Năm 2019, khi con gái đỗ vào trường cấp 3, chị Nguyễn Thị Ngọc (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã nghĩ tới việc tích lũy tài chính. Số tiền mừng tuổi đầu năm của con và bù thêm một khoản, chị mua được 1 cây vàng giá 42 triệu đồng/lượng.
Các năm tiếp theo, dù giá vàng tăng, chị Ngọc cố gắng tích cóp để có thể mua thêm 1 cây vàng. Đầu năm 2020, chị mua thêm 1 cây giá 44,99 triệu đồng/lượng. Tương tự, sang năm 2021, chị mua 1 cây vàng với giá 56,35 triệu đồng/lượng. Đến năm 2022, giá vàng tăng lên 62 triệu đồng/lượng, do công việc kinh doanh không thuận lợi, chị chỉ mua được nửa cây vàng. Trong 3 năm, chị Ngọc đã mua được tổng cộng 3,5 cây vàng.
Mấy tháng gần đây, giá vàng giảm so với với đầu năm nhưng nhà đầu tư vẫn có lời nếu mua vàng cách đây vài năm. Như vậy, nếu bán vàng ở thời điểm này mức giá 65,8 triệu đồng/lượng, chị Ngọc đã có khoản lời hơn 56 triệu đồng.
Chị Ngọc cho hay, vàng là một kênh đầu tư an toàn và có thể tích cóp mua dần từng chỉ, không nhất thiết phải mua 1 lượng vàng ngay. So với các kênh đầu tư như gửi tiết kiệm, thì mức lời từ vàng khá hấp dẫn.
“Tôi học các cụ, cứ có tiền là mua vàng, chỉ bán đi khi thực sự cần thiết. Để dành một thời gian, giờ có khoản tiền lo cho con đi học đại học”, chị nói. Theo chị Ngọc, số vàng trên, chị chỉ bán 1 cây để đóng tiền đầu năm học. Còn lại chị vẫn tiếp tục giữ và có thể mua lại vàng nếu có dư tài chính.
Sau 7 năm tiết kiệm từ mua vàng, chị Nguyễn Hoa (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng có khoản tiền lớn bất ngờ. Chị cho hay, khi con bắt đầu học cấp 2, vợ chồng chị đã bắt đầu mua vàng tích lũy. Thay vì đem hết tiền gửi tiết kiệm, chị bớt lại một phần để mỗi tháng mua 1 chỉ vàng.
Thời điểm đó, chị mua những chỉ vàng đầu tiên, giá hơn 3 triệu đồng/chỉ (vàng nhẫn ép vỉ giá rẻ hơn vàng miếng ép vỉ). Hiện, giá vàng này khoảng trên 5 triệu đồng/chỉ. Nếu bán đi, chị đã có một khoản trên 430 triệu đồng, đủ để cho con học đại học.
Kết thúc phiên 24/9, giá vàng miếng 9999 tại SJC Hà Nội là 65,8 triệu đồng/lượng (mua vào) - 66,6 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC TP.HCM niêm yết ở mức 65,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,62 triệu đồng/lượng (bán ra).
Doji Hà Nội niêm yết ở mức 65,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,5 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại TP.HCM, Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 65,9 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 66,5 triệu đồng/lượng.
Chị cho hay, giá vàng quốc tế giảm nhưng giá trong nước vẫn ở mức cao. Những người mua mua vàng như chị Hoa vẫn có một khoản lời qua nhiều năm tích luỹ.
Mong muốn con có thể đi du học, chị Quỳnh Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) đã lên kế hoạch tiết kiệm tiền từ việc mua vàng ở thời điểm con mới bắt đầu học lớp 1. Chị cho hay, mỗi năm đều đặn, dù đắt hay rẻ, chị vẫn mua từ một nửa đến 1 cây vàng. Đây là khoản đầu tư lâu dài cho con.
Số vàng này cất két và không sử dụng cho bất kỳ công việc nào của gia đình. Qua 5 năm, chị đã có 3,5 cây vàng. “Một số người tư vấn mình nên mua bảo hiểm nhân thọ nhưng mình không thấy ổn lắm, nên mua vàng cất két cho nhanh”, chị nói.
Theo chị Mai, giá vàng liên tục tăng theo các năm, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tăng. Nếu mua từ năm trước, sang năm đã có lời. Chưa kể, đầu năm 2022, giá vàng đã tăng đột biến từ mức 56 triệu đồng/lượng lên tận 74 triệu đồng/lượng. Chị hy vọng, khi con học xong cấp 3, vợ chồng chị có tài chính ổn định.
Nếu so sánh với các kênh đầu tư khác, vàng vẫn được nhiều người ưa chuộng để tích luỹ. Giá trị ổn định và tích trữ được dài hạn tuy mức giá của nó có thể dao động trong ngắn hạn. Ngoài ra, tính thanh khoản của vàng cao nên dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt ở mọi nơi.
Chính vì thế, tiết kiệm tiền cho con bằng cách mua vàng cũng là một kênh tích lũy mà cha mẹ có thể cân nhắc lựa chọn.
Tuy nhiên, cũng chỉ nên bỏ từ 30-50% số tiền vào kênh này. Theo đó, nên chọn vàng miếng hoặc vàng nhẫn cho mục đích tích lũy, tiết kiệm lâu dài.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nếu có tiền nhàn rỗi, mọi người nên chia ra để vừa mua vàng, vừa gửi tiết kiệm. Về vàng thì đầu tư dài hạn sẽ có lợi hơn. Còn tiết kiệm dù mức sinh lời không cao nhưng lại an toàn và có thể rút ra sử dụng bất kỳ lúc nào.