THOÁT NGHÈO NHỜ 'CÂY BÁU VẬT' Ở HUYỆN MIỀN NÚI CAO BẰNG

Hoa hồi, "báu vật" của núi rừng, đang từng ngày thay đổi cuộc sống của người dân Thạch An, Cao Bằng. Bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, từ bỏ lối trồng truyền thống, năng suất và giá trị kinh tế của cây hồi đã tăng lên vượt bậc. Nhờ đó, người dân có thu nhập hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Thay đổi tư duy trồng hồi của bà con miền núi

Hơn 10 năm về làm dâu ở xóm Bản Cấn (xã Vân Trình, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng), tiếp quản vườn hồi của bố mẹ chồng, chị Vui cũng như nhiều người dân khác trong xóm, chỉ biết chăm sóc cây hồi theo kiểu để cây phát triển tự nhiên. Chị chia sẻ: "Cả vườn có khoảng 200 cây, trước đây mỗi năm chỉ mất công phát cỏ 2-3 lần, lúc rảnh thì bón thêm ít phân chuồng".

Mỗi năm, cây hồi cho 2 vụ thu hoạch: Tứ quý (sau Tết Nguyên đán) và chính vụ (khoảng tháng 8-9). Hồi chính vụ cho thu nhập tốt hơn vì quả nặng hơn. Những năm được mùa, gia đình chị Vui thu được 5-6 tạ hồi, vụ ít 2-3 tạ.

W-trong hoi   dan toc thieu so 2.jpg

Cách thu hoạch hồi của chị Vui khá đơn giản: Dùng tay hái hoặc bắc thang trèo lên hái, rồi mang ra chợ bán hoặc chờ thương lái đến mua. Tuy nhiên, việc bị thương lái ép giá là điều khó tránh. 

Với mức chi tiêu trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng cho gia đình 4 người, vườn hồi là nguồn thu nhập chính của gia đình chị Vui. Hơn 2 năm trước, một số cây hồi trong vườn nhà chị có hiện tượng vàng lá, rụng, không ra hoa rồi chết khô. Chị Vui lo lắng, không biết cây bị bệnh gì và làm cách nào để chữa trị.

"Cú hích" từ Chương trình 1719

Năm 2023, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719), chị Vui và các hộ trồng hồi ở Bản Cấn được xã cấp phân vi sinh để bón vườn.

Sau khi bón phân vi sinh, cây hồi xanh tốt hơn trước. Để tăng thu nhập, năm ngoái, gia đình chị Vui mua thêm 200 cây quế trồng xen với hồi, dự kiến 5-10 năm nữa sẽ có thêm nguồn thu. Mới đây, chị còn được tư vấn trồng gừng xen canh để có thêm thu nhập ngắn hạn, sớm thoát diện hộ cận nghèo.

W-trong hoi   dan toc thieu so 18.jpg
W-trong hoi   dan toc thieu so 21.jpg

Chị Nông Thị Điểm, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch An, chia sẻ: "Vườn hồi nhà chị Vui có từ đầu những năm 1990. Thời điểm đó, bà con chủ yếu trồng hồi để nhận hỗ trợ gạo. Trải qua năm tháng, do biến đổi khí hậu, một số vườn hồi ở địa phương bị ảnh hưởng về chất lượng và sản lượng, năm được mùa năm không. Đặc biệt gần đây, chúng tôi canh cánh lo trước hiện tượng nhiều cây hồi nhiễm bệnh”.

Hơn 2 năm qua, các vùng trồng hồi trọng điểm của Thạch An đều nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình 1719. Cụ thể, là hỗ trợ phân bón hữu cơ vi sinh để tăng sức đề kháng cho cây.

"Nhiều hộ trồng hồi cho biết, với tác dụng của phân bón hữu cơ vi sinh, cây hồi xanh hơn, bông hồi cũng đều hơn. Vườn hồi trở thành nguồn thu nhập quan trọng của nhiều hộ dân", chị Điểm cho biết.

W-trong hoi   dan toc thieu so 13.jpg
Chị Điềm (bên trái) đi thăm vườn trồng hồi của bà con xã Vân Trình.

Được biết, huyện Thạch An có khoảng 2.700ha hồi, tập trung tại các xã: Vân Trình, Đức Xuân, Lê Lai, Thụy Hùng, Đức Long, Quang Trọng, thị trấn Đông Khê… Vân Trình là xã trồng nhiều hồi nhất huyện Thạch An, tập trung tại các xóm: Bản Cắn, Bản Muồng, Lũng Mằn...

