Côn Đảo có nhiều bãi biển tuyệt đẹp trong đó phải nói đến vịnh Côn Sơn gồm 14 hòn đảo nhỏ to khác nhau quây quần như một đại gia đình tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ thú.
Để tới Côn Đảo, du khách thường sử dụng đường hàng không với những chiếc máy bay cỡ nhỏ. Hai đường bay thông dụng nhất là từ TP.HCM hoặc Hà Nội. Còn nếu di chuyển bằng tàu cao tốc mọi người sẽ xuất phát từ cảng Cầu Đá (Vũng Tàu).
Thị trấn Côn Đảo nằm trên một thung lũng có hình dáng như nửa vầng trăng. Chiều dài của thung lũng khoảng 8 - 10km, chiều rộng 2 - 3km. 
Đây là điểm đến hấp dẫn nhiều du khách chọn lựa cho chuyến hành trình của mình vào mỗi dịp hè. 
Biển Côn Đảo luôn xanh ngắt, nhất là vào lúc trời nắng to. Với những người yêu thích sự yên bình, du lịch hòn đảo này là một sự lựa chọn hợp lý.
Giá phòng ở Côn Đảo có nhiều mức, dao động từ 200.000 đồng đến hơn 10 triệu đồng. Du khách cũng có thể cắm trại dã ngoại qua đêm ở những nơi được ban quản lý điểm tham quan cho phép.
Xét về vị trí địa lý thì Côn Đảo cách thành phố Vũng Tàu khoảng 180km theo đường biển. Địa điểm gần với Côn Đảo nhất là xã Vĩnh Hải (thuộc tỉnh Sóc Trăng), cách 74km. Hòn đảo này còn có cái tên khác là Côn Sơn, nhưng tên gọi này ít thông dụng hơn so với Côn Đảo.
Trong sử sách ghi lại, trước những năm của thế kỷ 20, người ta thường gọi Côn Sơn là đảo Côn Lôn. Tên gọi cũ trong các văn bản tiếng Anh và tiếng Pháp đương thời là Poulo Condor.
Địa hình chính ở Côn Đảo là đồi núi. Các dãy đá granit chạy từ phía tây nam đến đông bắc tạo nên ưu thế mạnh về địa lý, che chở gió bão cho người dân địa phương. Điểm cao nhất của quần đảo là núi Thánh Giá với chiều cao lên đến 577m so với mực nước biển.
Khí hậu Côn Đảo là sự dung hòa của á xích đạo và hải dương nóng ẩm hình thành nên hai mùa rõ rệt. Mùa khô bắt đầu từ tháng 12 và kéo dài đến tháng 4 năm sau, còn mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11.
Nhiệt độ trung bình tại Côn Đảo là 26 độ C. Tháng 5 là khoảng thời gian nắng nóng nhất, có khi lên đến 34 độ C. Lượng mưa bình quân trong năm đạt đến 2.200mm và ít nhất là vào tháng 1.
Hiện huyện Côn Đảo đang cho nhiều doanh nghiệp thuê mặt nước biển để canh tác, trong đó có các cơ sở nuôi hải sản với gần 100 lồng bè và một số đơn vị nuôi trai lấy ngọc. 
Những khu vực không có tác động của thuyền bè đánh cá, bãi biển trong xanh, sạch còn không gian mát mẻ, tĩnh mịch đến nao lòng.
Nghĩa trang Hàng Dương nhìn từ trên cao. Đây là điểm di tích lịch sử nổi tiếng tại Côn Đảo, là một trong 46 điểm đến tham quan du lịch trên địa bàn huyện. Tất cả du khách khi đặt chân đến Côn Đảo đều đến đây thắp nén hương cho đồng bào chiến sĩ trong đó có Anh hùng Võ Thị Sáu.
Ngọn Hải đăng tại Côn Đảo. Không chỉ ngắm cảnh, tới đây du khách có thể tham gia nhiều hoạt động giải trí sôi nổi như tản bộ ngắm mặt trời lặn, tắm nắng, thả mình theo dòng nước trong xanh, lặn xem san hô ở khu vực lân cận, leo núi… 
Bãi Đầm Trầu được nhiều người cho là bãi biển đẹp nhất ở Côn Đảo (cách thị trấn trung tâm 14km). 
Bãi này nằm gần sân bay Cỏ Ống, ở rìa ngoài Vườn quốc gia Côn Đảo, thu hút rất đông du khách mỗi ngày. Từ sân bay về trung tâm thị trấn khoảng 15km, bạn có thể đi xe máy, taxi hoặc xe chuyên chở của resort. Di chuyển bằng quãng đường này mất trung bình từ 20 - 30 phút.

Dự kiến, sân bay Côn Đảo sẽ đóng cửa để nâng cấp, mở rộng từ tháng 4 đến tháng 12/2023, Bộ Giao thông vận tải đã có phương án tăng cường khai thác trực thăng để phục vụ người dân đi ra đảo.

Theo kế hoạch, thời gian đóng cửa sân bay Côn Đảo là 9 tháng. Liên quan đến việc hỗ trợ địa phương giải pháp vận chuyển thay thế phù hợp, Bộ GTVT thông tin, hiện có 2 phương thức vận tải giúp kết nối từ đất liền tới huyện Côn Đảo là đường biển và đường hàng không.

Trong thời gian đóng cửa sân bay Côn Đảo, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách để bảo đảm an toàn trong hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi trong việc di chuyển tới đảo; đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND huyện Côn Đảo phối hợp, tăng cường tiếp nhận tàu khách ra đảo để đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao của người dân và khách du lịch.