Di sản thiên nhiên gắn liền với chùa cổ trên cù lao

Nằm trên cù lao ở sông Đồng Nai, chùa Hoàng Ân (hay còn được gọi là Hoàng Ân Cổ Tự thuộc phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) không chỉ là địa điểm tâm linh quen thuộc của người dân mà còn nổi tiếng với một “báu vật xanh” hơn 300 năm tuổi.

W-chua hoang an4.jpg
Cây Dầu rái hơn 300 tuổi bên trong chùa Hoàng Ân. Ảnh: Hoàng Anh

Đó là cây Dầu rái (tên khoa học: Dipterocarpus alatus Roxb) được công nhận là cây Di sản Việt Nam, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của ngôi chùa này, một trong những chốn thiền tự cổ kính bậc nhất Đồng Nai.

Chùa Hoàng Ân được xây dựng từ thế kỷ 17, do một thiền sư thuộc phái Lâm Tế sáng lập. Hiện nay, chùa thuộc hệ phái Bắc tông, mang nét kiến trúc đặc trưng của vùng đồng bằng Nam Bộ.

Ni trưởng Thích Nữ Huệ Tâm, trụ trì chùa Hoàng Ân cho biết, cây Dầu rái đã tồn tại qua hàng trăm năm, chứng kiến những đổi thay của vùng đất Biên Hòa. Cây cao hơn 80m, đường kính hơn 8,5m, tán lá xum xuê, che bóng mát cho phật tử và du khách đến chiêm bái.

Theo lời kể của các bậc cao niên, cây Dầu rái này đã hiện diện từ thời kỳ khai hoang lập ấp trên vùng đất “cù lao Phố”. Trải qua bao biến thiên lịch sử, cây không chỉ tạo bóng mát mà còn trở thành biểu tượng tinh thần của người dân địa phương.

W-chua hoang an5.jpg
Chùa Hoàng Ân (phường (phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) được xây dựng từ thế kỷ 17. Ảnh: Hoàng Anh

Ngoài giá trị lịch sử và tâm linh, cây Dầu rái hơn 300 năm tuổi này còn mang ý nghĩa đặc biệt về mặt sinh thái và khoa học. Với chiều cao nổi bật cùng tán lá xum xuê, cây đóng vai trò như “lá phổi xanh” của chùa, giúp điều hòa không khí và tạo nên không gian thanh tịnh, trong lành cho khách thập phương đến chiêm bái.

Cây Dầu rái như một phần linh hồn của chùa

Theo trụ trì chùa Hoàng Ân, cây Dầu rái cổ thụ không chỉ là “nhân chứng sống” chứng kiến biết bao đổi thay lịch sử, mà còn là điểm tựa tinh thần, là niềm tự hào của nhà chùa.

W-chua hoang an2.jpg
Cây cao hơn 80m, đường kính hơn 8,5m, phải 6 người ôm mới xuể. Ảnh: Hoàng Anh

Ni trưởng Thích Nữ Huệ Tâm cho biết, bà xem cây này như một phần linh hồn của chùa. Từng vết sẹo trên thân cây là dấu ấn thời gian, nhắc nhở của tạo hóa phải biết trân trọng và bảo vệ thiên nhiên.

“Dù đã trải qua hơn 3 thế kỷ, nhưng cây vẫn xanh tốt, tán lá xum xuê che mát cả sân chùa. Tôi vẫn luôn dặn dò các Phật tử khi đến chùa, hãy xem cây như bậc tiền nhân, luôn giữ gìn sự trang nghiêm, sạch sẽ”, vị trụ trì chùa chia sẻ.

Năm 2013, cây Dầu rái tại chùa Hoàng Ân được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường công nhận là cây Di sản Việt Nam. Điều này không chỉ ghi nhận giá trị sinh thái mà còn là niềm tự hào của người dân Đồng Nai.

Anh Nguyễn Anh Trọng (ngụ phường An Bình) chia sẻ, khi biết được thông tin cây Dầu rái được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, anh cảm thấy vô cùng tự hào vì vùng đất mình ở có một “báu vật” quý giá.

“Mỗi lần ghé chùa Hoàng Ân, tôi đều dẫn gia đình đến dưới gốc cây Dầu rái để cảm nhận sự thanh tịnh và những giá trị linh thiêng của nó. Với tôi, cây là biểu tượng của sự trường tồn, gắn liền với bao thăng trầm của lịch sử”, anh tâm sự.

W-chua hoang an3.jpg
Anh Trọng chụp hình lưu niệm cùng trụ trì chùa Hoàng Ân. Ảnh: Hoàng Anh

Trải qua hơn ba thế kỷ sừng sững ở chùa Hoàng Ân, cây Dầu rái không chỉ là dấu ấn của thời gian mà còn là chứng nhân cho sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên.

Chính vì vậy, mỗi dịp lễ lớn nhiều tăng ni, phật tử và du khách đến viếng chùa, chiêm bái và cầu nguyện dưới cây cổ thụ. Nhiều người còn xem cây như “già làng” luôn che chở, cầu bình an, may mắn.