“Chọc sàn” là phong tục đẹp trong hôn nhân của trai gái dân tộc Thái. Khi các cặp đôi mến nhau, chàng trai sẽ đến nhà bạn gái chọc sàn. Nếu ưng thuận, cô gái mở cửa. Họ có thể ngồi trò chuyện trong nhà, ngoài sân...

Sau vài đêm chuyện trò như vậy, chàng trai thổ lộ chuyện muốn cưới cô gái. Nếu cô đồng ý, chàng trai về thưa chuyện với bố mẹ và đưa bố mẹ đến hỏi cưới. Sau đám cưới, chàng trai sẽ ở rể vài năm. Kết thúc thời gian ở rể, chàng trai làm lễ tạ ơn bố mẹ đã sinh ra người vợ cho mình, và thêm một lần cưới nữa để đưa cô gái về nhà.   

W-img-3274-1.jpg
Những ngôi nhà sàn của người Thái ở Điện Biên. Ảnh: Nhị Tiến

Bà Lò Thị Bánh (60 tuổi), trú bản Noong Nhai, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên vẫn vẹn nguyên ký ức về màn chọc sàn của người chồng. Khi được hỏi về cảm xúc được chồng "chọc sàn" mấy chục năm trước, bà Bánh cười đáp: "Vui lắm, nhưng cũng ngại ngùng lắm".

Bà Bánh cho biết về tục chọc sàn: "Đầu tiên là quen nhau, cảm thấy mến nhau thì chàng trai đến chọc sàn. Với người Thái, con gái chưa lấy chồng thường ở gian phòng gần bếp nhất, nhưng để chắc chắn cho người chọc sàn, cô gái sẽ chỉ trước cho chàng trai chỗ mình ngủ, để chàng trai đến chọc đúng gian phòng người con gái đang nằm. Sau đó, cô gái sẽ mở cửa cho chàng trai vào nhà tâm sự".

W-img-3264-1.jpg
Bà Bánh vui vẻ khi nhớ về ký ức chọc sàn. Ảnh: Nhị Tiến

Khi được hỏi liệu cô gái có nhầm lẫn nếu không phải chàng trai mình yêu đến chọc sàn, bà Bánh cười đáp: "Con gái cũng khôn lắm chứ, ngày xưa chưa có điện, phải dùng đèn dầu soi xuống, nếu đúng người mình thương, mới mở cửa cho vào nhà".

Ngồi nghe vợ kể lại chuyện chọc sàn, ông Lò Văn Hơn (62 tuổi) chỉ tủm tỉm cười. Khi được hỏi về việc trước khi lấy bà Bánh ông đi chọc sàn bao nhiêu lần, ông Tơn trả lời nhát ngừng bằng tiếng Kinh không sõi: "Lâu lắm rồi, tôi cũng không nhớ rõ. Chỉ biết yêu nhau ít cũng phải một năm mới lấy nhau. Một năm ấy chọc sàn nhiều lần lắm. Sau lễ cưới, theo phong tục, phải ở rể 3 năm mới được đem vợ về nhà, nhưng tôi ở rể từ hồi lấy vợ đến giờ vẫn chưa mang vợ về nhà mình".

Theo ông Hơn, ngày nay tục lệ ở rể không còn nữa. "Mọi người ở đây cũng cưới như người Kinh thôi, sau lễ cưới là về nhà chồng".

Chị Quàng Thị Mai ở bản Pá Luống, xã Thanh Xương cũng từng được người yêu chọc sàn.

Chị chia sẻ, bản thân được bố mẹ dạy về tục chọc sàn. Theo chị, phong tục này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện Pá Luống vẫn còn tục chọc sàn. 

W-img-3172-1.jpg
Nơi cư trú của chị Mai hiện vẫn còn tục chọc sàn. Ảnh: Nhị Tiến 

Ngoài những chi tiết giống như chia sẻ của bà Bánh về tục chọc sàn, chị Mai cho biết thêm, trong quá trình tìm hiểu, nếu hai người cảm thấy không hợp nhau thì không nói chuyện nữa. Chàng trai khác có thể đến tiếp tục chọc sàn.

Theo lãnh đạo xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tục chọc sàn của người Thái hiện nay đã mai một và chỉ còn tồn tại ở một số bản làng. Ngày nay, việc tìm hiểu và tổ chức đám cưới đã cởi mở hơn xưa. Lễ cưới của người Thái chỉ tổ chức một lần rồi đón dâu về nhà luôn, không phải trải qua tục ở rể nữa.