hàng đầu của công ty đến từ phân khúc này, dẫn đầu là dịch vụ đám mây, mang lại 45,8 tỷ NDT, tăng 63,4%.

Mặc dù China Telecom tụt lại phía sau China Mobile về số lượng thuê bao di động, 401,9 triệu so với 985,3 triệu tính đến cuối tháng 6/2023, nhưng họ lại dẫn đầu về dịch vụ đám mây và tuyên bố sẽ tìm cách duy trì vị trí trên thị trường.

"Mục tiêu hằng năm đạt 100 tỷ NDT với lĩnh vực đám mây của chúng tôi là không thay đổi", chủ tịch kiêm CEO China Telecom Ke Ruiwen cho biết. Điều này đồng nghĩa mức tăng trưởng 73% trong năm. Trong khi đó, Phó Chủ tịch China Mobile Zhao Dachun tiết lộ doanh nghiệp này hướng tới doanh thu đám mây “hơn 80 tỷ NDT/năm”.

China Unicom, công ty nhỏ nhất trong ba công ty, cũng đặt nhiều hy vọng vào “doanh thu Internet” của ngành. Phân khúc này đạt 42,9 tỷ NDT trong nửa đầu năm, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức tăng trưởng doanh thu chung là 8,8%. Một lần nữa, dịch vụ đám mây là cốt lõi tăng trưởng mới, tăng 36,4% lên 25,5 tỷ NDT trong nửa đầu năm và nhắm mục tiêu hơn 50 tỷ NDT cho cả năm 2023.

Lợi thế doanh nghiệp nhà nước

Khi môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, một cuộc chiến giá cả đang nổi lên giữa các nhà cung cấp dịch vụ đám mây của Trung Quốc. "Giá cả là một yếu tố quan trọng", Ke Ruiwen của China Telecom cho biết và thừa nhận phải tiếp tục giảm giá để cạnh tranh. Song, nhà mạng này tự tin những thế mạnh của thương hiệu, công nghệ 5G, các gói dịch vụ mới sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.  

Chủ tịch China Mobile Yang Jie (giữa) khẳng định doanh nghiệp này đang chuyển "từ viễn thông sang thông tin"

Trong khi đó, Zhao của China Mobile khẳng định họ có lợi thế khi là một tập đoàn lớn thuộc sở hữu nhà nước do chính quyền trung ương kiểm soát trực tiếp.

Michelle Fang, nhà phân tích viễn thông tại Citi có trụ sở tại Hồng Kông, cùng chung nhận định này, đồng thời cho biết, khách hàng doanh nghiệp trên nền tảng đám mây của các nhà mạng thường “hướng đến chính phủ và phục vụ các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tập trung cho bảo mật nhiều hơn là cạnh tranh chi phí”.

Dù vậy, không phải không có những rủi ro đối với các nhà mạng thuộc sở hữu nhà nước. Họ bị ràng buộc bởi nhiều quy định chồng chéo và có thể thiếu linh hoạt để thực thi trên thực tế.

Edison Lee, chuyên gia phân tích tại Jefferies có trụ sở tại Hồng Kông, chỉ ra trường hợp của China Unicom, công ty có các vị trí chủ tịch và giám đốc điều hành bị bỏ trống từ 30/7. Liu Liehong, người giữ cả hai chức vụ, đã từ chức khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu Cục dữ liệu quốc gia, cơ quan mới thành lập của Hội đồng Nhà nước, thuộc chính phủ trung ương Trung Quốc.

(Theo Nikkei Asia)

Doanh nghiệp viễn thông đang 'tụt hậu' về AI

Doanh nghiệp viễn thông đang 'tụt hậu' về AI

Các doanh nghiệp viễn thông đang ở phía sau những công ty công nghệ khi đề cập tới ứng dụng AI. Họ cần coi AI là công cụ tăng trưởng thay vì biện pháp cắt giảm chi phí hoạt động.