Việc các quốc gia quan tâm đến vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là dễ hiểu do thế giới ngày càng kết nối và phụ thuộc vào không gian mạng. Theo thống kê của Liên hợp quốc (LHQ), tính đến cuối năm 2021, có khoảng 4,9 tỷ người sử dụng Internet đang hoạt động trên toàn thế giới (63% dân số thế giới, tăng 17% so với năm 2019); ước tính sẽ có 28,5 tỷ thiết bị sẽ kết nối với Internet vào năm 2022, tăng 158% so với năm 2017.[3] Mỗi ngày đều có nhiều ứng dụng và dịch vụ mới ra đời. Các tiến bộ về khoa học công nghệ tiếp tục cách mạng hóa cuộc sống của con người theo hướng tiện ích, hiện đại hơn.

Đặc biệt, thế giới đang đứng trước những thay đổi quan trọng trên không gian mạng, trong đó có sự tiến bộ của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu (data analytics), điện toán đám mây (cloud computing) và 5G, sự gia tăng các rủi ro vật lý mạng trong Internet vạn vật (IoT), sự phổ biến của kết nối kỹ thuật số sau đại dịch và gia tăng căng thẳng trên không gian mạng.

Tội phạm trên không gian mạng diễn biến ngày càng phức tạp 

Ảnh minh họa

Không phải ngẫu nhiên mà Bà Izumi Nakamitsu, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), Đại diện cấp cao về các vấn đề giải trừ quân bị, người đứng đầu Cơ quan Giải trừ quân bị của Liên hợp quốc (ODA) phát biểu tại Hội đồng Bảo an LHQ rằng “chúng ta phải luôn cảnh giác” với các công nghệ độc hại mà “có thể ảnh hưởng đến an ninh của các thế hệ tương lai”. Bà Izumi Nakamitsu, nhấn mạnh: “Các công nghệ kỹ thuật số đang gây thêm căng thẳng cho các chuẩn mực luật pháp, nhân đạo và đạo đức hiện hành, không phổ biến vũ khí hạt nhân, ổn định, hòa bình và an ninh quốc tế”.

Kết nối nhiều hơn với tốc độ nhanh hơn cũng làm tăng rủi ro về quy mô và tác động của tội phạm mạng và các cuộc tấn công trên không gian mạng. Đồng thời, sự phát triển ngày càng nhanh, càng nhiều của các công nghệ kỹ thuật số đặt ra các yêu cầu mới, cần phải điều chỉnh các chuẩn mực, quy định hiện có về pháp luật, đạo đức, nhân đạo, không phổ biến vũ khí hạt nhân, an ninh, ổn định và hòa bình của thế giới. Đáng lưu ý là, những thách thức an ninh mạng đã trở thành một phần tất yếu của thế giới thực, không quốc gia nào có thể né tránh được.

Thời gian qua, tội phạm trên không gian mạng diễn biến ngày càng phức tạp cả về số lượng, quy mô và tính chất. Tội phạm sử dụng công nghệ cao xảy ra trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng…, trực tiếp đe dọa đến an ninh và lợi ích kinh tế quốc gia. Các đối tượng tội phạm đã sử dụng không gian mạng để tiến hành nhiều hoạt động nghiêm trọng như: chiếm dụng và sử dụng trái phép tài nguyên máy tính (hacking), giám sát bất hợp pháp, tấn công mạng tống tiền, ấu dâm, lấy cắp thông tin bí mật công nghệ, bí mật quốc gia…[7] Đáng lo ngại là sự phát triển bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số trên khắp thế giới cũng tạo ra nhiều lĩnh vực tiềm năng mới cho xung đột và khả năng các tác nhân nhà nước và phi nhà nước thực hiện các cuộc tấn công xuyên biên giới quốc tế. Những khó khăn liên quan đến yếu tố chính trị và công nghệ trong việc quy kết trách nhiệm các cuộc tấn công trên không gian mạng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, trong đó có các cuộc tấn công đáp trả quân sự và căng thẳng địa chính trị không mong muốn.

Theo Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL), tội phạm sử dụng công nghệ cao chỉ đứng sau tội phạm khủng bố về mức độ nguy hiểm. Theo một thống kê, 90% tội phạm truyền thống đã chuyển sang môi trường mạng hoặc có sử dụng các thiết bị công nghệ cao để tiến hành các hành vi vi phạm pháp luật. Một nghiên cứu gần đây do công ty quốc tế KPMG tiến hành cho thấy 18% giám đốc điều hành (CEO) trong tổng số 500 CEO cho biết rủi ro an ninh mạng sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phát triển doanh nghiệp của họ trong 03 năm tới.

