Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng những ý kiến ủng hộ việc dạy thêm học thêm ở tiểu học là xuất phát từ lợi ích của người lớn chứ không vì quyền lợi học trò.
Gần đây, chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm - học thêm đối với giáo dục tiểu học mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Chia sẻ với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng những ý kiến ủng hộ việc dạy thêm học thêm ở tiểu học là xuất phát từ lợi ích của người lớn chứ không vì quyền lợi học trò.
Về một số ý kiến cho rằng việc dạy thêm cũng có phần xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh và nhu cầu đó là chính đáng, ông Hiển nói:
Đúng là câu chuyện dạy thêm được bắt đầu kể từ lúc học sinh có nhu cầu học thêm. Nhưng sau đó một số người vin vào điều kiện khó khăn của giáo viên mà xem việc dạy thêm là một hoạt động để có thêm thu nhập, từ số ít ban đầu sau rộng ra đến mức tiêu cực gây bức xúc trong dư luận xã hội, trong nhân dân. Những người làm công tác quản lý giáo dục chúng tôi cho rằng không thể để như vậy được.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển
Tôi cho rằng chúng ta nên xem lại cái được gọi là nhu cầu học thêm hiện nay. Cũng có thể một bộ phận nhỏ có nhu cầu, nhưng tôi e rằng về cơ bản nó không chính đáng, bởi đó là nhu cầu giả được chính các giáo viên tạo ra. Giáo viên ra những bài kiểm tra khó, rồi so sánh giữa em nọ với em kia... làm cho phụ huynh học sinh nôn nóng, sốt ruột, không yên tâm với kết quả học tập của con mình nên muốn cho các cháu đi học thêm. Hoặc có một nhu cầu nữa thường được nhắc tới khi bàn về học thêm dạy thêm ở tiểu học là việc bố mẹ không có thời gian quản con, muốn gửi con chỗ cô giáo. Nhu cầu này thì chính đáng, nhưng nếu nhận trông thì có nhiều cách quản lý trẻ, có nhiều hoạt động để trẻ tham gia, đâu cứ phải dạy thêm học thêm!Tất nhiên về cách thức tổ chức dạy học trong chương trình hiện nay cũng có vấn đề. Khi mình quá coi trọng kiến thức mà không coi trọng phát triển năng lực nói chung của học sinh thì mình sẽ chỉ tập trung yêu cầu nâng cao kiến thức, mà tập trung nhiều vào kiến thức thì sẽ tạo ra nhu cầu dạy thêm học thêm. Chính phụ huynh học sinh cũng không hiểu được điều này. Từ suy nghĩ học được nhiều kiến thức sẽ thành kỹ năng họ đã nặng nề hóa vai trò của việc học tập, làm cho việc học tập mất nhiều thời gian và nhiều chi phí hơn.
Lúc nãy ông có nói tới sự lan tràn của màu sắc tiêu cực trong hoạt động dạy thêm có liên quan tới lý do cải thiện thu nhập của giáo viên. Trong điều kiện đời sống của giáo viên còn khó khăn thì đó cũng là một điều có thể thông cảm chứ?
Đúng là đời sống của giáo viên còn nhiều khó khăn, họ cần được cảm thông – chia sẻ. Nhưng mình đang nói chuyện phục vụ học sinh thì mình phải nhìn vào học sinh hay nhìn vào mình? Không chỉ riêng nghề sư phạm mà làm nghề nào cũng thế, đã lựa chọn thì phải lường trước và chấp nhận những khó khăn, vất vả của nghề. Xã hội mình đâu có mỗi nghề giáo khó khăn! Làm nghề nào cũng phải xác định nếu nhà nước đãi ngộ được cũng là tốt, còn không thì cũng phải làm tròn trách nhiệm. Nếu ai đó thấy khó khăn thì cứ phàn nàn, có nguyện vọng gì thì cứ phản ánh, các cơ quan hữu quan sẽ cố gắng giải quyết. Còn lý lẽ vì tôi lương thấp, đãi ngộ không xứng đáng nên tôi làm ít hơn người khác, hoặc vì thế mà tôi không hoàn thành nghĩa vụ là không chấp nhận được.
"Kỳ vọng em nào cũng phải học giỏi là rất phản khoa học"
Bộ GD&ĐT từng ban hành rất nhiều văn bản nhằm ngăn chặn tình trạng dạy thêm tràn lan. Nhiều văn bản nhưng khả năng thực thi thấp, ông có thấy vậy không?
Bộ ban hành văn bản nhưng Bộ không phải là nơi tổ chức thực hiện cụ thể. Bộ không phải là nơi xử lý từng giáo viên, từng hiệu trưởng. Cái này phải có trách nhiệm từ bên dưới. Bộ cũng phải chịu trách nhiệm ở chỗ đã "đẩy" một số những khó khăn cho bên dưới, ví dụ như về chương trình - SGK chưa thay đổi kịp, vì thế Bộ đang cố gắng giải quyết chứ không chỉ ban hành các mệnh lệnh hành chính.
