Cuối tháng 4 vừa qua, chị Khinh Vũ Phi Dương (33 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) có chuyến khám phá tới thung Lũng Lân Ty (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn). Đây là một hành trình du lịch mạo hiểm với đa dạng các trải nghiệm như: Trekking, climbing, đu dây, chèo SUP, thám hiểm hang động và đặc biệt là camping trên vách đá “có một không hai”.
“Chuyến đi kéo dài 2 ngày 1 đêm với những hoạt động ngoài trời độc đáo, trong đó có trải nghiệm cắm trại vách đá – một trong những điều mình luôn ao ước được thực hiện từ lâu. Mình cũng mong muốn được khám phá Lạng Sơn, nhất là khu vực Hữu Lũng theo một cách khác so với những lần trước”, chị Dương nói.
Cô gái Hà Nội cho biết, bản thân có niềm đam mê trekking, leo núi và thử sức với các hoạt động ngoài trời cách đây 5 năm. Chị cũng tranh thủ sắp xếp thời gian nghỉ ngơi mỗi dịp cuối tuần để thực hiện đam mê. Mỗi chuyến đi thường bắt đầu từ đêm thứ 6 và kết thúc vào chiều chủ nhật.
Trước Lạng Sơn, chị từng đặt chân tới nhiều tỉnh thành và “dắt túi” các trải nghiệm độc đáo như khám phá hố sụt Kong (Quảng Bình), chinh phục nhiều đỉnh núi ở miền Bắc, chèo SUP qua hẻm Tu Sản (Hà Giang),....
“Mọi người thường nghĩ việc trekking, leo núi sẽ rất mệt nhưng mình lại xem đó như cách để tái tạo năng lượng, giải tỏa tinh thần sau một tuần làm việc hết công suất”, chị Dương cho hay.
Chị cũng tiết lộ, để có đủ sức khỏe đảm bảo cho việc tham gia các hoạt động ngoài trời như vậy, chị phải trải qua quá trình rèn luyện khoa học, thường xuyên.
Hàng ngày, chị Dương dành thời gian chạy bộ mỗi sáng sớm, kết hợp tập gym (workout) vào các buổi trưa để cơ thể thích nghi với cường độ hoạt động. Điều này giúp chị không bị mệt, mất sức nhiều sau mỗi chuyến leo núi.
“Giờ việc đi trekking, leo núi giống như một bài tập rèn luyện thể lực mỗi cuối tuần của mình thôi”, chị hài hước kể.
Tới thung lũng Lân Ty, chị Dương được tham gia các hoạt động khám phá đa dạng và thú vị như: Trekking xuyên rừng, thung lũng, chiêm ngưỡng những thảm động, thực vật đa dạng; Leo núi, vượt những vách đá dựng đứng; Đu dây qua dốc đá, rừng rậm, check-in trên đỉnh “núi Mắt Thần” (hay còn gọi núi Thủng); Chèo SUP trên hồ;….
Ngoài ra, cô còn được thám hiểm hang Ốc với những khối thạch nhũ tuyệt đẹp, ngắm nhìn động vật trong hang hay ghé khu vực “nghĩa địa ốc” với các vỏ ốc tự nhiên được sắp xếp vô cùng ấn tượng,…
Cô gái Hà Nội cùng đoàn thám hiểm trekking qua những cung đường tuyệt đẹp ở thung lũng Lân Ty trước khi chinh phục núi "Mắt Thần", trải nghiệm cắm trại trên vách đá.
Đặc biệt, chị ấn tượng nhất với hoạt động cắm trại, ngủ lều cheo leo trên vách đá cao – một trải nghiệm khá mạo hiểm mà bản thân vốn chỉ thấy ở nước ngoài trước đó.
“Núi Mắt Thần là một nơi quá đẹp và mình luôn nghĩ về việc cắm trại trên vách đá (cliff camping) từ nhiều năm nay. Đây là một trong những hình thức chinh phục mới mẻ do các nhà leo núi chuyên nghiệp sáng tạo ra để đưa các trải nghiệm du lịch lên tầm cao mới. Song, dù làm bất kỳ điều gì, bản thân mình cũng đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu”, chị cho biết.
