Australia sắp trở thành nhà của hàng trăm lính thủy đánh bộ Mỹ khi chính quyền của Tổng thống Obama đang dự định chuyển quân tới một căn cứ quân sự tại mũi bắc của quốc gia này.
Điều gì đang diễn ra trên con tàu chở xác Bin Laden
Vịnh Hạ Long là Kỳ quan thiên nhiên mới
Nhằm chống lại sức mạnh quân sự và tài chính ngày càng tăng của Trung Quốc trên toàn cầu, khoảng 500 tới 1.000 binh sĩ Mỹ sẽ thiết lập sự hiện diện thường trực của quân đội Mỹ tại một doanh trại nằm ở ngoại ô Darwin.
Dự kiến, Tổng thống Obama sẽ chính thức tiết lộ kế hoạch gia tăng sự ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á trong chuyến thăm thành phố Darwin vào tuần tới. Hiện tại, Mỹ chỉ triển khai có giới hạn một số quân tại nước đồng minh thường trực lâu năm là Australia, gồm cả trạm do thám Pine Gap, vốn điều phối các cuộc không kích ở Iraq và Afghanistan.
Động thái mới của Mỹ tượng trưng cho một sự thay đổi lớn về địa chiến lược, vốn đã được cân nhắc từ nhiều năm khi Washington tìm cách tăng cường sức mạnh cho Bộ chỉ huy Thái Bình Dương.
Căn cứ mới sẽ không được xây dựng trong thành phố mà lực lượng lính thủy đánh bộ sẽ dùng doanh trại Robertson hiện có nằm gần đó. Doanh trại này hiện chứa 4.500 lính Australia và sẽ được mở rộng để đón thêm quân Mỹ, tờ Sydney Morning Herald cho biết.
Trong bài phát biểu tại một hội thảo an ninh quốc gia hôm 11/11, Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith nói: "Sẽ có thêm nhiều chuyến thăm của các con tàu, máy bay và tập trận khắp vùng bắc Australia. Nó sẽ gồm cả lắp đặt trước các thiết bị của Mỹ tại Australia".
Lính thủy đánh bộ Mỹ đã đóng quân ở Okinawa, Nhật và tại Guam, lãnh thổ của Mỹ nằm cách Papua New Guine hàng nghìn kilomet về phía bắc, với tư cách là lực lượng chiến đấu chủ chốt của Mỹ tại Thái Bình Dương.
Kế hoạch mới của Mỹ tại Australia sẽ siết chặt thêm liên minh quân sự 60 năm giữa hai nước.
Theo nhận định của giới phân tích, động thái trên chủ yếu là sự đáp trả với một Trung Quốc ngày càng mạnh về khả năng và chi tiêu quân sự. Trung Quốc được cho là ngày càng khẳng định mình ở các vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền lẫn những tuyến đường biển quan trọng.
Giáo sư Geoffrey Garrett, lãnh đạo trung tâm nghiên cứu Mỹ tại trường đại học Sydney nhận xét, chiến lược của Mỹ gồm 2 phần. "Vì cái bóng của Trung Quốc là rất lớn với cả Mỹ và Australia nên lo ngại đầu tiên của Mỹ là phải củng cố liên minh và tình hữu nghị của Mỹ trong vùng như một chính sách bảo hiểm rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc hiện giờ là hòa bình. Điều thứ hai là cố gắng xây dựng một cấu trúc kinh tế vùng cho châu Á-Thái Bình Dương. Cấu trúc này sẽ dựa trên các nguyên tắc thị trường của Mỹ và Australia và đảm bảo rằng trong thời gian tới Trung Quốc sẽ được khuyến khích tham gia".
Khi được hỏi về khả năng Mỹ đóng quân tại Australia, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hong Lei nói, Bắc Kinh đã biết thông tin này. Ông Hong Lei nói: "Chúng tôi hy vọng việc hợp tác song phương giữa những nước liên quan sẽ có ích cho hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
- Hoài Linh (Theo DailyMail)