Có những điều phụ huynh học sinh không hiểu hết, rồi lại còn kỳ vọng quá vào con em mình, cứ muốn con em mình là người giỏi nhất. Giờ cán bộ quản lý giáo dục phải giúp phụ huynh có một quan niệm khác về chất lượng giáo dục, rằng phải toàn diện, phải phát huy năng lực riêng của từng em, không phải em nào cũng giống em nào. Kỳ vọng em nào cũng phải học giỏi là rất phản khoa học.
Để việc chống tiêu cực trong dạy thêm học thêm hiệu quả, theo ông bây giờ cần phải làm thế nào?
Tất cả giải pháp quản lý không thể làm tốt nếu như phụ huynh học sinh vẫn không nhận thức đúng về quy định, về mong muốn chất lượng dạy học nói chung như thế nào, rồi không yên tâm cho con mình, chỉ muốn dễ cho mình mà gửi con vào những chỗ dạy thêm học thêm. Cho nên tôi nghĩ phụ huynh học sinh phải cùng với nhà trường có trách nhiệm chính đối với việc học tập của con em mình.Còn trách nhiệm của Bộ GD&ĐT?
Như tôi đã nói, cách tổ chức dạy học theo chương trình hiện hành vẫn còn khó khăn trong quản lý dạy thêm học thêm. Ngay từ bây giờ và sắp tới đổi mới chương trình, SGK thì mình phải thay đổi quan điểm về chất lượng. Chất lượng giờ một mặt đảm bảo kiến thức kỹ năng, nhưng quan trọng hơn là phát triển toàn diện, học sinh phải được trải nghiệm cuộc sống, phải được rèn kỹ năng, có những hình thức giáo dục giá trị một cách phù hợp hơn cho nên không quá tập trung vào kiến thức. Kiến thức chỉ đủ để tư duy, để hình thành năng lực tự học, đủ để sáng tạo, đủ để giải quyết vấn đề chứ kiến thức không phải là tất cả mục tiêu giáo dục. Khi đó có thể thời gian học tập ở trường của các em cần nhiều hơn nhưng không đơn thuần chỉ dạy văn hoá như hiện nay, không gây ra áp lực về tâm lý cho cả giáo viên - học sinh - phụ huynh.
Cùng với đó là cách đổi mới kiểm tra đánh giá. Đổi mới kiểm tra đánh giá cũng nhằm vào năng lực chứ không quá coi trọng kiến thức nữa thì việc dạy thêm học thêm cũng sẽ giảm.
Các giá trị đích thực sẽ được xác lập
Không chỉ từ dư luận học sinh mà ngay trong nội bộ ngành sư phạm cũng có những quan điểm trái chiều về dạy thêm học thêm ở cấp tiểu học, ông nghĩ sao?
Trước làn sóng phản ứng, trong đó có giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, ông có nản lòng?
Nản thì không nản. Sức mình đến đâu làm đến đấy. Giáo dục chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền kinh tế - xã hội. Những giá trị của xã hội thay đổi thì sẽ thay đổi những giá trị trong giáo dục. Vì thế sức mình đến đâu thì làm đến đấy, cứ cố gắng mà làm, bởi tôi tin xã hội ngày càng phát triển, các giá trị đích thực sẽ xác lập được vị trí thích đáng. Trong quá trình phát triển sẽ không tránh khỏi những lệch lạc, nhất là chúng ta vừa trải qua một giai đoạn có những giá trị chưa ổn định. Có lẽ các bạn không hình dung được bộ mặt giáo dục những năm 1990 - 1992. Hồi đó thậm chí người ta chẳng còn cần đi học, giáo viên - trường lớp đều thừa. Giờ được người ta đi học cho là tốt rồi, thì lại sinh ra nhu cầu dạy thêm học thêm. Những năm 90 - 91, có hiệu trưởng còn để cho học sinh quay cóp mà chẳng làm gì. Ông ấy bảo tôi (khi đó còn làm thanh tra giáo dục) anh thông cảm, chúng tôi cần các em đi học, tức là người ta phải dùng biện pháp tiêu cực để phục vụ mục đích tích cực.
Cho nên sự phát triển nào cũng có hai mặt, người quản lý phải nghĩ sao để có được sự phát triển bền vững. Cách như ông hiệu trưởng tôi vừa nhắc tới là không bền vững, nên mới sinh ra hậu quả như sau này mà phải mất bao nhiêu thời gian và công sức chúng ta mới hạn chế được phần nào. Cho nên cứ phải dần dần, xã hội phát triển thì giáo dục cũng sẽ phát triển theo.
Xin cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển!
|