Tái hiện sống động nền sản xuất lúa gạo Việt

Triển lãm "Con đường lúa gạo Việt Nam" hôm 11/12 tại Hậu Giang đã tái hiện sống động nền lúa gạo Việt Nam qua các giai đoạn phát triển từ sơ khai đến giai đoạn hiện đại và khi lúa gạo Việt Nam phát triển không ngừng, định vị thương hiệu số 1 thế giới.

W-anhminhhoa-1.png
Ảnh minh hoạ

Điểm nhấn đặc biệt của "Con đường lúa gạo Vệt Nam" chính là bức tranh bản đồ Việt Nam được ghép bằng giống lúa của 63 tỉnh, thành trên cả nước. “Con đường lúa gạo Việt Nam” có chiều dài 1,3km, chiều rộng 30m được tổ chức từ 11/12/2023 đến 03/01/2024 tại đường Trần Hưng Đạo, dọc Bờ kè kinh xáng Xà No. Triển lãm được sắp đặt từ hơn 20 nghìn chậu lúa phối cảnh từ khi lúa mới gieo mầm xanh, đến mùa vàng bội thu gắn với cảnh trí thể hiện đời sống của bà con nông dân và quá trình phát triển nghề trồng lúa Việt Nam từ giai đoạn sơ khai đến quá trình hưng thịnh, phát triển không ngừng.

Triển lãm còn tái hiện quá trình “trên bến dưới thuyền” một thời của người dân Nam bộ. Cuối con đường là bản đồ Việt Nam có kích thước 7mx12m, được tạo nên các giống lúa đặc sản của các tỉnh, thành trên cả nước. Đây là tác phẩm nghệ thuật độc đáo với mô hình những bộ giống lúa phổ biến, đặc sản, đặc trưng của 63 tỉnh, thành. Bức tranh nhằm tôn vinh những giống lúa quý đã làm nên nền văn minh lúa nước ngàn năm văn hiến của Việt Nam.

Phát biểu tại lễ Khai mạc, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, 10 tháng đầu năm 2023, cả nước xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 4,7 tỷ đô la, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục tăng và tiến gần tới nhóm cao nhất thế giới; gạo Việt Nam vinh dự liên tiếp được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới, vị thế ngành lúa gạo Việt Nam đang ngày được nâng cao. 

Tại diễn đàn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Minh Hoan đã nhấn mạnh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ số một là bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thứ hai mới là đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như là một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, cách đây 10 năm, quy mô đất lúa nước ta khoảng trên 4 triệu ha và hiện tại theo số liệu thống kê đất lúa còn 3,93 triệu ha. Theo Nghị quyết Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ là sử dụng linh hoạt 5 triệu ha đất lúa. Bộ trưởng làm rõ, linh hoạt ở đây có nghĩa là để đảm bảo an ninh lương thực và để sự phát triển kinh tế - xã hội thì cũng phải dành một quỹ đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa. Quy hoạch đất lúa nằm trong quy hoạch đất đai do vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Tại các các địa phương cũng đã đều ổn định những diện tích đất lúa và đã có trong quy hoạch của tỉnh, xác định rõ phân khu vực dành cho đất nông nghiệp.

Cùng với đó, Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cố gắng giữ gìn quỹ đất lúa, cân nhắc khi chuyển đổi đất trồng lúa bởi còn nhiều hệ lụy ảnh hưởng phía sau như về sản lượng lúa, người nông dân sống dựa trên đất lúa, chuỗi ngành hàng, doanh nghiệp chế biến…  Đặc biệt, Bộ cũng sẽ kiên trì cùng với các địa phương để phân tích những tình huống khi nào chuyển đổi, khi nào không chuyển đổi với nguyên tắc cân nhắc và cẩn trọng giữa phát triển và giữ gìn.

Kim Duyên và nhóm PV, BTV