Nợ công bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Theo đó, tính đến 30/6/2021, nợ công của Việt Nam là hơn 3,5 triệu tỷ đồng.

Trong đó, nợ của Chính phủ là hơn 3,1 triệu tỷ đồng (vay nước ngoài là 1,1 triệu tỷ đồng, vay trong nước là 2 triệu tỷ đồng). So với năm 2017, nợ của Chính phủ tăng thêm hơn 533 nghìn tỷ đồng.

Nợ được Chính phủ bảo lãnh là hơn 338 nghìn tỷ đồng, thấp hơn so với thời điểm năm 2017 (năm 2017 là 455 nghìn tỷ đồng) do Chính phủ  những năm gần đây siết việc cấp bảo lãnh.

Nợ của Chính quyền địa phương là hơn 46 nghìn tỷ đồng.

Tính từ năm 2019 đến 30/6/2021, các chủ nợ đã cho Việt Nam vay hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Trong đó chủ nợ song phương lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản (hơn 333 nghìn tỷ), Hàn Quốc (hơn 33 nghìn tỷ), Pháp (trên 32 nghìn tỷ), Đức (trên 14 nghìn tỷ).

Tính theo đối tác đa phương, Ngân hàng Thế giới đứng đầu danh sách các tổ chức cho Việt Nam vay nhiều nhất với hơn 382 nghìn tỷ, đứng thứ hai là Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với hơn 193 nghìn tỷ.

Các chủ nợ tư nhân cho Việt Nam vay là hơn 26 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh so với con số hơn 1,8 nghìn tỷ đồng của năm 2019.

Trước đó, theo tờ trình của Bộ Tài chính với mức tăng bội chi NSNN tối đa 240 nghìn tỷ đồng trong hai năm 2022 và 2023, nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ giai đoạn 2020-2024 tối đa khoảng hơn 2 triệu tỷ đồng.

Với phương án tăng bội chi ngân sách nhà nước tối đa 240 nghìn tỷ đồng trong hai năm 2022-2023 để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính dự kiến đến năm 2024 nợ công khoảng 46-47% GDP, nợ Chính phủ khoảng 44-45% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN khoảng 24-25%.

Đáng chú ý, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước giai đoạn này có thể có năm vượt 25% theo Nghị quyết số 23 của Quốc hội, nhưng Bộ Tài chính cho biết sẽ phấn đấu để bình quân cả giai đoạn 2021-2025 vẫn trong giới hạn 25%.

Lương Bằng

Ba năm khó khăn, Việt Nam lo trả hơn 1 triệu tỷ nợ công

Bộ Tài chính vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2022-2024 và kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022.