Dịp Tết vừa qua, một người phụ nữ ở Hồ Bắc (Trung Quốc) vì phải làm lụng nhiều nên cảm thấy rất mệt mỏi. Hôm đó, chồng cô nói có vài người thân đến nhà chúc Tết nên yêu cầu vợ đi nấu ăn. Nghe vậy người vợ rất tức giận vì cô định chỉ ăn đơn giản rồi nghỉ ngơi sau mấy ngày mệt mỏi.

Cô bàn với chồng: "Hay là cứ mua tạm đồ ăn sẵn hoặc ra nhà hàng. Đừng nấu nướng gì nữa, em mệt quá". 

"Sao lúc nào cũng kêu mệt thế, cô chỉ lười thôi. Người thân đến nhà mà không nấu lại mời họ ra hàng hay mua thức ăn sẵn thì chả phải coi thường họ sao? Rồi họ sẽ bỏ về hết cho mà xem. Chuẩn bị mà nấu nướng đi, tôi đói bụng rồi", anh chồng nói, thông tin từ 163

anhdd.jpg
Người vợ bực tức khi bị chồng yêu cầu nấu cơm

Vì chồng thúc giục nên người vợ buộc phải vào bếp. Nhưng khi nhìn thấy đống bát đũa từ sáng chưa rửa, xếp chồng lên nhau, cô cảm thấy phẫn uất vô cùng. Trong bếp lại không có đồ ăn sẵn. Muốn nấu nướng, cô phải ra chợ nhưng vậy thì quá muộn. Còn cả đống bát đũa đang chờ cô mà chồng cũng không hỗ trợ. 

Lúc cô định dồn hết bát đũa bẩn vào rửa thì cơn thịnh nộ bỗng nổi lên. Người phụ nữ không giữ được tâm trạng, lập tức gạt hết bát đũa trên bếp xuống đất, đập hết nồi niêu xoong chảo. Cảm xúc bức bối khó tả khiến cô không thể nào giữ được bình tĩnh. 

Người chồng nghe thấy tiếng động thì tới cửa bếp nhìn. Thấy dưới đất là một đống bừa bộn, anh cũng không tới giúp, còn chụp ảnh đăng lên mạng kèm theo lời lẽ chê bai vợ.

Sau khi trút giận, nhìn căn bếp bừa bộn, người phụ nữ không kìm được cảm xúc, ngồi xuống gục đầu khóc òa. Cô biết sau tất cả, mình vẫn là người phải dọn dẹp đống lộn xộn này. Cô cũng phải bỏ tiền ra mua bát đũa đã làm vỡ. Nghĩ đến những việc đó, cô tủi thân, cảm thấy mình không khác gì bảo mẫu cho gia đình này.

Câu chuyện sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Đa số đứng về phía người vợ và cho rằng anh chồng không tâm lý, không hiểu phụ nữ. 

nau an.jpg
Người vợ nhận ra, mình cũng sẽ là người phải dọn và mua bát đũa mới. Ảnh 163

"Anh phải hỏi xem vợ có mệt không, có muốn nấu không sau những ngày vất vả? Anh chỉ biết áp đặt, nhìn đống bừa bộn cũng không bận tâm hỏi han vợ thì đâu xứng làm chồng? Người chồng như vậy không thể khiến vợ hạnh phúc được, phải xem xét lại cuộc hôn nhân này cô gái ạ", một người bình luận.

"Việc nhà là việc chung, nếu chồng không thạo nấu nướng, anh ta có thể cùng vợ chia sẻ việc lặt vặt hoặc đi chợ, dọn dẹp giúp vợ.  Người thân đến nhà ăn thì đâu cần khách sáo, đơn giản, tình cảm là được. Anh ép vợ như vậy là quá đáng. Vợ anh có lẽ quá mệt mỏi nên mới phản ứng như vậy", người khác viết. 

Câu chuyện của cặp vợ chồng này khiến nhiều người phải suy nghĩ về vấn đề thương lượng ai là người làm việc nhà sau kết hôn. Thông thường người ta cho rằng đàn ông đi làm bên ngoài, phụ nữ làm việc nhà nên về cơ bản, mọi việc trong nhà nhất là nấu nướng, người vợ sẽ đảm đương.

Nhưng hiện nay, tư tưởng này đã có nhiều thay đổi. Trong gia đình, cả vợ và chồng đều chung sức đồng lòng, cùng nhau làm việc nhà, cùng nhau lo cơm nước. Phụ nữ cũng không còn cảm thấy mình có nghĩa vụ làm việc nhà một mình nữa.

Việc nhà là việc nhỏ, quan trọng là vợ chồng phải biết quan tâm đến nhau. Một cuộc hôn nhân tốt đẹp là cuộc hôn nhân mà vợ chồng phải hiểu, chia sẻ, nhìn thấy sự nỗ lực, cống hiến của đối phương chứ không nên coi mọi thứ là đương nhiên.

Suy cho cùng, hôn nhân không phải là chuyện của một người mà là hành trình cả hai cùng nhau nỗ lực, hỗ trợ, sẻ chia.