Tối 31/8, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Đảng, Nhà nước long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023).
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân chủ trì buổi lễ. Cùng dự có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.
Dự lễ kỷ niệm có các Đại sứ, Trưởng cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Chủ tịch nước nêu rõ: "Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những trang sử vàng chói lọi nhất của dân tộc Việt Nam, khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”
Từ mùa thu Cách mạng năm 1945, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, dân tộc Việt Nam đã kiên cường, anh dũng trải qua nhiều cuộc trường chinh vô cùng gian khổ, ác liệt, với sự hy sinh của hàng triệu người con ưu tú để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới, đến hôm nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia; đã vươn lên, trở thành một nền kinh tế năng động hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam là đất nước của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, là điểm đến tươi đẹp, an toàn, thân thiện, giàu lòng mến khách.
"Tài sản vô giá, sức mạnh to lớn để nhân dân Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh chính là tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí kiên cường và lòng quả cảm, tinh thần quyết tâm, tự lực, tự cường, khát vọng mãnh liệt vì độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc.
Các giá trị cao đẹp ấy được hun đúc, bồi đắp, giữ gìn và phát huy qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chia sẻ.
Chủ tịch nước khẳng định rõ, Việt Nam kiên trì phấn đấu thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn.
Trên con đường hiện thực hóa khát vọng trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, phải tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên trì đẩy mạnh toàn diện đồng bộ sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ gìn, phát huy những di sản quý báu mà các thế hệ người Việt Nam đã dày công vun đắp. Trong tiến trình ấy, Nhân dân luôn ở vị trí trung tâm, là chủ thể, động lực và mục tiêu xuyên suốt của mọi chính sách phát triển.
Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiều trọng trách tại các diễn đàn đa phương, chung tay thực hiện mục tiêu phát triển, bảo vệ quyền con người và đóng góp tích cực vào gìn giữ hòa bình thế giới, được bạn bè quốc tế yêu mến.
Chủ tịch nước cho rằng, trong mỗi chặng đường phát triển của Việt Nam đều in đậm dấu ấn tình cảm tốt đẹp, sự ủng hộ, hợp tác hiệu quả, thiết thực, sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của bạn bè trên thế giới.
Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước gửi lời cảm ơn các quốc gia, đối tác và nhân dân tiến bộ trên thế giới đã đồng hành, dành cho Việt Nam sự yêu mến, tin cậy, sự chia sẻ, hỗ trợ quý báu, góp phần vào những thành tựu của Việt Nam 78 năm qua, để Việt Nam “có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Đề cập đến bối cảnh thế giới ngày càng biến động, phức tạp, Chủ tịch nước nhìn nhận, để gìn giữ hòa bình và thịnh vượng chung thì cần cùng nhau đoàn kết, thúc đẩy hợp tác; củng cố chủ nghĩa đa phương; tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
"Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối cho hợp tác và đối thoại, củng cố chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại về tranh chấp trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế; sẽ luôn là người bạn chân thành, thủy chung, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế", Chủ tịch nước nêu rõ.
Thay mặt đoàn ngoại giao, Đại sứ Saadi Salama, Trưởng đoàn Ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam chia sẻ về bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình. Bản Tuyên ngôn đã kế thừa ý chí bất khuất, tinh thần quật cường và tư tưởng độc lập để khẳng định "quyền được sống, được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" của nhân dân Việt Nam.
Ông cho rằng, sự kiện trọng đại này luôn là nguồn cảm hứng cho các quốc gia đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.
Nhận định về kinh tế Việt Nam, Đại sứ Saadi Salama dẫn chứng những đánh giá của các tổ chức kinh tế tài chính, xếp hạng Việt Nam vào nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế toàn cầu.
Ông cũng bày tỏ ấn tượng khi chứng kiến năm 2023 Việt Nam để lại nhiều dấu ấn trong ngoại giao đa phương và song phương. Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và có trách nhiệm nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp, hướng tới mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trên toàn thế giới.
Thay mặt đoàn ngoại giao, ông khẳng định luôn sẵn sàng và quyết tâm củng cố, thúc đẩy, mở rộng hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các quốc gia, tổ chức quốc tế.
XEM TOÀN VĂN: Phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại lễ kỷ niệm