Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu Văn phòng UBND TP lập tổ công tác bay flycam 'soi' việc quản lý đất đai ở ở 6 huyện ven sông. Ảnh: Quốc Tuấn.

Ngày 12/5, Thường trực HĐND TP. Hà Nội tổ chức phiên chất vấn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp.

Chính quyền làm ngơ sai phạm?

Theo giám sát của HĐND TP. Hà Nội, do tốc độ đô thị hóa nên phần lớn các quy hoạch phát triển nông nghiệp của thành phố đều đã bị biến đổi, điều chỉnh, chồng lấn.

Giám sát của HĐND TP. Hà Nội cũng chỉ rõ, trong khi nhiều hộ sản xuất, doanh nghiệp loay hoay vì không được hướng dẫn xây dựng công trình hạ tầng để làm nông nghiệp công nghệ cao thực sự, lại đang xuất hiện tình trạng nhiều mô hình nông nghiệp nhưng không sản xuất, biến tướng thành điểm du lịch, nơi nghỉ dưỡng.

HĐND TP. Hà Nội dẫn chứng về dự án trồng hoa cây cảnh tại xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ) của Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoa Bay, triển khai năm 2017 trên diện tích 1 ha.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Việt, Chánh Văn phòng HĐND TP Hà Nội nêu câu hỏi tại phiên chất vấn. (Ảnh: Đình Sơn)

Đến nay, dự án này đã biến thành khu du lịch sinh thái, đặt tên là ‘Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay', trái với mục đích sử dụng đất được phê duyệt. Dự án còn mọc thêm nhiều công trình, bao gồm khu nhà điều hành, nhà hàng, bể bơi, phòng nghỉ, phòng ăn...

“Những vi phạm này đã diễn ra vài năm nay, tại sao lại không được chính quyền địa phương xử lý kịp thời?”, HĐND TP. đặt câu hỏi.

Tại hợp tác xã du lịch và nông nghiệp Hoa Sơn rộng 7 ha ở xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), để phát triển theo hướng du lịch, ngoài trồng rau hữu cơ, nuôi lợn rừng, dê núi, trang trại này đã sửa chữa, xây dựng nhiều nhà nghỉ để đón các đoàn khách đến nghỉ dưỡng.

“Liệu chính quyền địa phương có làm ngơ cho những sai phạm này?”, giám sát của HĐND TP. Hà Nội chất vấn.

Chưa phát triển hết tiềm năng

Phát biểu tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, kết quả phát triển nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã đạt những thành tựu cơ bản. 

Ông Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội là 1 trong 3 tỉnh, thành phố có tỷ trọng nông nghiệp lớn nhất cả nước, với 383 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trong đó có 111 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ngành nông nghiệp của Thủ đô chưa phát triển hết tiềm năng.

Trong năm 2023, TP. Hà Nội quyết tâm hoàn thành xây dựng nông thôn mới với tất cả các huyện. “Nông nghiệp tăng trưởng được 1,2% là rất khó, nếu không có đột phá về mô hình, phương thức sản xuất. Nhưng thành phố đã đạt được mức tăng trưởng nông nghiệp 3-5 % là nỗ lực rất lớn”, ông Trần Sỹ Thanh nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng chỉ rõ, ngành nông nghiệp của Thủ đô chưa phát triển hết tiềm năng do nhiều nguyên nhân, trong đó có công tác quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp còn chậm.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, trong nhiệm kỳ này, cơ bản thành phố sẽ hoàn thành quy hoạch chi tiết, qua đó sẽ khơi thông những vướng mắc và đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. 

Liên quan vướng mắc về xây dựng trên đất nông nghiệp, theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cần có sự nghiên cứu của chuyên gia, hướng dẫn cụ thể, quy hoạch rõ ràng. Đối với việc xử lý các vi phạm trên đất nông nghiệp, cần có cái nhìn toàn cảnh, toàn diện.

“Hơn 2 tháng trước, tôi đã chỉ đạo Văn phòng UBND TP lập tổ công tác, bay flycam ở 6 huyện ven sông. Từ đó, gửi hình ảnh sai phạm cho lãnh đạo huyện, trong đó có cả sai phạm lấn chiếm, san lấp lòng sông”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thông tin.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, việc triển khai quy hoạch nông nghiệp trong quy hoạch chung của thành phố còn chưa rõ nét, chưa có các giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội đề nghị các đơn vị liên quan tập trung hoàn thành việc xây dựng quy hoạch thủ đô, trong đó đặc biệt quan tâm xác định phương án tổ chức khu vực nông thôn, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi để người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.