Để xử lý tình trạng app vay tiền lộng hành khắp nơi trên không gian mạng và “ăn sâu” trong đời sống người dân, Ban giám đốc Công an TP.HCM đã xác lập chuyên án, giao cho Phòng Cảnh sát hình sự làm chủ công, phối hợp cùng các cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an TP.Cần Thơ.
Theo đó, các app vay tiền này quảng cáo khắp không gian mạng với hình thức vay tín chấp, không làm hồ sơ vay, giải ngân nhanh gọn, không cần chứng minh thu nhập…. Người vay chỉ cần thao tác trên điện thoại tải app về, làm theo hướng dẫn mà không biết rằng đã cho phép ứng dụng cho vay đó truy cập vào danh bạ điện thoại, hình ảnh cá nhân, thu thập thông tin cá nhân. ..
Các app tín dụng đen này đa phần chỉ cho vay ngắn hạn, 7 – 10 ngày, với lãi suất cao mà biến tướng là thu phí dịch vụ.
Khi người vay trả nợ không đúng hạn, nhân viên sẽ gọi điện, nhắn tin nhắc nợ. Khi khách hàng không trả hoặc cắt liên lạc thì nhân viên sẽ dựa vào danh sách danh bạ để gọi điện thoại cho người thân, bạn bè để yêu cầu người thân nhắc dùm, sau đó thì chúng chửi bới thô tục, đe doạ, lấy hình ảnh cá nhân cắt ghép hình đồi trụy, khỏa thân để gửi cho người thân, gia đình.. để gây áp lực buộc phải trả tiền thay cho khách vay.
Ngoài ra, các nhóm đối tượng sẽ trực tiếp thuê người đến tạt sơn, tạt chất bẩn gây hủy hoại tài sản của người vay và người thân, gây mất an ninh trật tự.
Qua các biện pháp nghiệp vụ, các lực lượng phối hợp đã thu thập tài liệu, xác định hơn 32 app cho vay tiền online hoạt động với phương thức, thủ đoạn đòi nợ.
Theo điều tra, chủ các app vay tiền thông thường là người nước ngoài, thuê người Việt Nam làm giám đốc điều hành. Chúng tổ chức cơ cấu quy mô, nhiều bộ phận như: thẩm định vay, quản lý hệ thống, nhắc nợ và thu hồi nợ, quản lý nhân viên đòi nợ, bộ phận phụ trách bán nợ.
Bắt giữ các trùm app cho vay ở Việt Nam
Ban chuyên án đã làm rõ về hệ thống app vay tiền hoạt động khắp Việt Nam do Nguyễn Mạnh Hải (30 tuổi, quê Khánh Hoà) làm giám đốc. Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố Hải cùng 10 người khác của các app vay tiền khác về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “Cưỡng đoạt tài sản”.
Các đối tượng này quản lý khoảng 21 app cho vay hoạt động trên không gian mạng. Theo điều tra, các app này có chủ là người Trung Quốc, giám đốc thuê người Việt Nam. Trong số đó, Hải chỉ là giám đốc Công ty Tiếng nói hay.
Tại công ty Tiếng nói hay có Vũ Ngọc Minh Khánh (28 tuổi, ngụ quận 7) làm trưởng nhóm thực hiện nhiệm vụ thu hồi nợ khách hàng chậm trả. Chúng liên tục nhắn tin, gọi điện uy hiếp tinh thần người vay lẫn người thân, bạn bè của họ nhằm mục đích đòi nợ.
Mỗi ngày, các nhân viên nhận khoảng 10 hồ sơ khách hàng để thực hiện việc thu hồi nợ và được hưởng lợi 50 ngàn đồng/3 hồ sơ đầu tiên và 50 ngàn đồng cho mỗi hồ sơ tất toán tiếp theo. Đòi nợ sẽ tính chỉ tiêu (gọi là KPI) và sẽ được công ty thưởng từ 3 – 3,5 triệu đồng khi đạt KPI.
Hải đã cung cấp điện thoại, sim số và cả mẫu tin nhắn để các nhân viên sử dụng gửi đến nhằm đe doạ khách hàng lẫn người thân.
Hay như trường hợp Đàm Chí Hào – Châu Khả Nghi (cùng 26 tuổi, ngụ quận Bình Tân) và Trần Thị Mai (27 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) làm nhân viên thu hồi nợ tại công ty Golden. Nhóm của Mai quản lý hơn 20 app cho vay.
Vối mỗi app cho vay, Mai sẽ tạo 1 nhóm zalo để quản lý đội ngũ nhân viên thu hồi nợ, chia các nhân viên thêm nhóm gồm: S0 là nhân viên mới, S1 là nhân viên đòi nợ chậm trả từ 1 - 7 ngày, S2 là nhân viên đòi nợ chậm trả từ 8 - 30 ngày…. Chúng giở thủ đoạn đe doạ, khủng bố tinh thần hàng ngày đối với người vay, người thân và bạn bè của họ để đòi tiền.
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cũng khởi tố đối với nhiều người là nhân viên thu hồi nợ của hàng loạt app đòi nợ khác như: Ảo thuật gia, Sun Shine Loan, Chìa khóa, Tự Do, Độc Lập, Na No, Gola…. Trong số này có trường hợp tìm việc làm qua mạng, được nhận làm nhân viên thu hồi nợ của app, hàng ngày nhận danh sách khách hàng để nhắn tin, gọi điện chửi bới, đe doạ nhằm mục đích đòi nợ.
Hiện Công an TP.HCM đang mở rộng điều tra về các ổ nhóm, đường dây cho vay tiền qua app và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Dịp này, Công an TP.HCM đưa ra khuyến cáo, người dân nâng cao cảnh giác, khi cần nguồn vốn làm ăn, kinh doanh, tiêu xài nên liên hệ các tổ chức tài chính được Nhà nước cấp phép hoạt động, các ngân hàng để hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi với lãi suất phù hợp theo quy định.
Người dân không nên vay tiền qua các ứng dụng di động (tức app) trên không gian mạng hoạt động trái phép sẽ có nguy cơ bị lộ lọt thông tin, danh bạ điện thoại, hình ảnh cá nhân và để các đối tượng quấy rối cố ý hư hỏng tài sản (tạt sơn, chất bẩn) gây ảnh hưởng đến bản thân và gia đình. Ngoài ra, các đối tượng có thể sẽ bán thông tin cá nhân cho các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo hoặc thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật.