Chiều 15/7, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng dự án vành đai 3, nhằm đẩy nhanh các bước công việc, kịp thời khởi công dự án trong tháng 6/2023.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh, chủ trương xây dựng vành đai 3 là quyết sách quan trọng, phát triển hạ tầng giao thông cho TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; mở ra không gian mới, động lực mới cho sự phát triển của vùng. Đồng thời, giúp TP.HCM giữ vững vị thế vai trò đầu tàu.
Người đứng đầu chính quyền TP thừa nhận, đây là dự án lớn cả về quy mô và khối lượng công việc, triển khai trong thời gian ngắn và cơ bản hoàn thành trong 2025, nên các bước thực hiện rất khẩn trương.
“Vừa rồi, trong buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao nhiệm vụ cho TP.HCM và các tỉnh, thành có vành đai 3 đi qua cố gắng khởi công vào tháng 6/2023 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Do vậy, chỉ còn 3 năm để triển khai, các bước công việc phải rất khẩn trương. Đây là áp lực rất lớn, nên TP tổ chức hội nghị hôm nay để cùng nhau phối hợp triển khai, để dự án về đích theo kế hoạch”, ông Mãi nói.
Cũng theo ông Phan Văn Mãi, vành đai 3 đi qua TP.HCM và các tỉnh, thành nơi có tốc độ đô thị hóa rất cao, mật độ cư dân dày, nên việc giải phóng mặt bằng là khó khăn, chưa nói là liên quan đến nhiều địa phương. Nếu không chủ động, không chuẩn bị kỹ các bước công việc thì sẽ ảnh hưởng tiến độ xây dựng.
Còn theo đại diện Sở GTVT TP, đây là dự án đặc biệt, khối lượng công việc lớn, thời gian triển khai ngắn nên TP.HCM kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết, cho phép dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt trên cơ sở vận dụng cơ chế dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Cụ thể, một số cơ chế đặc thù cơ bản về nguồn vốn đầu tư, cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.
Ngoài ra, với trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định…
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Bên cạnh đó, đề xuất cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án (thực hiện đồng thời với công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi).
Cho phép UBND TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An điều chỉnh cục bộ các quy hoạch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Dự án (đối với các trường hợp cần điều chỉnh phục vụ thực hiện Dự án). Các nội dung điều chỉnh cục bộ sẽ cập nhật vào các quy hoạch có liên quan.
Ngoài ra, để giúp việc cho Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy dự án, TP.HCM cùng các địa phương đã thống nhất thành lập Hội đồng cố vấn dự án, gồm các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực GTVT, xây dựng, công nghệ, đấu thầu, tổ chức điều hành dự án.
"Phải lo cho dân trước, mới nói đến giải phóng mặt bằng"
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên lưu ý các vấn đề liên quan đến triển khai xây dựng vành đai 3.
Ông cho biết, phải khẳng định đây là trách nhiệm chính trị, là sự cam kết của lãnh đạo và nhân dân TP.HCM trước Trung ương, Quốc hội. Cần xem đây là cơ hội để tất cả cùng chung tay góp công, góp sức vào dự án quan trọng này.
“Đây là việc khó khăn, không đơn giản dù chúng ta có niềm tin. Chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm qua nhiều dự án, có tiền, có đất nhưng làm không kịp với nhiều lý do khó lường. Có quyết tâm nhưng phải có hành động cụ thể, thời gian cụ thể, nhất là trách nhiệm cụ thể” - lời Bí thư Nên.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho rằng, muốn có mặt bằng triển khai thì liên quan đến đất, liên quan tới người sử dụng đất…Do đó, phải tính toán, có cách làm để người dân yên tâm, đồng thuận giao mặt bằng; ít nhất phải đạt được sự đồng thuận tương đối, tối đa lắm mới cưỡng chế.
“Đối với người dân gắn bó tình cảm với nhà cửa, mảnh đất thì rời bỏ cũng không đơn giản. Có nơi người dân ở qua mấy thế hệ, giờ rời đi là sự hy sinh rất lớn. Do đó, phải cố gắng hết sức để người dân không quá thiệt thòi”, Bí thư Thành ủy yêu cầu.
Dự án Vành đai 3 có chiều dài khoảng 76,34 km, kết nối TP.HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và các địa phương khác trong khu vực.
Dự án được chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Tổng mức đầu tư là 75.378 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 61.056 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 14.322 tỷ đồng.
Dự án được khởi động từ năm 2022 và dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác năm 2026.