Theo Bà Izumi Nakamitsu, thời gian qua thế giới chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các sự cố độc hại dưới nhiều hinh thức khác nhau như các chiến dịch cung cấp thông tin sai lệch đến sự gián đoạn của các mạng máy tính; từ đó làm giảm lòng tin giữa các quốc gia. Các cuộc tấn công lại nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của ngành tài chính, cơ sở chăm sóc sức khỏe, mạng lưới điện và các cơ sở hạt nhân… gây ra những tác động mạnh mẽ, phức tạp, ngày càng tăng và khó đoán định là đối với an ninh con người.

Bà Izumi Nakamitsu nhận định, các xu hướng tiêu cực trên không gian mạng có thể gây phương hại đến hòa bình, an ninh quốc tế, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cản trở việc thụ hưởng đầy đủ quyền con người và các quyền tự do cơ bản khác. Do đó, Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng bảo an LHQ nói riêng cần phải dành nhiều quan tâm, xử lý các xu hướng tiêu cực trên không gian mạng, không để ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh thế giới.

Đáng tiếc là cộng đồng quốc tế vẫn chưa đạt được thống nhất cách hiểu về các vấn đề rất cơ bản như không an mạng, an ninh mạng, chứ chưa nói đến chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Điều này cản trở nỗ lực quốc tế để phòng ngừa và đấu tranh chống lại các thách thức an ninh trên không gian mạng.

Tại cuộc thảo luận mở của Hội đồng bảo an LHQ (UNSC) hồi giữa năm ngoái, lãnh đạo các chính phủ, bộ trưởng và quan chức cấp cao của 15 nước thuộc UNSC nhấn mạnh rằng không gian mạng cũng chịu sự điều chỉnh của luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ và nguyên tắc chủ quyền quốc gia.

Bởi vậy, Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã nhấn mạnh, “các quốc gia có quyền tối cao, tuyệt đối, an toàn và riêng biệt đối với phạm vi không gian mạng thuộc quyền kiểm soát của mình, tức là có chủ quyền quốc gia trên không gian mạng [như chủ quyền lãnh thổ]; việc xác định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là quyền kiểm soát, chi phối trên cơ sở chủ quyền, lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế.

Thực chất việc quốc gia xác lập chủ quyền không gian mạng là xác lập quyền quản lý, kiểm soát đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng và thông tin được tạo ra, lưu trữ, xử lý và truyền đưa trên đó, được thực hiện thông qua xác lập chủ quyền, quyền tài phán theo luật pháp quốc tế đối với cơ sở hạ tầng mạng thuộc sở hữu cả ở trong và ngoài lãnh thổ quốc gia; đồng thời mã hóa thông tin số truyền đưa trên không gian mạng toàn cầu”.

An toàn, an ninh mạng đã được xác định trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030

Thời gian qua, Việt Nam đã thể hiện vai trò tích cực, sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm xây dựng môi trường không gian mạng hòa bình, ổn định, an toàn, vì người dân và phát triển bền vững. Điều này xuất phát từ nhu cầu quốc gia và chủ trương tăng cường và nâng tầm ngoại giao đa phương, cụ thể là tham gia xây dựng và định hình luật chơi, tham gia thúc đẩy các tiến trình, các thể chế đa phương.

Bắt kịp xu thế của thời đại, Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số. Đảng, Nhà nước đã có các chủ trương, chính sách liên quan đến chuyển đổi số quốc gia.

Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo an toàn, an ninh mạng quốc gia.

Hồi đầu năm nay, tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo An toàn, an ninh mạng quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bảo đảm an toàn, an ninh mạng đã được xác định trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Trong quá trình hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu sắc tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội nói chung và lĩnh vực an toàn, an ninh mạng quốc gia.

Thời gian qua, tình hình an toàn, an ninh mạng diễn biến phức tạp trên không gian mạng toàn cầu, khó kiểm soát, khó dự báo, tác động ngày càng sâu sắc tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, chủ quyền, an ninh quốc gia của các nước và tâm lý, nhận thức của người dân.

Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với công tác bảo vệ an toàn, an ninh mạng, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, như Nghị quyết số 29 ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Nghị quyết số 30 ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 18/10/2019 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị...

Kiên Trung, Hoàng Giang, Lương Bằng