Đó là chia sẻ của ông Phạm Ngọc Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Greenpan trong cuộc trò chuyện với PV.VietNamNet khi nói về câu chuyện sản xuất xanh và không phát thải khí nhà kính cũng như những thách thức để có được đơn hàng xanh.
- Vì sao Greenpan lại chọn đi vào con đường sản xuất vật liệu xây dựng không nung, thưa ông?
Ông Phạm Ngọc Sơn:
Đó là câu chuyện về văn hóa kinh doanh và phụng sự xã hội rất xuyên suốt trong hành trình lựa chọn sứ mệnh của Greenpan Trước kia, công ty thường xuyên tổ chức các chuyến xuất ngoại cho anh em để tìm hiểu xu hướng thị trường cũng như các nhà máy sản xuất trên thế giới họ làm như thế nào. Bởi muốn bắt kịp thế giới mình phải đi theo xu thế chung.
Năm 2015, chúng tôi sang châu Âu – nơi phát triển công nghiệp rất lâu đời. Buổi sáng ngồi cà phê nhìn thấy đường phố của họ cây xanh tươi tốt khoẻ mạnh, anh em chúng tôi đều nghĩ “cây xanh như vậy chứng tỏ môi trường ở đây rất tốt. Cây cối sống khoẻ mạnh, chắc chắn con người cũng khoẻ mạnh rồi”.
Thời điểm họ phát triển công nghiệp cũng đi con đường như nước ta hiện nay. Sau một thời gian, họ nhận thấy nếu cứ khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vô tội vạ thì sẽ không còn gì để lại cho con cháu trong tương lai. Ngay bản thân mình cũng muốn con cái được sống trong môi trường an toàn, có cây sạch đẹp đẽ, toả bóng mát.
Từ mục tiêu bảo vệ môi trường sống, chúng tôi quyết định làm doanh nghiệp tiên phong đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng xanh - Panel PIR dù đòi hỏi một khoản chi phí đầu tư rất lớn.
Ngay lập tức, chúng tôi làm việc với các nhà sản xuất dây chuyền, đưa ra đề bài để họ làm với ý tưởng và công nghệ mà mình yêu cầu. Quá trình này mất khoảng 3 năm.
Tới tháng 6/2020, dây chuyền sản xuất được hoàn thiện và đi vào hoạt động cho ra lô hàng sản phẩm đầu tiên.
- Ở Việt Nam, thị trường vật liệu không nung còn rất mới. Ông cũng vừa chia sẻ phải đầu tư số tiền rất lớn để sản xuất xanh. Khi chọn con đường này, bản thân ông có sợ rủi ro?
Bản thân các anh em trong công ty đều xuất thân từ dân kỹ sư, muốn vừa làm kinh doanh vừa đóng góp được một phần nào đó cho xã hội, muốn môi trường sống của mình tốt hơn, đi con đường dài dù phải tốn nhiều thời gian và công sức.
Chúng tôi xác định mình chỉ là một doanh nghiệp trong hàng trăm nghìn doanh nghiệp ở Việt Nam. Nhưng với tiêu chí mỗi doanh nghiệp đóng góp một chút, mình cứ làm người đi đầu rồi tất cả mọi người sẽ chuyển đổi dần và tạo ra xu hướng mới của thị trường.
Còn với suy nghĩ chỉ đi làm kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận thì chọn những lĩnh vực khác. Nhưng ai cũng làm như vậy thì nước mình sẽ không thể bắt kịp xu thế chung trên thế giới.
Xuất phát từ những ý nghĩ như vậy nên chúng tôi phải kiên trì làm, quyết tâm làm bằng được. Chúng tôi đồng lòng khởi xướng chuyển đổi vật liệu xây dựng truyền thống (quá trình sản vật liệu xây dựng phát thải lượng CO2 rất lớn) sang vật liệu xây không nung Panel PIR.
Tới thời điểm này, mặc dù vất vả, giá trị đem lại không cao như kinh doanh những ngành nghề khác nhưng rất bền vững. Chúng tôi xác định cứ chịu khó làm, sau này sẽ gặt hái được kết quả tốt. Kết quả này không chỉ với riêng công ty mà còn góp một phần thay đổi nền sản xuất ở nước ta theo hướng “xanh hoá”, giảm phát thải khí nhà kính theo đúng lộ trình mà Chính phủ đã cam kết tại COP26.
- Sản xuất ra là một chuyện, nhưng làm thế nào để thuyết phục được khách hàng tin dùng sản phẩm xanh, thưa ông?
Đúng là sản phẩm này ở Việt Nam còn rất mới. Tuy nhiên, trên thế giới nó không mới, đặc biệt là ở các nước châu Âu, Mỹ. Thậm chí, ở Trung Quốc với số lượng nhà máy sản xuất lên tới con số hàng triệu, nguồn cung đất sét của họ không thể nào đủ để làm vật liệu xây dựng nên vật liệu xây dựng xanh trở thành lựa chọn ưu việt. Đây là xu hướng chung trên toàn cầu.
Với những dẫn chứng xác thực từ các quốc gia trên thế giới đã sử dụng nhiều năm, mình thuyết phục dần khách hàng để họ tin dùng. Đặc biệt, trước kia chúng ta phải nhập khẩu sản phẩm, giờ có hàng sản xuất nội địa đạt hều hết các tiêu chuẩn của thế giới FM, CE, UL… và giá thành chắc chắn sẽ tốt hơn hàng ngoại.