Chị Dương từng tìm hiểu, biết đến hoạt động cliff camping phổ biến ở nước ngoài và coi đây là việc nhất định phải làm trong đời. Song chị cảm thấy trải nghiệm này rất khó để có thể thực hiện ở Việt Nam vì còn liên quan tới các kỹ năng cần thiết và các thiết bị an toàn. Chưa kể, để vận hành và đảm bảo an toàn cần đơn vị tổ chức có kinh nghiệm, uy tín.
Song khi đăng ký tham gia tour, chị Dương khá yên tâm khi thấy đơn vị vận hành nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng từ hành trang, các thiết bị đảm bảo an toàn. Ngoài ra, họ cũng tính toán các phương án thiết kế để sản xuất ra chiếc giường gấp vừa gọn nhẹ, có thể vận chuyển lên cao và suốt quãng đường trekking, lại vừa đảm bảo an toàn.
Tại thung lũng Lân Ty, chị Dương cùng đoàn leo núi chọn cắm trại ở vách đá ngay trên núi Mắt Thần. Khu vực này có vị trí rất đẹp, từ đây có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn toàn bộ thung lũng phía dưới.
Trước đó, chị cũng được tham gia khóa đào tạo và tập luyện với các thiết bị đảm bảo an toàn, học những kỹ năng cần thiết cho việc đu dây lên xuống và ở trên dây.
“Mình có tập luyện các kỹ năng cần thiết cho việc đu dây, sử dụng các thiết bị an toàn này từ những nhà leo núi, thám hiểm giàu kinh nghiệm. Đặc biệt, trong suốt quá trình khám phá tại Hữu Lũng đều có chuyên gia an toàn theo sát và hỗ trợ nên rất yên tâm”, nữ nhân viên văn phòng nói thêm.
Để lên được vị trí cắm trại, đoàn phải trekking và leo núi một quãng đường khá dài với những dốc thẳng đứng. Tuy nhiên, mọi mệt mỏi như tan biến khi chị hoàn thiện việc treo dây, dựng lều trên vách đá cao và tận hưởng trọn vẹn khoảng thời gian “hiếm có khó tìm”.
“Quãng đường để di chuyển tới vị trí cắm trại rất vất vả nhưng những gì mình được nhận hoàn toàn xứng đáng. Cái cảm giác làm được điều mình vẫn mong muốn bao nhiêu lâu nay, trên chính đất nước mình, đọc cuốn sách yêu thích, uống thứ đồ uống mình thích sau một hành trình dài, nó thực sự tuyệt vời”, cô gái Hà Nội bày tỏ.
Đêm cắm trại ở thung lũng có trận mưa rất lớn, sầm sét ầm ầm khiến chị Dương và các thành viên trong đoàn có những trải nghiệm “nhớ đời”.
Chị Dương chinh phục thành công việc cắm trại trên vách đá, tận hưởng cảm giác độc lạ trên chiếc lều lơ lửng giữa không trung.
Mới đây nhất, chị cũng có cơ hội trải nghiệm cắm trại trên vách đá tại thác Phi Liêng, Lâm Đồng sau chuyến đi mạo hiểm đầy thú vị ở Lạng Sơn.
Ngoài trải nghiệm camping vách đá, chuyến đi cũng là một hành trình thám hiểm thực sự khi chị Dương phải trải qua rất nhiều quãng đường nguy hiểm như climbing, đu dây trên những vách đá cheo leo hay ngủ đêm giữa trời mưa, sấm sét.
Chị và đoàn cũng có dịp vận dụng những kỹ năng mềm thú vị như tự lọc nước uống bằng các vật dụng ngoài thiên nhiên, hái rau rừng ăn, làm mát nước và bảo quản thức ăn bằng tủ lạnh tự nhiên,...
Phan Đậu - Ảnh: Khinh Vũ Phi Dương