Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại sự kiện này

Tối 17/4, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Hội Xuất bản Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần thứ 3 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 mang đến 4 thông điệp: “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay - Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”. 

W-ngay-sach-thach-thao-11-1.jpg
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo. 

Kết hợp hài hòa chính trị, kinh tế, văn hóa là chìa khóa dẫn ngành xuất bản đến thành công

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng dẫn hai lời răn dạy của tiền nhân: "Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung viết: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí suy thế nước kém và suy. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Tri thức là vốn liếng quý báu của dân tộc.

Ở các nước như thế, ở Việt Nam càng như thế; Người cũng khẳng định: Trí thức Việt Nam có đầu óc dân tộc và đầu óc cách mạng. Vì cũng có đầu óc dân tộc và vì học thức nên xem được sách, biết được dân chủ, biết được lịch sử cách mạng, dễ hấp thụ được tinh thần cách mạng".

botruong.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: TTTT

Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Lời dạy xưa còn đó. Muốn xã tắc bền vững, đất nước hùng cường phải chăm lo dân trí, phát triển đội ngũ trí thức. Trong công việc này, sách và việc đọc sách có vai trò quan trọng bởi còn sách thì còn tri thức. Sứ mệnh của xuất bản vẫn là sáng tạo, lưu trữ, tích luỹ và truyền bá tri thức. Tuy thế, muốn sách và xuất bản phát triển, tri thức trở thành sức mạnh dân tộc thì sách phải có nhiều người đọc, tri thức phải lan tỏa, nhân lên. Khuyến đọc là con đường để hiện thực hóa yêu cầu này".

W-ngay-sach-thach-thao-12-1.jpg
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đánh trống khai mạc Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam. Ảnh: Thạch Thảo.

Bộ trưởng cho rằng, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ yêu cầu khách quan của cách mạng nước ta là: “Phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI".

Tiếp thu chỉ đạo của Tổng bí thư, để ngành xuất bản phát triển mạnh mẽ thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các đơn vị trong toàn ngành cần đổi mới hơn nữa, sáng tạo hơn nữa trên tinh thần: Xuất bản trước hết là lĩnh vực văn hóa chính trị nhưng đồng thời cũng là một ngành kinh tế. Chính trị có sự trợ giúp của nhà nước; Văn hóa có sự trợ giúp của nhân dân; Kinh tế có sự trợ giúp của thị trường. Kết hợp hài hòa 3 yếu tố: chính trị, kinh tế, văn hóa là chìa khóa dẫn ngành xuất bản đến thành công.

"Chuyển đổi số đặt yêu cầu mới cho ngành xuất bản muốn phát triển phải hoạt động đồng thời ở cả 2 không gian: cũ và mới. Không gian cũ với sự trợ giúp của công nghệ sẽ được mở rộng, nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Không gian mới giúp cho xuất bản mở rộng thị trường, tạo ra các sản phẩm mới, tạo ra sự phát triển mới trong dài hạn. Muốn xuất bản phát triển, cần tăng cường truyền thông, quảng bá về sách và văn hóa đọc. Quảng bá không chỉ trong dịp 21/4 này mà sẽ trở thành công việc thường xuyên, liên tục trong năm, để văn hóa đọc lan tỏa, trở thành sức mạnh nội sinh, nét đẹp văn hóa Việt Nam", Bộ trưởng yêu cầu.

botruonghung.jpg
Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tham quan gian hàng của công ty Trường Phương tại khu vực Hồ Văn thuộc quần thể khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: TTTT

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xuất bản, in và phát hành sách

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các đơn vị cùng với Bộ TT&TT, Bộ VHTTDL, Hội Xuất bản Việt Nam quan tâm triển khai một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc đối với việc tiếp thu, bồi đắp tri thức, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Nâng cao tính tự giác trong việc đọc sách. Coi đọc sách là phương pháp tự học hiệu quả nhất, thiết thực nhất, giúp chúng ta nhận ra giá trị của những quy tắc ứng xử, những chuẩn mực đạo đức làm người, từ đó có cái nhìn, tâm thế tích cực hơn về cuộc sống.

W-Anh doc sach.jpg
Cần coi đọc sách là phương pháp tự học hiệu quả nhất, thiết thực nhất. Ảnh: Thạch Thảo

Thứ hai, chú trọng đầu tư, hỗ trợ thành lập các thiết chế, hoạt động khuyến đọc trong hệ thống nhà trường, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương, tạo lập thói quen đọc sách trong các tầng lớp nhân dân. Quan tâm phát hiện, cổ vũ những mô hình hay trong việc đọc, nghiên cứu và áp dụng tri thức từ sách vào cuộc sống. Đẩy mạnh công tác tổ chức các hoạt động có liên quan đến sách và văn hóa đọc tới hệ thống trường học, nhà văn hóa, điểm văn hóa, thôn bản, cộng đồng dân cư, các địa bàn cơ sở.

Thứ ba, tăng cường vận động sáng tác những tác phẩm, cuốn sách, công trình có giá trị cao về tư tưởng, khoa học, giáo dục, văn hóa. Khuyến khích xuất bản các sách hay, có giá trị, bảo đảm tính đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của độc giả. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào phát triển ngành xuất bản, quảng bá sách và văn hóa đọc.

4c432529b5231b7d4232.jpg
Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tham quan gian hàng của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông tại khu vực Hồ Văn thuộc quần thể khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Thạch Thảo. 

Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xuất bản, in và phát hành sách. Gắn phát triển văn hóa đọc với chuyển đổi số để tạo ra giá trị mới. Chú trọng phát triển văn hóa đọc trên các phương tiện truyền thông, báo chí, nền tảng công nghệ, mạng xã hội. Khai thác, sử dụng các loại hình, phương thức xuất bản phẩm điện tử, sách tinh gọn, sách nói tạo sức lan tỏa rộng và nhanh hơn.

Thứ năm, mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác, tích cực tham gia các hoạt động quốc tế về sách, nhất là sự kiện Ngày Sách và Bản quyền thế giới (ngày 23/4 hằng năm). Tổ chức các hội sách quốc tế và tham gia hội sách ở nước ngoài để thu hút các đơn vị xuất bản lớn trên toàn cầu. Tăng cường hoạt động giới thiệu, quảng bá tác phẩm, tác giả của Việt Nam để bạn bè quốc tế biết tới truyền thống văn hóa, con người, xã hội Việt Nam. Qua đó, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam đối với khu vực và quốc tế.  

Trong khuôn khổ lễ khai mạc, Cục Xuất bản, In và Phát hành; Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ TT&TT), Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở TT&TT Hà Nội, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám trưng bày các bộ sách quý về Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám; ảnh và sách về đất nước, con người Việt Nam trên các phiên bản điện tử hiện đại và ấn bản trực tiếp.

docgianhi.jpg
 Độc giả nhí tại các gian hàng sách. Ảnh: TTTT