Lời tòa soạn: VietNamNet giới thiệu bài 4 Công trình nghìn tỷ nhếch nhác, dịch vụ manh mún: Thí điểm cách nào để gỡ vướng?, trong loạt bài 'Cơ chế nào để các công trình nghìn tỷ phát huy giá trị đầu tư, duy trì hoạt động hiệu quả phục vụ cho các sự kiện lớn của đất nước?'

Trao đổi với PV VietNamNet, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) cho biết, không chỉ một mình ông, mà tất cả người dân Việt Nam đều rất đau xót khi chứng kiến hình ảnh thảm hại của sân Mỹ Đình.

Giải quyết rốt ráo không chỉ chuyện sân Mỹ Đình

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng, thời gian vừa qua chúng ta đã quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá (nhà văn hoá, thư viện, rạp chiếu phim, bảo tàng, sân vận động…). 

Tuy nhiên, bối cảnh xã hội đã thay đổi khiến mô hình, phương thức vận hành của các thiết chế văn hoá không còn phù hợp. 

Các thiết chế văn hoá của doanh nghiệp tư nhân năng động hơn nhiều của nhà nước. Tuy nhiên, cũng có sự bó buộc của các cơ chế quản lý khiến các thiết chế văn hoá nhà nước hoạt động không hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn. Ảnh: CTV

Ông cảm thấy như thế nào khi Sân vận động quốc gia Mỹ Đình xuống cấp, nhếch nhác, bị dư luận nhắc đến nhiều thời gian vừa qua?

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Sân Mỹ Đình là công trình thể thao mang tính biểu tượng của quốc gia. Khi có trận bóng lớn diễn ra ở đây là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, từ đó hình thành sức mạnh mềm của dân tộc.

Thế nhưng chúng ta lại phải chứng kiến sự thật hoàn toàn ngược lại, đó là bộ mặt nhếch nhác của sân Mỹ Đình. Đó là hình ảnh xấu xí, thậm chí là phản cảm đối với những nỗ lực trong việc xây dựng hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam.

Điều đó cũng hoàn toàn không phù hợp với những nỗ lực thúc đẩy nền thể thao của Việt Nam vươn tầm đẳng cấp quốc tế.

Thực tế, không riêng sân vận động Mỹ Đình mà nhiều thiết chế văn hóa khác cũng đang trong tình cảnh tương tự. Do vậy, chúng ta phải giải quyết rốt ráo chuyện này đối với tất cả các thiết chế văn hóa, chứ không chỉ là câu chuyện riêng của sân vận động Mỹ Đình.

Mặt cỏ sân Mỹ Đình trong những ngày diễn ra AFF Cup 2022. Ảnh: Mạnh Nam

Để xảy ra tình trạng trên ở sân vận động Mỹ Đình cũng như các công trình văn hoá, thể thao khác là do cơ chế hoạt động không hiệu quả hay là do nguyên nhân nào khác, thưa ông?

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Một thời gian dài trước đây, các nhà văn hóa, sân vận động, bảo tàng… hoạt động rất sôi nổi. Điều đó không chỉ tạo thêm nguồn thu cho các cơ sở thể thao, văn hóa mà còn tạo giá trị lan tỏa đối với các hoạt động.

Tuy nhiên, trong quá trình đó có hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, cũng có hiện tượng làm sai. Vì thế, chúng ta đã ban hành các chính sách siết lại hoạt động của các thiết chế văn hóa. Ở đây cũng cần phải nói rõ là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật là để các thiết chế văn hóa đi vào nề nếp, chứ không có chuyện cứ cái gì không quản được là cấm.

Thực tế, cũng có những cơ chế chính sách làm khó các địa phương trong quá trình đầu tư, xây dựng, quản lý các thiết chế văn hóa. Ví dụ những vướng mắc trong Luật Quản lý tài sản công hay những vấn đề hợp tác công tư. Hà Nội và TPHCM không chỉ có nguồn lực, mà họ cũng rất quan tâm đến văn hóa. Nhưng hai thành phố này cũng gặp không ít khó khăn để các công trình văn hóa, thể thao phát huy hết giá trị vì vướng rất nhiều cơ chế.

Tránh “lồng ghép” dịch vụ manh mún

Để “sống được”, một số cơ sở văn hóa như Sân vận động Mỹ Đình, Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô… phải “lồng ghép” các dịch vụ tại đây. Theo ông, các hoạt động này có thực sự phù hợp? 

