Theo báo cáo của UBND huyện Bảo Lâm, tính đến hết tháng 11, Huyện hoàn thành 14/23 chỉ tiêu KT-XH năm 2023. Tổng sản lượng lương thực có hạt 29.410,76 tấn, đạt 97,5% kế hoạch (KH); giá trị sản xuất công nghiêp, tiểu thủ công nghiệp đạt 20,2 tỷ đồng, bằng 101,1% KH; giải ngân vốn đầu tư công, đạt 43,6% KH; vốn năm 2022 chuyển sang năm 2023 giải ngân đạt 83,78%. Thu ngân sách 64,4 tỷ đồng, đạt 76,39% dự toán tỉnh giao. Đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 135.2/170 km đường nông thôn, đạt 80 % KH; nhựa hóa đường từ trung tâm huyện đi các xã 5,6/10 km, đạt 56% KH. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,44%/năm, hoàn thành chỉ tiêu giao.

Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo; xóa bỏ hoạt động của Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới ổn định.

pacmieu.png
Một góc thị trấn Pác Miều (Bảo Lâm) nhìn từ trên cao

Về việc triển khai, thực hiện 03 CTMTQG, huyện đã giải ngân được 41.273/45.316 tỷ đồng vốn của CTMTQG giảm nghèo bền vững, đạt 91% KH; giải ngân 43.151/78.313 triệu đồng vốn của CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, đạt 55%KH; Đối với nguồn vốn thuộc CTMTQG xây dựng nông thôn mới giải ngân thấp.

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện huyện Bảo Lâm đã nêu những khó khăn, vướng mắc như: khó khăn về sản xuất nông, lâm nghiệp do ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh ảnh hưởng đến năng xuất, sản lượng cây trồng, vật nuôi; tiến độ giải ngân một số chương trình, dự án còn chậm do quá trình khảo sát xây dựng quy hoạch chưa chi tiết, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm, khan hiếm vật liệu xây dựng, việc hướng dẫn thực hiện dự án liên quan đến các Bộ, ngành còn vướng mắc các thủ tục; chương trình xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn, 45% số hộ dân chưa có điện lưới quốc gia; nguồn lực đầu tư cho phát triển giao thông nông thôn còn thấp so với nhu cầu thực tiễn.

Từ đó, huyện Bảo Lâm kiến nghị: HĐND, UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị các Bộ, ngành trung ương có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các trường hợp đã được hỗ trợ nhà ở từ các Chương trình, nhưng hiện nay đã hư hỏng, xuống cấp cần được tiếp tục hỗ trợ; sớm có văn bản hướng dẫn Quy định nhóm đối tượng “người lao động có thu nhập thấp” theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh cho phép huyện được chủ động điều chỉnh nguồn kinh phí sự nghiệp được giao thực hiện giữa các dự án, tiểu dự án chương trình MTQG giảm nghèo bền vững mà không làm thay đổi tổng mức để đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả, hấp thụ tối đa nguồn kinh phí được giao; cho phép được chuyển nguồn kinh phí được giao năm 2023 (chưa thực hiện và giải ngân được) sang năm 2024 tiếp tục thực hiện.     

Tại phiên thảo luận, lãnh đạo các sở, ban, ngành đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc như: Hỗ trợ giải quyết cho doanh nghiệp về thủ tục cấp phép khai thác cát, sỏi, đá; các giải pháp tăng thu ngân sách; tăng cường tập huấn cho cán bộ xã có năng lực đảm nhận làm chủ đầu tư; chủ động xây dựng đề án phát triển nông nghiêp bền vững khai thác tiềm năng, thế mạnh nông lâm nghiệp về trồng cây công nghiệp hồi, quế, sả lấy tinh dầu, chăn nuôi, thủy sản, tăng tỷ lệ che phủ rừng, phát triển nông lâm nghiệp gắn với du lịch văn hóa đặc sắc các dân tộc thiểu số…

Kết luận buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh chỉ đạo: Từ các giải pháp của các sở, ban, ngành tháo gỡ khó khăn, huyện phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất chỉ tiêu KT-XH năm 2023; chuẩn bị tốt quy hoạch chi tiết các dự án để triển khai giải ngân đầu tư công; khẩn trương xây dựng đề án tuyển dụng giáo viên, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, cán bộ xã; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; tập trung công tác thu ngân sách; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các Chương trình từ cấp huyện đến cấp cơ sở. Đặc biệt, cần xây dựng các giải pháp khắc phục khó khăn và lựa chọn lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh để xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024.

Thúy An và nhóm PV, BTV