Ngôi làng nhỏ nằm bên dòng sông Lô thuộc tỉnh Vĩnh Phúc nổi tiếng vì có đến 12 vị tiến sĩ Nho học, 2 di tích lịch sử cấp quốc gia. Nơi đây còn có một tên gọi khác là “làng tiến sĩ”.
LỜI TÒA SOẠN
Với tuyến Mảnh đất, dòng họ khoa bảng, VietNamNet xin giới thiệu tới độc giả các câu chuyện về những dòng họ, vùng đất nổi danh một thời về con đường học tập, rèn luyện. Nơi đây không chỉ có những danh nhân đỗ đạt, đóng góp lớn cho quê hương, đất nước, họ còn để lại cho hậu thế gia tài quý báu về tấm gương học tập, cống hiến và nguồn tri thức văn hóa - giáo dục.
''Làng tiến sĩ''
Được mệnh danh là "làng tiến sĩ" của Vĩnh Phúc - làng Quan Tử (xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch) - vùng đất khoa bảng nổi tiếng với 12 vị tiến sĩ Nho học, trong đó có nhiều nhân vật giữ những vị trí quan trọng trong các triều đại phong kiến Việt Nam.
Nhắc đến Quan Tử là nhắc đến những dòng họ hiếu học như họ Vũ, họ Lê, họ Nguyễn, họ Trần và họ Đặng. Các dòng họ này đều có nhà thờ riêng và đều được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. 12 người góp tên vào truyền thống khoa bảng của vùng đất địa linh nhân kiệt này đều thuộc các dòng họ nêu trên gồm: Nguyễn Từ, Lê Thúc Chẩn, Nguyễn Tộ, Nguyễn Chinh, Nguyễn Tư Phúc, Trần Doãn Hựu, Lê Đức Toản, Đặng Thận, Lê Khiết, Đặng Điềm, Nguyễn Phu Hựu và Vũ Doãn Tư.
Với truyền thống là các dòng họ có bề dày lịch sử hiếu học, thế hệ ngày nay vẫn duy trì truyền thống mà tiền nhân để lại bằng cách hướng các con, cháu tu nghiệp theo con đường học tập.
Trong số nhiều dòng họ nức danh tại Quan Tử, chúng tôi tìm đến nhà thờ họ Vũ - nơi đang thờ Thủy Tổ Vũ Doãn Tư. Ông Vũ Thế Công - Trưởng dòng họ Vũ tại thôn Quan Tử, cho biết, theo sử sách ghi chép lại, cụ tổ Vũ Doãn Tư của dòng họ Vũ năm 24 tuổi thi đỗ Đệ tam giáo đồng tiến sĩ khoa Tân Sửu, niên hiệu Quảng Hòa thứ nhất (1541) đời Vua Mạc Phúc Hải. Ông làm quan thất phẩm và làm tới chức Lại bộ Tả thị lang Vũ tướng công thời nhà Mạc.
Hiện nay, với truyền thống dòng họ Vũ lâu đời hiếu học, nhà thờ họ Vũ luôn được các thế hệ sau coi là nơi giáo dục truyền thống khoa bảng cho con cháu phấn đấu noi theo trên con đường sự nghiệp học tập và làm việc.
Ông Vũ Thế Công chia sẻ: Hàng năm, vào dịp đầu xuân, dòng họ Vũ lại tổ chức hoạt động vinh danh các gia đình hiếu học, có con em học giỏi, đỗ đạt cao từ học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia đến đỗ đạt đại học…
Cách nhà thờ họ Vũ một đoạn đường làng, nhà thờ họ Trần ở thôn Quan Tử được tôn tạo khang trang và thờ tiến sĩ Trần Doãn Hựu (1452 - ?). Tiến sĩ Trần Doãn Hựu tham gia thi năm 27 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478), đời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư. Ông chính là cháu đích tôn của Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn – Khai quốc công thần của nhà Lê Sơ.
Nhà thờ họ Trần tại thôn Quan Tử được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2010. Sau khi trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống đế quốc Mỹ nhà thờ họ Trần xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Đến năm 2000, dòng họ Trần xây dựng lại và thờ tự cho đến nay.
