Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
Thay vì nói những lệnh đơn giản với trợ lý ảo của Amazon như "phát nhạc" hay "hẹn giờ 11 phút cho món mì", bệnh viện Houston Methodist đang bắt đầu ứng dụng công nghệ tương tự với lệnh: "bắt đầu phẫu thuật".
Trong năm qua, có một thỏa thuận giữa mạng lưới 8 bệnh viện và công ty con cung cấp nền tảng điện toán đám mây - Amazon Web Services (AWS) đã thúc đẩy việc sử dụng trợ lý ảo tích hợp trong các phòng phẫu thuật thử nghiệm.
Phần lớn công nghệ vẫn là trợ lý ảo Alexa. Các lệnh bắt đầu được đưa ra với những bước sống còn trong một ca mổ, cho phép bác sĩ phẫu thuật xác nhận bằng giọng nói khi đã thực hiện một số hành động như gây mê.
Tiến sĩ Nicholas Desai, bác sĩ phẫu thuật bàn chân và mắt cá chân kiêm giám đốc thông tin y tế tại Houston Methodist cho biết: "Alexa nghe giọng của tôi để thực hiện những lệnh đó, vì vậy không có bước nào bị bỏ lỡ. Sau khi hoàn thành, trợ lý ảo sẽ ghi lại thông tin vào hồ sơ y tế điện tử, vì vậy nếu có vấn đề hoặc có phần chưa được hoàn thành, hệ thống sẽ có thông báo".
Trong các phòng khám, công nghệ của Amazon cũng đang được sử dụng với sự đồng ý của bệnh nhân. Những nội dung trợ lý ảo nghe thấy sẽ được nhập vào hồ sơ sức khỏe bệnh nhân để phân tích và đưa ra lựa chọn điều trị sáng suốt.
Amazon – Gã khổng lồ thức tỉnh
Hệ thống này chỉ là một phần trong kế hoạch của Amazon để trở nên phổ biến hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và sản xuất các công cụ, nền tảng củng cố ngành công nghiệp đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
Amazon đang trong quá trình công bố một loạt dịch vụ chăm sóc sức khỏe hướng đến người tiêu dùng, ví dụ như hiệu thuốc trực tuyến và telehealth. Công ty này cũng đang phát triển đều đặn các khả năng của AWS, một nỗ lực tạo ra hệ điều hành từ quản lý hồ sơ chăm sóc sức khỏe đến áp dung AI chẩn đoán bệnh tật.
Lâu nay, Amazon được coi là gã khổng lồ đang ngủ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Nay ông lớn công nghệ cuối cùng cũng đã thức tỉnh. Đối tượng mục tiêu của công ty rất đặc biệt. Amazon bán thông tin chăm sóc sức khỏe trực tiếp cho người tiêu dùng, những người chủ chán nản vì chi phí y tế cho nhân viên và cho các bệnh viện cùng các mạng lưới y tế chịu trách nhiệm quản lý dịch vụ chăm sóc.
Tuy nhiên, Amazon đang phải cạnh tranh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe với rất nhiều gã khổng lồ công nghệ khác như Google, Microsoft, Walmart với các dịch vụ đám mây và AI riêng. Gã khổng lồ bán lẻ Walmart gần đây đã mở một số phòng khám trên toàn quốc cung cấp dịch vụ chăm sóc khẩn cấp, phòng thí nghiệm, chụp X-quang và chẩn đoán, tư vấn, nha khoa, thị giác và thính giác.
Trận chiến Big Tech
Tại Mỹ, chi phí y tế đã tăng cao ngoài tầm kiểm soát. Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid của Mỹ (CMS) dự kiến chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe vào năm 2021 đạt 4,2 nghìn tỷ USD, khoảng 18% tổng sản phẩm quốc nội, và 5 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
Phần lớn chi phí do người chủ sử dụng lao động gánh chịu. Theo một cuộc khảo sát do Kaiser Family Foundation thực hiện, 87% các giám đốc điều hành cho biết việc chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe của nhân viên sẽ trở nên không bền vững trong vòng 5-10 năm tới.
Song, những xu hướng mới đang xuất hiện. Các thiết bị theo dõi sức khỏe ngày càng trở nên thông minh hơn và được sử dụng rộng rãi hơn. Khả năng kết nối được cải thiện và rẻ hơn đã khiến dịch vụ chăm sóc từ xa không chỉ có thể thực hiện được mà còn là một sở thích đối với nhiều người.