Áp dụng đúng kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, nhiều hộ gia đình trồng hồi có thu nhập từ 20-30 triệu đồng/năm, không ít hộ thu tới hơn 200 triệu đồng/năm. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo và có kinh tế khá giả.

Vụ hồi năm 2024, toàn huyện Thạch An thu hoạch khoảng 3.500 tấn, đem lại tổng thu nhập hơn 100 tỷ đồng. Riêng tại xã Vân Trình có hơn 460ha trồng hồi, sản lượng hơn 1.000 tấn/năm, mang lại trên 30 tỷ đồng cho người dân.

W-trong hoi   dan toc thieu so 5.jpg

Tổng kinh phí hỗ trợ phân bón cho mô hình trồng hồi trong 2 năm 2023-2024 từ Chương trình 1719 của cả huyện Thạch An khoảng 1,4 tỷ đồng. Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Cao Bằng, tổng kinh phí hỗ trợ mỗi dự án giai đoạn đầu không quá 1,5 tỷ đồng; chỉ hỗ trợ 2 năm đầu, từ năm thứ 3 người dân phải tự đầu tư.

Ước tính mỗi cây hồi cần khoảng 6-8kg phân vi sinh/năm. Song do trước đây bà con chưa quen với việc bón phân cho cây nên lúc đầu chưa dám bón nhiều, chỉ để khoảng 2kg phân/cây. 

“Năm 2024, nguồn tiền còn ít, nên chúng tôi hỗ trợ bà con 1kg phân/cây theo hình thức đối ứng. Đến khi dừng hỗ trợ, nhiều hộ cũng ngừng chăm bón, tiếp tục trông chờ vào chính quyền và các tổ chức, doanh nghiệp. Sự thụ động trông chờ của người dân như vậy là một trong những khó khăn lớn, ảnh hưởng tới hiệu quả triển khai Chương trình 1719 tại địa phương”, chị Điềm nhìn nhận.

W-trong hoi   dan toc thieu so 14.jpg

Ông Đinh Xuân Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Trình kể: "Những năm qua, tại xã Vân Trình, ngoài kết quả đạt được, cũng không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn như một số bà con chưa hiểu hết nội dung và ý nghĩa của chương trình, có lúc còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước".

W-trong hoi   dan toc thieu so 9.jpg
Ông Đinh Xuân Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Trình.

Cây hồi đã được huyện Thạch An định hướng trở thành cây trồng mũi nhọn giảm nghèo tại địa phương. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ trồng hồi thực hiện tốt việc chăm sóc để cây phát triển tốt hơn, chất lượng hoa hồi cao hơn, tăng sản lượng và ổn định giá bán cho loại nông sản chất lượng cao này. 

Nhiều giải pháp cũng được đề xuất nhằm nâng cao giá trị của hoa hồi như: Đầu tư dự án xây dựng nhà máy chế biến hoa hồi, chế biến tinh dầu hồi; ưu tiên nguồn vốn phát triển diện tích cây hồi chất lượng cao…

Để các mô hình trồng hồi có thể phát triển bền vững hơn, giúp thêm nhiều hộ nghèo, cận nghèo thực sự thoát nghèo và tránh tái nghèo, thì bên cạnh sự hỗ trợ từ các dự án, chương trình như 1719, bản thân các hộ dân cũng cần chủ động hơn nữa trong việc tìm cách phát triển sinh kế. 

W-trong hoi   dan toc thieu so 26.jpg

“Báu vật” trời ban

Sở dĩ cây hoa hồi được coi như "báu vật" vì đây là loài cây bản địa mà rất ít quốc gia trên thế giới có thể trồng được. Hầu như cây hồi chỉ có tại Việt Nam và Trung Quốc. Tại Việt Nam, cây hoa hồi được trồng tập trung chủ yếu tại các tỉnh biên giới phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng với sản lượng hàng năm hơn 16.000 tấn.

 

“Có thời điểm, giá hồi tươi lên tới 80 nghìn đồng/kg, mấy năm gần đây đã hạ xuống, còn khoảng 20-23 nghìn đồng/kg. Vườn hồi đã trở thành nguồn thu nhập quan trọng của nhiều hộ dân miền núi”, chị Nông Thị Điềm, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch An cho biết.