Ông Trần Kim Sáu - đại diện họ Trần ở đây, cho biết: Là cao niên trong dòng họ, chúng tôi luôn nhắc nhở con cháu nhớ về cha ông, những người đã ghi danh sử sách, được vinh danh bảng vàng, được ngàn đời nhắc tên để học tập, lao động, xây dựng gia đình, quê hương.
Quan Tử hoà vào truyền thống khoa bảng Vĩnh Phúc
Ở Vĩnh Phúc thường truyền tai nhau rằng, muốn biết truyền thống hiếu học của tỉnh hãy đến Văn Miếu tỉnh - nơi thờ các bậc Tiên thánh, Tiên Nho và danh nhân khoa bảng của tỉnh Vĩnh Phúc từ thời Lý đến thời Nguyễn. Văn Miếu Vĩnh Phúc được xem là hình mẫu tiêu biểu cho một Văn miếu cấp phủ ở Việt Nam thời Lê Trung Hưng.
Văn Miếu Vĩnh Phúc hiện có hai dãy nhà bia tiến sĩ. Là nơi đặt 18 tấm bia trên lưng rùa, được phân bố đối xứng nhau mỗi bên có một hàng gồm 9 bia, khắc tên 91 vị đỗ Đại khoa của tỉnh Vĩnh Phúc từ thời Lý đến thời Nguyễn.
Trong hơn 800 năm tồn tại của nền khoa cử Nho học, Vĩnh Phúc đã tạo lập truyền thống khoa bảng với 388 người đỗ khoa trường, trong đó có 86 vị đỗ hàng Đại khoa và 302 vị đỗ hàng trung khoa. Hiện nay, 86 vị tiến sĩ danh nho tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc được lưu danh trên bảng đồng bia đá và thờ tự trong Văn Miếu Vĩnh Phúc. Đặc biệt, Vĩnh Phúc có 4 tiến sĩ được khắc danh trên bia đá rùa vàng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám gồm các ông Lê Thúc Chẩn, Nguyễn Trịnh, Nguyễn Tư Phúc, Trần Doãn Hựu.
Bia tiến sĩ là biểu tượng của sự thành đạt và trí tuệ được dựng lên mang ý nghĩa tôn vinh những người đỗ đạt, thể hiện mong muốn tên tuổi của các nhà khoa bảng trường tồn và mang lại cho con cháu niềm tự hào mỗi khi đến chiêm bái và tìm thấy tên tuổi của vị tiến sĩ thuộc dòng họ mình được lưu danh.
Hiện nay, Văn Miếu Vĩnh Phúc trở thành điểm đến thăm quan, nghiên cứu, tìm hiểu của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, nơi đây trở thành điểm đến thường xuyên của các thế hệ trẻ, học sinh trước mỗi kỳ thi cử.
Các trường học từ mầm non đến cao đẳng, đại học đều tổ chức thường xuyên các buổi ngoại khóa tại Văn Miếu Vĩnh Phúc nhằm giáo dục truyền thống hiếu học từ ngàn xưa của tỉnh từ đó thúc đẩy ý chí, nghị lực vươn lên của các thế hệ sau.
Dòng họ Phan Huy ở Hà Tĩnh vang danh cả nước về truyền thống hiếu học, khoa bảng, có nhiều hiền tài được sử sách lưu danh. Trong đó, có 3 cha con Phan Huy Cẩn cùng đỗ tiến sĩ, đóng góp nhiều công trạng cho đất nước.
Làng Nguyệt Viên (xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa) được biết đến là “làng khoa bảng”, nơi đây vẫn còn tấm bia ghi danh 11 vị tiến sĩ. Tiếp bước truyền thống hiếu học, đến nay, làng Nguyệt Viên đã có hàng trăm giáo sư, tiến sĩ.
Trong số 82 văn bia tại Văn miếu Quốc Tử Giám có khắc tên hai cha con cùng đỗ đại khoa là Trạng nguyên Giáp Hải và Tiến sĩ Giáp Lễ. Những giai thoại kể về sự hiếu học và đỗ đạt vinh hiển ấy luôn là niềm tự hào của dòng họ Giáp tại Bắc Giang.