Trần Bích Tuyền ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, được biết đến là người ở TP Cần Thơ làm móc khóa, kẹp tóc... bằng len bán ra nước ngoài như: Mỹ, Úc. Cô cũng là người tạo việc làm cho nhiều sinh viên, phụ nữ.
Học hành không tệ, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Tuyền kiếm sống bằng việc làm tại cửa hàng bán giày dép ở TP Cần Thơ. Sau đó, Tuyền học và làm thợ may với thu nhập chưa tới 3 triệu đồng/tháng.
Hơn hai năm trước, Tuyền biết đến nghề làm đồ thủ công (handmade) trên mạng xã hội. Từ tò mò Tuyền dần thích thú và bắt tay vào làm thử nghiệm.
“Tôi khởi nghiệp làm và kinh doanh đồ handmade từ sở thích may vá. Ban đầu, tôi làm vài chiếc kẹp tóc bằng len tặng người thân, bạn bè nhưng được giới thiệu nhiều nên thử buôn bán”, Tuyền bày tỏ.
Cô cũng chia sẻ thêm, do muốn dành thời gian cho con nhỏ, cũng như theo đuổi đam mê, cô quyết định mở shop đồ thủ công online.
Tháng 7/2023, Tuyền mạnh dạn khởi nghiệp với số vốn chỉ vỏn vẹn 750.000 đồng. Thời điểm đó, cô chỉ móc kẹp tóc len bán trên sàn thương mại điện tử.
Chỉ 750.000 đồng khởi nghiệp, sau 1 năm, tổng doanh thu shop của Tuyền mỗi tháng từ 80-90 triệu đồng, trừ hết chi phí cô thu về hơn 20 triệu đồng - một con số không nhỏ đối với cửa hàng online.
Thay vì bán nhiều loại sản phẩm, Tuyền chỉ tập trung vào những món đồ thủ công mà mọi người yêu thích như gấu, con capybara, kẹp tóc, móc khóa thú mini với nhiều mẫu mã nhân vật hoạt hình gồm: vịt củ hành, nấm cương thi, minion…
"Mỗi tháng, shop của tôi làm ra khoảng 4.000-5.000 sản phẩm, với giá từ 20 nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng/sản phẩm. Từ khi khởi nghiệp đến nay, tôi thiết kế khoảng 400 mẫu móc khóa len và 500-600 mẫu kẹp tóc len", Tuyền bộc bạch.
Bà mẹ một con cho biết, cô chỉ quảng cáo sản phẩm trên trang cá nhân và các hội mua bán của Facebook. Nhờ thường xuyên cập nhật xu hướng mới cũng như sự thay đổi thị hiếu của khách hàng nên các sản phẩm của Tuyền được nhiều người giới thiệu cho nhau.
Tuyền nói thêm phương thức kinh doanh của cô là làm ra sản phẩm “đẹp y chang” với tưởng tượng của người đặt.
Đặc biệt, để bảo đảm tiến độ và mở rộng quy mô kinh doanh, Tuyền hợp tác, hướng dẫn nghề, tạo việc làm cho hơn 30 lao động có cùng đam mê móc len, trong đó, rất nhiều “thợ” là các bạn sinh viên.
“Nhiều bạn sinh viên tranh thủ lúc rảnh rỗi đến shop tôi nhận len, kim và “công thức” để làm sản phẩm. Làm xong, các bạn đến giao cho tôi, nếu sản phẩm đạt thì nhận tiền, còn chưa đạt thì chỉnh sửa lại. Mỗi tháng các bạn có thu nhập từ 1-7 triệu đồng, tùy theo số lượng đan móc nhiều hay ít", Tuyền nói.
Trương Bảo Nhi (ngụ quận Bình Thủy) chia sẻ: “Em vừa tốt nghiệp đại học, đang trong quá trình tìm việc làm. Nhờ bạn bè giới thiệu, em biết đến chị Tuyền và đến đây nhận hàng gia công.
Tại đây, em được chị trực tiếp hướng dẫn nghề, chia sẻ nhiều bí quyết hay trong đan móc. Em chủ yếu làm những sản phẩm móc khóa bằng len có kích cỡ nhỏ. Trung bình mỗi tháng, em móc từ 300-600 sản phẩm, thu nhập 3-4 triệu đồng”.
“Nghề này người thợ phải liên tục học hỏi, sáng tạo để tạo ra sự khác biệt ý tưởng, sản phẩm độc đáo, đẹp mắt, được nhiều khách hàng yêu thích mới có chỗ đứng trên thị trường", Tuyền nói.