Như đã đưa tin, Phó Trưởng Công an phường Sông Bằng (TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) vừa bị tạm đình chỉ công tác sau khi xuất hiện đoạn clip người này đánh một phụ nữ tại tiệm cắt tóc. 

Theo Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng Vũ Hồng Quang, sau khi xác minh, đơn vị sẽ đưa ra hình thức xử lý theo quy định, đồng thời báo cáo lãnh đạo Bộ Công an về kết quả xác minh.

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, nếu kết quả xác minh chưa đến mức xử lý hình sự, cũng phải xem xét kỷ luật thích đáng với vị cán bộ công an phường này vì đã vi phạm kỷ luật công an nhân dân.

Với hành vi đánh người, bắt giữ người trái pháp luật mà được cơ quan chức năng kết luận, mức hình thức kỷ luật cao nhất có thể là tước danh hiệu Công an nhân dân và khai trừ ra khỏi đảng. 

Người đàn ông áo trắng là Phó Trưởng Công an phường Sông Bằng có hành vi đánh phụ nữ. Ảnh: Cắt từ clip

Theo phân tích của luật sư, nội dung clip cho thấy, người đàn ông áo trắng đã có hành vi côn đồ khi liên tiếp đánh người phụ nữ, bắt giữ người đàn ông ở tiệm tóc này trái pháp luật. 

Hành vi này có dấu hiệu vi của tội Cố ý gây thương tích và Bắt người trái pháp luật nên cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ sự việc để xử lý theo quy định của pháp luật.

Có thể bị xử lý hình sự

Theo luật sư Đặng Văn Cường, nạn nhân có thể đi thăm khám, đề nghị giám định thương tích. Trường hợp có thương tích xảy ra, dù tỉ lệ thương tích chưa tới 11 % vẫn có thể xử lý hình sự đối với Phó trưởng công an phường ở Cao Bằng về tội Cố ý gây thương tích, theo Điều 134 BLHS khi nạn nhân có yêu cầu.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ hành vi bắt giữ người đàn ông trong clip xem có đúng luật hay không. 

Theo quy định của pháp luật, cơ quan chức năng chỉ được phép bắt người phạm tội quả tang, bắt người theo lệnh truy nã, bắt bị can để tạm giam, bắt bị cáo để thi hành hình phạt tù, giữ người trong trường hợp khẩn cấp. 

Tất cả các hoạt động tố tụng này phải theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và phải được VKS cùng cấp phê chuẩn. 

Việc bắt giữ người phải được thực hiện theo quy trình, quy định của pháp luật. Khi bắt người phải có lệnh bắt người, công bố lệnh và có sự giám sát của VKS cùng cấp. 

Người bị bắt có quyền được biết mình bị bắt vì lý do gì và được quyền khiếu nại đối với quyết định bắt người.

Ngoài các trường hợp pháp luật quy định, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như tất cả các tổ chức, cá nhân không được phép bắt giữ người. Những trường hợp bắt giữ người ngoài trường hợp luật pháp quy định là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Luật sư Đặng Văn Cường cho hay, tội Bắt người trái pháp luật cấu thành tội phạm kể từ khi người thực hiện hành vi phạm tội đe dọa uy hiếp tinh thần, sử dụng vũ lực để ép buộc nạn nhân ra khỏi nơi cư trú, nơi làm việc của họ, hoặc có những hành vi khác xâm phạm thân thể công dân, tước bỏ quyền tự do về thân thể của công dân trái pháp luật. 

Tội danh này không bắt buộc người phạm tội phải bắt được, giữ được nạn nhân. Hành vi bắt, giữ người trái pháp luật cũng không đòi hỏi là phải đưa nạn nhân rời khỏi nơi cư trú, nơi làm việc hoặc bắt giữ trong thời gian bao lâu. 

Tội bắt giữ người trái pháp luật có mức hình phạt cao nhất đến 12 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm.

“Đối với cán bộ, công chức, đặc biệt là công an nhân dân, hành vi ứng xử với nhân dân phải đúng chuẩn mực, có văn hóa, thể hiện thái độ tôn trọng nhân dân, phục vụ nhân dân. 

Những hành vi lạm quyền, lộng quyền, coi thường pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân cần phải xem xét xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”, Tiến sĩ Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

T.Nhung