Xem clip:

Sinh ra và lớn lên tại xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành (Tiền Giang), anh Trần Hữu Vinh (29 tuổi) tốt nghiệp đại học, có bằng kỹ sư xây dựng. Hữu Vinh có công việc ổn định, với mức lương khá cao khi làm kỹ sư công trình xây ở TP.HCM.

Có niềm đam mê chơi chim cảnh từ nhỏ nên trong một dịp tình cờ tiếp xúc với chim chào mào đột biến, chàng trai miền Tây lập tức mê đắm.

Những chú chim chào mào đột biến trong trang trại của Vinh. 

“Nuôi chim chào mào đột biến vừa thỏa mãn niềm đam mê, vừa có cơ hội phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập nên năm 2019 tôi quyết định nghỉ việc ở TP.HCM để về Tiền Giang khởi nghiệp với nghề này”, Vinh kể. 

Theo đánh giá của giới chơi chim cảnh, trang trại chim chào mào đột biến của Vinh là một trong những trại đầu tiên và quy mô thuộc hàng lớn nhất miền Tây. Trang trại này rộng hơn 1.500m2. 

Hữu Vinh kể, ban đầu anh bỏ ra hơn 600 triệu đồng để mua 20 cặp chim chào mào đột biến giống, chủ yếu chim có lông màu trắng hoặc vàng nhạt, đẹp mắt và giá trị cao. “Chim chào mào đột biến là loài rất quý hiếm, ngoài tự nhiên rất khó tìm thấy”, anh Vinh nói. 

Chàng trai Trần Hữu Vinh, người sở hữu trang trại chim chào mào đột biến lớn nhất miền Tây hiện nay. 

Sau 3 năm săn lùng và lai tạo, anh Vinh đã có hàng trăm chú chim chào mào đột biến quý hiếm thuộc nhiều loài khác nhau. Trong đó, Vinh có gần 120 cặp chim chào mào đột biến bố mẹ đang sinh sản. 

“Hiện tôi đang nuôi các loài chim chào mào đột biến như: chào mào bạch tạng, xám trắng, xám nhạt; chào mào Indo; chào mào Indo lai bạch tạng… Tất cả đều thuộc hàng cực quý hiếm”, anh Vinh nói. 

Theo Vinh, chim chào mào đột biến có hình bộ rất đẹp, rất lạ, giọng hót hay. “Chim chào mào thì có nhiều yếu tố để đánh giá như màu sắc đột biến, dáng bộ, đấu hót… nhưng quý nhất nằm ở màu sắc. Màu càng đẹp, càng quý thì giá trị chú chim càng cao”, Vinh nói. 

Hai chú chào mào đột biến gây ấn tượng bởi bộ lông trắng muốt
Hiện trong trại của Vinh có nhiều giống chào mào khác nhau. 

Vinh nói thêm, chuồng nuôi chim chào mào đột biến chia thành 2 loại, một bằng lưới thép để nhốt chim trưởng thành, được đặt ở nơi thoáng mát, đầy đủ gió, ánh sáng. Trong chuồng có khay thức ăn, chậu nước cho chim tắm và những sào ngang dọc cho chim đậu.

Chuồng thứ hai là chuồng gạch, xây thành các ô có chiều rộng khoảng 1,2m, dài 2,5m và cao khoảng 3m; mái và cửa làm từ lưới thép để thông gió. Trong các chuồng này  một con trống, một con mái để sinh sản. Trong chuồng ngoài cành cây cho chim đậu, chậu nước và khay thức ăn, Vinh bố trí thêm tổ chim làm sẵn…, và tất cả được theo dõi bằng camera. 

Chàng trai này nói thêm, chim chào mào đột biến nuôi từ 8 -10 tháng là chúng bắt đầu sinh sản; mỗi năm cặp chim đẻ từ 5-10 lứa (tùy vào điều kiện chăm sóc, nuôi nhốt); mỗi lứa đẻ từ 2-3 trứng, cá biệt có nhiều trường hợp đẻ 4 trứng. 

Chim chào mào bố mẹ được Vinh nuôi riêng từng cặp. 
Trứng chim mào đột biến trong trại của Vinh. 

Chim chào mào đột biến chủ yếu chỉ ăn sâu, cám, cào cào, trái cây như: chuối, đu đủ… “Giá trung bình mỗi cặp chào chào đột biến tôi bán ra thị trường từ 30 -70 triệu đồng/cặp; Ngoài ra, trong trại tôi cũng có những con chim chào mào đột biến giá trị hơn 200 triệu đồng”. nh Vinh tiết lộ và nói, tổng giá trị trại chim chào mào đột biến của mình là hơn 7 tỷ đồng.

“Với hơn 100 chuồng chim chào mào đột biến đang cho sinh sản, tôi có doanh thu hàng năm đạt khoảng 3 tỷ đồng”, Vinh nói. 

Anh Vinh tiết lộ khâu quan trọng nhất  trong nuôi chim chào mào đột biến là phải theo dõi chim sinh sản để chăm sóc con non. “Vì là chim đột biến nên vấn đề sức khỏe của chim con phải được theo dõi sát sao", anh Vinh nói.

Vinh đánh giá thị trường chim chào mào đột biến đang rất sôi động nên sắp tới mở rộng quy mô nuôi và liên kết với anh em trong giới mở thêm nhiều trại, chi nhánh nuôi, để có thêm thu nhập.