Mẹ ơi nhà mình có giàu không?

Thạc sĩ Khoa học giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh là nhà đồng sáng lập Công ty Cổ phần Học viện Minh Trí Thành. Sau nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực tâm lý, trong đó có tâm lý học đường, chị Lanh nhận thấy nhiều cha mẹ nghĩ tiền bạc là vấn đề nhạy cảm nên thường ít đề cập chuyện này với con cái. Thậm chí, khi con hỏi những câu liên quan đến tiền bạc, cha mẹ còn tránh né hoặc lúng túng không biết giải đáp sao.

“Né tránh việc giáo dục cho con về tiền bạc là không nên. Nếu muốn sau này con thành công, bất cứ cha mẹ nào cũng cần dạy con hiểu rõ giá trị của đồng tiền từ sớm. Bởi trẻ không có nhận thực về đồng tiền khi còn nhỏ thì lúc lớn lên sẽ đối mặt với rất nhiều vấn đề phức tạp”, Ths. Nguyễn Thị Lanh cho hay.

Nhiều cha mẹ nghĩ tiền bạc là vấn đề nhạy cảm nên thường ít đề cập chuyện này với con cái

Theo Ths. Lanh, giáo dục về tiền bạc có thể bắt nguồn từ việc giải đáp những thắc mắc ngây thơ của con: “Mẹ ơi, nhà mình có giàu không?” - một câu hỏi quen thuộc mà nhiều đứa trẻ đặt ra cho cha mẹ.

Ths. Lanh chia sẻ, “Nhiều cha mẹ bảo với con rằng nhà mình nghèo lắm con ạ, không mua được thứ này thứ kia đâu. Cha mẹ không biết rằng họ đang vô tình cài đặt vào đầu con sự tự ti về hoàn cảnh gia đình nghèo khó. Cũng có cha mẹ lại bảo nhà mình giàu lắm, khiến trẻ tự mãn, nghĩ rằng mình không cần phải cố gắng gì nữa vì giàu sẵn rồi.

Cả hai cách trả lời trên đều chưa đúng. Trước tiên, cha mẹ cần phân tích cho con hiểu “giàu” là gì. Giàu không chỉ đơn thuần là giàu tiền bạc, mà còn là giàu có về tư duy, trí tuệ, tình yêu thương. Tiếp đó, cha mẹ hãy bảo với con rằng “cha mẹ vẫn đang rất nỗ lực để giàu, con cũng cần góp công góp sức vào đó” sẽ giúp kích thích động lực học tập, vươn lên trong cuộc sống của con”.

Ths. Nguyễn Thị Lanh nhận thấy nhiều người nỗ lực cả đời làm lụng để kiếm tiền, rồi lại lo toan, trăn trở chuyện mua nhà, mua xe cho con

Cũng theo tư vấn của Ths. Nguyễn Thị Lanh, nếu bố mẹ đã thành công, dư giả tiền bạc thì hãy nói cho con biết: Nhà cửa, xe cộ… là của bố mẹ chứ không phải của con. Bố mẹ giàu chưa chắc con đã giàu nếu con không chịu học tập và không có năng lực làm giàu. Điều này đồng nghĩa với việc dạy con phải tự mình nỗ lực để đạt được thành tựu chứ không phải hưởng thụ trên thành quả của bố mẹ”, cô Lanh phân tích.

Giúp con nâng “tầm người” để đủ khả năng quản trị “tầm tiền” 

Ths. Nguyễn Thị Lanh cũng nhận thấy nhiều người nỗ lực cả đời làm lụng để kiếm tiền, rồi lại lo toan, trăn trở chuyện mua nhà, mua xe cho con.

“Có một học viên của tôi khoe rằng vợ chồng chị ấy đã chia cho hai cậu con trai mỗi người một cái nhà 10 tỷ. Chị cảm thấy “nhẹ cả người” vì làm được một việc lớn trong đời, yên tâm bởi các con giờ chỉ cần làm lụng để ăn tiêu thôi chứ không phải lo gom góp mua nhà nữa. Nhưng tôi bảo vợ chồng chị ấy làm thế là sai rồi, đang cản trở tài năng, khát khao vươn lên trong con. Cuộc đời này đâu chỉ có một cái nhà để rồi sống yên phận, không cần nỗ lực gì nữa. Nếu con chị ấy có năng lực kiếm tiền, năng lực thành công thì mới yên tâm được, lúc ấy chuyện mua 10, 20 cái nhà cũng trở thành đơn giản”, Ths. Lanh cho hay.

 Cha mẹ cần dạy con khả năng kiếm tiền và quản lý tiền, tự bước trên cuộc đời của mình để đạt được những thứ mình muốn, chứ không phải dựa trên tài sản của cha mẹ

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh, nếu cha mẹ để lại cho con một núi tài sản mà không dạy con cách quản trị thì chẳng mấy chốc tài sản sẽ tan biến. Không ai có thể mặc một cái áo quá to hoặc đi một đôi giày quá cỡ. Cha mẹ cho con 10 tỷ, nhưng nếu con chỉ có khả năng quản lý 1 tỷ thì số tiền còn lại con sẽ tiêu, sẽ đầu tư sai… Và cuối cùng, con cũng chỉ giữ lại được đúng số tiền bằng với năng lực quản lý của con. Bởi vậy, cha mẹ cần dạy con khả năng kiếm tiền và quản lý tiền, tự bước trên cuộc đời của mình để đạt được những thứ mình muốn, chứ không phải dựa trên tài sản của cha mẹ. 

“Việc của cha mẹ là ở bên cạnh để giúp con gia tăng giá trị bản thân, nâng “tầm người” lên đủ khả năng quản trị “tầm tiền” vì “tầm người” đến đâu thì “tầm tiền” đến đấy. Cha mẹ không thể nghĩ mình chỉ cần để lại tiền bạc và các mối quan hệ cho con rồi con sẽ sống tốt. Nếu muốn thành công, con phải tự xây dựng, gia tăng giá trị “tầm người” để có được tài sản và những mối quan hệ tương xứng”, Ths. Nguyễn Thị Lanh nói.

Đồng thời, Ths. Nguyễn Thị Lanh cũng nhấn mạnh, để hỗ trợ con, cha mẹ cần sớm xây cho con hệ giá trị - con người đích thực của con, cho con Bi (tình yêu thương) - Trí (trí tuệ) - Dũng (lòng can đảm) chứ không phải là tiền bạc. Khi “tầm người” của con tăng thì thành công, tiền bạc tự khắc tới.

Hồng Nhung