Trí tuệ nhân tạo, được hỗ trợ bởi việc thu thập dữ liệu lớn, đã mở ra những con đường lớn hơn để tạo ra các phương pháp điều trị hoặc kế hoạch chăm sóc mới.
Các công ty công nghệ lớn cho rằng họ đang đứng giữa ngã ba đường. Ngoài các lĩnh vực kinh doanh mà họ đang xây dựng trong nội bộ, các khoản đầu tư chăm sóc sức khỏe tập thể của Facebook, Amazon, Microsoft, Google và Apple đã tăng vọt vào năm 2020, lên 3,7 tỷ USD. Theo CB Insights, từ giữa năm nay, thêm 3,1 tỷ USD đã được đưa vào lĩnh vực này.
Amazon khác biệt ở điểm nào?
Động thái của Amazon là tung ra những dịch vụ gần như tương đương với dịch vụ chăm sóc sức khỏe của riêng mình. Amazon tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có, các kho hàng và trình điều khiển giao thông để làm với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tương tự như với mua sắm trực tuyến.
Tiến sĩ Desai của Houston Methodist vạch ra tầm nhìn về cách các dịch vụ công nghệ cao có thể hoạt động: "Chúng tôi có Amazon Prime để giao thuốc cho bạn ngay lập tức. Tôi có các hoạt động điều khiển bằng giọng nói với Alexa để đặt lịch hẹn. Tôi có thể giúp bạn gặp bác sĩ trực quan bằng giọng nói và kỹ thuật số".
Dịch vụ chăm sóc sức khỏe do Amazon cung cấp đang dần được mở rộng. Có rất nhiều chủ lao động muốn giảm chi phí y tế cho nhân viên. Theo chuyên gia phân tích về chăm sóc sức khỏe tại CB Insights Jeff Becker, nếu Amazon có thể làm được điều đó, họ sẽ nắm trong tay một ngành kinh doanh béo bở. Chính số lượng 1 triệu nhân viên công ty chỉ tính riêng ở Mỹ đã mang lại cơ hội phong phú để Amazon triển khai các sáng kiến của mình.
Vào tháng 3, họ thông báo sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ xa Amazon Care sẽ được cung cấp cho các công ty trên khắp nước Mỹ. Dịch vụ cung cấp các cuộc trò chuyện video 24 giờ một ngày với bác sĩ hoặc y tá, cũng như thăm khám trực tiếp ở một số khu vực. Dịch vụ đã có sẵn cho nhân viên của Amazon gần trụ sở chính ở Seattle như một phần của chương trình thử nghiệm từ năm 2019.
Theo báo cáo của Business Insider vào tháng 7, Amazon cho biết "nhiều công ty" đã đăng ký sử dụng Amazon Care và công ty được cho là đang đàm phán với các công ty bảo hiểm lớn.
Tầm nhìn tương lai
Jeff Bezos từng nói rằng AWS là mảng may mắn nhất trong lịch sử kinh doanh khi không đụng độ với bất kỳ đối thủ nào trong suốt 7 năm. Tuy nhiên, sự cạnh tranh đang gia tăng từng ngày.
Các đối thủ của Amazon trong Big Tech đã nhanh chóng thành công hơn khi cung cấp công cụ đám mây dành riêng cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Cả Microsoft và Google hiện đều có nhiều khách hàng chăm sóc sức khỏe được tiết lộ công khai hơn Amazon.
Với nỗ lực bù đắp và cạnh tranh với các công ty khác, Amazon đã ra mắt AWS for Health, một lựa chọn các dịch vụ phù hợp với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Nó bao gồm công cụ học máy để nhập và chuẩn hóa dữ liệu sức khỏe.
Chương trình tăng tốc phần nào thể hiện vai trò dự kiến của Amazon trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, Amazon sẽ phải đối đầu với các công ty bảo hiểm như Cigna, cũng như các nhà bán lẻ khác như Walmart.
Đối với các dịch vụ hàng đầu của mình, chiến lược của Amazon phụ thuộc vào việc thuyết phục người tiêu dùng, những người lớn tuổi hơn so với khách hàng ở mảng thương mại điện tử, để chọn các dịch vụ trực tuyến hơn là những địa điểm thực tế mà họ đã tin tưởng.
(Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị, Financial Times)
Những con số biết nói về Amazon sau 27 năm dưới bàn tay Jeff Bezos
Từ doanh thu hơn nửa triệu USD, sau 27 năm, Jeff Bezos đã biến Amazon thành đế chế thương mại điện tử với doanh thu 386 tỷ USD.