Kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã đi qua. Người Việt lại trở về với bồn bề công việc, học hành. Tuy nhiên, những dư âm của ngày Tết hẳn vẫn còn trong mỗi người. 

Hãy chia sẻ với chúng tôi về cái Tết vừa qua của bạn. Bài viết xin gửi về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn hoặc bình luận phía cuối bài. Trân trọng!

Sáng mùng 1 Tết, tôi hẹn đồng hồ lúc 5h sáng để dậy chuẩn bị cỗ bàn cho mẹ chồng. Vì là năm đầu tiên làm dâu nên tôi chưa biết phải làm sao cho phải đạo, và đúng ý mẹ chồng. Tôi chỉ dò hỏi ý của mẹ qua chồng và biết sáng mùng 1 nào nào mẹ cũng dậy rất sớm để chuẩn bị 3 mâm cỗ cúng rồi đón họ hàng đến ăn và chúc Tết vì bố chồng tôi là trưởng họ.

Nhưng không hiểu thế nào, đúng sáng hôm đó, tôi ngủ đến tận 7h30. Giật mình nhìn đồng hồ, tôi hốt hoảng lao xuống nhà, không kịp đánh răng rửa mặt, rối rít trình bày lý do. Tôi thật không biết để đâu cho hết ngượng. Nhất là khi thấy cỗ bàn đã tinh tươm, một mình mẹ tôi chuẩn bị gần như đã đầy đủ 3 mâm cỗ Tết. 

Tưởng mẹ chồng sẽ tỏ thái độ nhưng không… Thấy con dâu bối rối, khuôn mặt đỏ bừng, mẹ nhẹ nhàng bảo: “Không sao đâu con, ra chặt giúp mẹ 2 con gà làm 4 đĩa là được. Cỗ toàn giò chả với thịt gà, nem, mẹ chuẩn bị sẵn từ hôm trước rồi. Tối qua các con đi đón giao thừa về muộn, thức đến 3h sáng thì dậy sớm làm sao được”.

Đúng là trong lòng tôi cũng nghĩ như thế nhưng không dám nói ra. Mẹ nói được lời đó khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Nhưng vấn đề là phải chặt gà làm sao? Từ bé tới giờ, tôi chưa từng chặt gà, và phải chia đĩa làm sao cho đều, cho đẹp? Đứng khựng lại một lúc, tôi nghĩ đến chuyện lấy điện thoại ra xem clip chặt gà rồi làm theo.

Tôi mang thớt, dao xuống dưới bếp, đeo sẵn găng tay rồi bật video lên. Sau nửa tiếng, 4 đĩa gà xếp gọn gàng được bê lên. Mẹ chồng tôi nhìn cười tâm đắc: “Cũng được đấy chứ nhỉ, biết chặt gà ra phết”. Tôi thở phào nghĩ: “May quá, mình thật nhanh trí”. 

Bữa cơm trưa mùng 1 Tết toàn những người xa lạ với tôi nhưng nhanh chóng thành thân quen vì tiếng nói cười rôm rả. Tôi lì xì các cụ ông, cụ bà, cháu chắt nhà chồng, không quên kể những câu chuyện vui ngày đầu năm. 

Sau bữa cơm, thấy tôi hì hụi rửa 3 mâm bát trong nhà, mẹ chồng giục con trai vào giúp một tay cho nhanh. Tôi rất bất ngờ vì mẹ chồng còn hiện đại hơn cả mẹ đẻ của tôi. Nhà tôi cũng có chị dâu nhưng mẹ chưa từng cho con trai rửa bát giúp vợ. Nước mắt bỗng rơm rớm ở khóe mắt tôi. 

Quê chồng tôi có tục đi chúc Tết họ hàng, làng xóm. Đến nhà ai, tôi cũng được mẹ chồng giới thiệu rất nhiệt tình. 

Một “tai nạn” đã xảy ra ngày hôm đó khi tôi vô tình ngồi vào chiếc gương đứa cháu họ chơi rồi để ở giường nhà ông ngoại chồng. Lúc đó, mặt tôi đỏ tía tai, tay chân run cầm cập. Tôi chẳng biết cầu cứu ai, chỉ biết hướng ánh mắt về phía chồng.

Cả nhà không ai nói câu nào, chỉ có mẹ chồng đứng dậy cười bảo: “Không sao đâu con, nhà này không kiêng, không mê tín. Gương vỡ lại lành. Ai cũng kiêng gương vỡ thì người bán gương bán cho ai chứ? Con đeo găng tay vào, nhặt vào túi, gói gọn bỏ thùng rác là được”. 

Dù mẹ nói vậy nhưng tôi vẫn không hết run rẩy. Tôi hiểu mọi người đều không hài lòng nhưng chính sự bao dung của mẹ, lời nói của mẹ đã bảo vệ tôi, khiến tôi bình tĩnh hơn. Chồng tôi cũng cười xòa: “Mẹ nói đúng đấy em, để anh dọn cho”. 

Tối hôm đó về nhà tôi cứ suy nghĩ mãi vì lo lắng mình mang xui xẻo đến cho nhà người khác. Nhiều người kiêng làm vỡ gương mà vỡ đúng ngày mùng 1 Tết thì thực sự là chuyện "tày trời".

Thấy tôi lo lắng không muốn ăn cơm, mẹ chồng lên tận phòng động viên: “Con ơi, không phải nghĩ gì đâu nhé. Mẹ nói thật đó, ông bà ngoại không nghĩ gì đâu, còn ai nghĩ gì thì mặc con ạ. Năm ngoái mẹ đốt nhang ngày mùng 1, bát hương cháy bùng bùng, ai cũng lo. Thế rồi cả năm đó nhà mình làm ăn phát đạt, không ai bệnh tật ốm đau gì. Phước lộc là do mình, đâu thể vì mấy chuyện mê tín ấy mà làm ảnh hưởng được con. Nghĩ thoáng đi…”.

Tự nhiên trong lòng tôi thấy nhẹ nhõm hẳn. Tôi từng lo lắng đủ thứ vì năm đầu làm dâu nhà chồng. Nhưng tôi không ngờ lại gặp được người mẹ chồng tâm lý, tốt bụng như vậy. Tôi thực sự biết ơn mẹ. Sự bao dung của mẹ đã khiến tôi cảm thấy mình phải sống tích cực hơn, gạt bỏ mặc cảm mẹ chồng nàng dâu và nhất định phải yêu thương gia đình chồng như gia đình ruột thịt của mình. Cái Tết đầu ở nhà chồng thực sự ý nghĩa với tôi. 

Độc giả An Nhi