Song thành thật mà nói, thời gian đầu đi thuyết phục rất khó đấy. Bản thân tôi cũng phải tự đi gặp từng khách hàng để giải thích sao cho họ tin dùng sản phẩm của mình.
Nhiều khách hàng khi nghe giới thiệu quy mô dây chuyền sản xuất của Greenpan liền nghĩ giá thành chắc chắn sẽ rất cao. Lúc đó, chúng tôi phải chứng minh cho họ thấy điều ngược lại. Nếu so với xây tường gạch thì sản phẩm vật liệu xanh này rẻ hơn 20-30%. Thời gian thi công nhanh, khả năng tháo ghép di chuyển nhanh và gọn. Đặc biệt, với những nhà máy sản xuất liên quan đến môi trường lạnh, sản phẩm này còn giúp tiết kiệm điện hiệu quả, bởi khả năng cách nhiệt tốt hơn tường gạch.
Theo tính toán, với công nghệ 2bGP tạo ra vật liệu nhẹ không nung mà sản phẩm PIR của Greenpan cách nhiệt toàn mặt ngoài tòa nhà, giúp tiết kiệm chi phí tiêu thụ điện 50%.
Song, đó là với khách hàng xây dựng nhà máy. Còn khách hàng dân dụng đến nay vẫn chưa chấp nhận. Bởi, người Việt mình tâm lý chung khi xây nhà đều muốn để lại cho con, cho cháu nên chưa có thói quen sử dụng vật liệu xanh này.
Tấm panel có độ bền trên 30 năm, phù hợp với tất cả các loại hình thời tiết. Ở Úc và nhiều quốc gia khác người dân rất thích vật liệu này để làm nhà vì họ không muốn khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Do đó, họ ưu tiên chọn vật liệu xây dựng thân thiện môi trường.
Tại Vũng Tàu đã có một công ty làm sẵn mô hình nhà bằng vật liệu xây dựng Panel rồi đóng container xuất khẩu sang Úc.
- Sản phẩm mới thì cần công nghệ mới. Vậy với sản phẩm xanh thì việc đổi mới công nghệ và sáng tạo đóng vai trò như thế nào, thưa ông?
Đầu tiên phải xuất phát từ ý tưởng. Mình muốn bảo vệ môi trường thì tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh từ công nghệ cho đến năng lượng sử dụng đều phải xoay quanh trục đó. Theo đó, ngoài công nghệ, Greenpan còn sử dụng nguồn năng lượng sạch để làm sản phẩm xanh. Và trong quá trình vận hành phải đảm bảo tiêu chí xanh, hướng tới giá trị cốt lõi bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Ví như, thành phần cấu tạo panel được phối trộn 12 loại hoá chất. Trong đó, 50% là có nguồn gốc từ thực vật như đậu nành, dầu cọ… Quá trình sản xuất cũng như tái sử dụng khi tháo dỡ công trình, vật liệu không nung giúp giảm phế thải và góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Hiện nay, Greenpan đạt được chứng nhận của châu Âu, của Đức để xuất khẩu được vào thị trường châu Âu và Mỹ. Có chứng nhận này cũng đồng nghĩa được phép sử dụng trong xây dựng dân dụng vì đảm bảo an toàn.
Thế nên, Greenpan “xanh hoá” hoàn toàn. Từ nguyên vật liệu đầu vào cho tới đầu ra, đặc biệt trong quá trình sản xuất gần như không có phát thải khí nhà kính.
- Với mục tiêu phát thải ròng về 0 như cam kết của Chính phủ tại COP26 mở ra cơ hội gì cho Greenpan và sản phẩm xanh?
Chúng tôi chọn đầu tư theo hướng sản xuất xanh này vào trước thời điểm diễn ra COP26. Đây là xu thế chung của thế giới và sẽ là xu thế ở nước ta trong thời gian tới. Thế nên, tôi tâm niệm cứ làm thôi, phải chuyển đổi vì muốn đóng góp một phần vào sự phát triển của Việt Nam.
Sau này, Thủ tướng Chính Phủ đưa cam kết với lộ trình phát thải ròng về 0 vào năm 2050 đã trở thành động lực để doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi. Và khi đã trở thành xu hướng ở Việt Nam thì thị trường của sản phẩm xanh cũng sẽ phát triển theo. Đây chính là cơ hội lớn cho chúng tôi.
Tôi luôn tâm niệm cùng làm, cùng bám theo xu hướng chung của xã hội thì sẽ thu được thành quả. Không chỉ với doanh nghiệp mà ngay cả với người tiêu dùng cùng đang dần ý thức được phải bảo vệ môi trường, ưu tiên lựa chọn những sản phẩm xanh.
Thực tế đã chứng minh, “sản xuất xanh”, “Net Zero” hay “tiêu dùng xanh” trở thành xu hướng tất yếu ở nước ta hiện nay.
Mọi thói quen đều cần thời gian để điều chỉnh. Với mục tiêu cùng hướng tới nền xây dựng xanh và bền vững trong tương lai, một hành trình cải tiến từ ngay hôm nay là vô cùng cần thiết.
Chúng tôi luôn tâm niệm rằng xanh – sạch – bền vững không chỉ đơn thuần là lời nói mà còn phải là hành động để giảm thiểu tối đa những tác động xấu của ngành xây dựng lên môi trường, tài nguyên thiên nhiên và trên hết là sức khỏe con người. Điều này sẽ góp phần tạo nên sự phát triển bền vững cần thiết cho thế hệ tương lai.
Ảnh: Nguyễn Huế
Thiết kế: Vũ Minh Hoà