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Cái chúng ta cần là các công trình văn hóa đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Do vậy, nếu chúng ta chỉ trông chờ vào các dịch vụ nhỏ lẻ thì các không giúp cho văn hóa phát triển bền vững được. Nay một sự kiện, mai lại tổ chức một hoạt động khác không quy củ, không tạo điều kiện cho sự phát triển.

Chúng ta cũng biết rằng các thiết chế văn hóa cần phải phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, các hoạt động này phải tương xứng và phù hợp với các công trình đó mới tạo nên sự hấp dẫn, phong phú.

Ví dụ thời gian qua, ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức buổi hòa nhạc ngoài trời rất hấp dẫn. Nếu xét theo quy định, có thể hoạt động này chưa phù hợp với công năng của bảo tàng. Tuy nhiên, đây là cách làm phù hợp để thu hút thêm khách đến với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Du khách đến đây không chỉ nghe nhạc mà họ còn được học hỏi, tiếp thu thêm nghệ thuật hội họa.

Sảnh tầng 2 Cung văn hoá lao động hữu nghị Việt Xô nơi được tận dụng để tổ chức đám cưới. Ảnh: Quang Phong

Trong buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng công tác quản lý công viên, bảo tàng hay sân vận động đều có thể triển khai hợp tác công tư. Theo ông, chính sách này quan trọng như thế nào trong việc phát triển các công trình văn hóa?

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng hết sức quan trọng đối với hoạt động của các thiết chế văn hóa hiện nay. Cụ thể, lâu nay, hợp tác công tư không có trong lĩnh vực văn hóa.

Muốn hợp tác công tư ở các thiết chế văn hóa thì phải có đề án. Đề án này gặp phải vướng mắc trong định giá đất và định giá thương hiệu.

Trong khi đó, định giá đất rất khó khăn, còn định giá thương hiệu thì mơ hồ nên rất khó cho việc xây dựng đề án.

Với những khó khăn như vậy, không đơn vị quản lý nào dám làm theo cách đột phá ở các thiết chế văn hóa nhà nước. Họ chỉ làm theo kiểu thử nghiệm, tức là đi từng bước một, bằng cách tổ chức những sự kiện nhỏ hoặc liên kết ở dạng manh mún để tránh bị xử lý vì sai phạm.

Theo tôi, cần phải tránh việc làm manh mún đó, vì nó không khai thác được hết hiệu quả của các thiết chế văn hóa. Không những thế, nó còn làm ảnh hưởng đến công trình và các hoạt động văn hóa.

Vậy theo ông, chúng ta cần những cơ chế nào để các công trình văn hóa nghìn tỷ phát huy giá trị đầu tư, duy trì hoạt động hiệu quả phục vụ cho các sự kiện lớn của đất nước?

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Đầu tiên, chúng ta phải sửa đổi hệ thống luật pháp, từ đó tạo ra cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện cho các công trình văn hóa phát huy hết giá trị. Trong đó, có những luật trực tiếp liên quan đến văn hóa như Luật Di sản văn hóa hay Luật Điện ảnh… cần phải sửa đổi.

Bên cạnh đó, khi sửa đổi các luật khác, chúng ta cũng cần quan tâm đến yếu tố văn hóa trong đó. Ví dụ, khi sửa đổi Luật Đất đai, chúng ta cần có cơ chế ưu đãi trong việc sử dụng đất đối với công trình văn hóa thì mới thu hút được nhà đầu tư.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải dành nguồn lực để đầu tư nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa. Chúng ta đang rất cần những người biết làm việc, điều hành, tổ chức các hoạt động văn hóa, từ đó mới khơi dậy, làm bừng sáng các công trình văn hóa, xây dựng được thương hiệu cho các thiết chế văn hóa.

Khi chờ sửa luật và các quy định liên quan đến đầu tư, ông có đề xuất giải pháp gì để các sân vận động, bảo tàng, cung văn hóa... có kinh phí để duy tu, chống xuống cấp?

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Theo tôi, trước khi sửa luật, chúng ta nên thí điểm cho một số thiết chế văn hóa thực hiện hợp tác công tư. Điều này đã được Chủ tịch Quốc hội nêu ra tại Hội thảo Văn hóa năm 2022 của Quốc hội về thể chế chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Việc thực hiện thí điểm hợp tác công tư đối với các thiết chế văn hóa ở TPHCM, sau đó có thể nhân rộng ra các địa phương khác.

Các thiết chế văn hóa lớn như Sân vận động Mỹ Đình, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng nên áp dụng cơ chế này để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Xin cảm ơn ông!