Hôm nay, ngày 11/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã tổ chức hội thảo quốc tế ngành dệt may - da giày Việt Nam.
Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm, quý 2 là thời gian ngành dệt may chịu tác động nặng nề nhất từ dịch bệnh. Kim ngạch ngành dệt may giảm khoảng 23% so với cùng kỳ năm 2019.
Đến quý 3, tình trạng này đã khởi sắc, song cũng giảm khoảng 1,7%. Dự báo, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may chỉ đạt khoảng 35,2 tỷ USD, giảm khoảng 9,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là thiệt hại chưa từng có của ngành dệt may trong vòng hàng chục năm qua.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam cũng cho biết, tính đến nay, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày giảm khoảng 11%. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước nên việc sản xuất khá ổn định, việc này khiến các nhãn hàng đưa nhiều đơn hàng về nước ta sản xuất. Đồng thời, việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mới đây, được coi là “đòn bẩy” giúp ngành da giày có sự khôi phục tốt. Dự báo, năm 2020, xuất khẩu ngành da giày đạt 90% so với cùng kỳ năm trước.
Kéo sợi tại nhà máy dệt lụa Nam Định |
Sản xuất dệt may chịu ảnh hưởng lớn do dịch bệnh |
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, nhu cầu của châu Âu và Hoa Kỳ trong năm 2020 giảm lần lượt là 45% và 40% với hàng may mặc, giảm 27% và 21% với giầy dép. Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Hoa Kỳ và châu Âu, khiến cho thời điểm hồi phục của ngành thời trang về mức trước khi đại dịch được dự đoán là cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Mặc dù vậy, hai ngành dệt may và da giày Việt Nam cũng có nhiều cơ hội trong bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi. Hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là mặt hàng khó may, có giá trị cao và nhờ vậy vẫn giữ giá, mở rộng thị phần tại thị trường Hoa Kỳ. Vào tháng 6/2020, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất hàng may mặc vào Hoa Kỳ - vị trí mà Trung Quốc chiếm giữ nhiều năm nay...
Theo các chuyên gia, tác động của dịch bệnh khiến các doanh nghiệp phải có sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh. Trong đó, cần phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may trong nước, không phụ thuộc vào một vài thị trường nào đó, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng. Đặc biệt, cần phải đi bằng “hai chân”, tập trung cho xuất khẩu song cũng cũng cần khai thác, quan tâm đến thị trường trong nước....
Các chuyên gia bày tỏ tin tưởng ngành dệt may và da giày sẽ “vượt khó” nếu dịch bệnh được kiểm soát và nhờ lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do. Tuy vậy, để "kéo" đơn hàng, cộng đồng doanh nghiệp phải xây dựng liên kết chuỗi chặt chẽ, chia sẻ thông tin, giải pháp công nghệ, quản trị; đặc biệt sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch về Việt Nam, nhanh nhạy trước những thay đổi của thị trường, nhất là trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp...
Phương Hằng