Trường Kinh tế được thành lập trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị thuộc Viện Kinh tế và Quản lý. PGS.TS Nguyễn Danh Nguyên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý, được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.
Phó Hiệu trưởng là PGS.TS Đào Thanh Bình và PGS.TS Phạm Thị Kim Ngọc, Giảng viên cao cấp Viện Kinh tế và Quản lý.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, khẳng định từ “Viện Kinh tế và Quản lý” thành “Trường Kinh tế” không chỉ khác tên gọi mà còn có sự khác biệt lớn, thể hiện một sự lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, thể hiện khát vọng vươn lên, khát vọng đổi mới.
Ngoài ra, việc thành lập Trường Kinh tế và trước đó là thành lập 5 trường khác của ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những bước đi hoàn thiện cơ cấu đại học với cấu trúc chặt chẽ, hướng tới một mô hình thích hợp để triển khai cơ cấu đa ngành.
“ĐH Bách khoa Hà Nội xác định phát triển đa ngành, đa lĩnh vực nhưng vẫn luôn lấy công nghệ và kỹ thuật làm nòng cốt. Trường Kinh tế trong giai đoạn tới cần “lột xác phát triển” để vẫn giữ được bản sắc, truyền thống, nhưng phải định vị được vị trí của mình trên bản đồ đào tạo và bản đồ công nghệ”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nói.
Cũng trong ngày 2/8, ĐH Bách khoa Hà Nội công bố nghị quyết thành lập và bổ nhiệm chức vụ quản lý của 4 Viện nghiên cứu, gồm: Viện Khoa học và Công nghệ sức khỏe trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Điện tử Y sinh học; Viện Công nghệ Điều khiển và Tự động hóa trên cơ sở điều chỉnh tên gọi và tái cơ cấu Viện Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa;
Viện Công nghệ Năng lượng trên cơ sở điều chỉnh tên gọi và tái cơ cấu Viện Khoa học và Công nghệ nhiệt lạnh; Viện Nghiên cứu công nghệ Không gian và Dưới nước trên cơ sở phê duyệt Đề án Phát triển Viện Nghiên cứu công nghệ Không gian và Dưới nước.
Như vậy, hiện nay ĐH Bách khoa Hà Nội có 6 trường thuộc, gồm: Cơ khí, Điện - Điện tử, Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Hóa và Khoa học sự sống, Vật liệu, Kinh tế và 5 viện/khoa có quản ngành đào tạo.