Vừa trở về sau một chuyến công tác tại Quảng Nam, Hoàng Hoa Trung (SN 1990, Hà Nội) cho biết: ‘Chúng tôi đang thực hiện dự án Nuôi em ở huyện Nam Trà My với 500 em sẽ được ăn bữa trưa miễn phí tại trường’.
Dự án nuôi cơm trưa cho các học sinh vùng cao được khởi động từ năm 2013. Năm đầu tiên, nhóm tình nguyện của Trung chỉ huy động tiền nuôi được 50 em. Nhưng đến nay con số trên đã lên tới 12.000 em.
Dự án của anh bắt đầu từ những lý do đặc biệt…
Đường lên núi
Hoàng Hoa Trung làm tình nguyện từ năm 18 tuổi. Dự án đầu tiên, anh tham gia cùng một nhóm thiện nguyện giúp những người khuyết tật làm thiệp để bán. Tháng lương đầu tiên, có người khuyết tật bị câm, điếc đã đủ tiền mua một chiếc điện thoại ‘cục gạch’ nhắn tin về cho cha mẹ.
Tuy nhiên thực hiện dự án trong 5 năm cùng 20 tình nguyện viên, anh chỉ giúp được 30 người. Cảm thấy hoạt động của mình chưa hiệu quả, Trung nghĩ đến một hướng đi khác. Năm 2009, anh quyết định ‘lên núi’, tập trung từ thiện ở các vùng cao.
Hoàng Hoa Trung. |
‘Chúng tôi muốn xây trường học thay thế cho các ngôi trường bằng tre nứa, tuy nhiên đủ tiền xây là một chuyện không hề dễ.
Năm 2013, bằng cách kêu gọi góp gạch xây trường chúng tôi quyên góp được 60 triệu đồng. Một trường mầm non ủng hộ 100 triệu và sự trợ giúp của bộ đội biên phòng, ngôi trường đầu tiên trị giá 160 triệu đồng đã hoàn thành ở Lai Châu”.
Với những điểm chưa xây được trường mới, anh thực hiện dự án Dũng Sĩ Bạt cung cấp bạt miễn phí để quây điểm trường, tạo 'lớp học kín gió' cho các em.
Hiện, 21 điểm trường đã và đang được xây dựng tại Điện Biên và Lai Châu và 20 điểm trường đã được quây bạt.
Nhưng sau khi xây trường, một vấn đề nảy sinh khiến Trung phải suy nghĩ đó là nhiều em không đi học vì quá đói. Trung đã đi theo một số em, thấy các em vào rừng đào măng kiếm ăn và không quay lại trường học vì quá mệt, đói.
Anh lại tìm cách lo bữa trưa cho chúng và dự án ‘Nuôi em' ra đời từ đó. Anh kêu gọi mỗi người nuôi một bé. Kinh phí để nuôi một bé là 150 nghìn đồng/tháng. Mỗi bữa, các em sẽ được ăn thịt, đậu, canh, rau với giá 8.500đ/suất.
Chàng trai Hà Nội trong một lần đi thực hiện dự án tại vùng cao. |
‘Khi được nuôi cơm trưa, số học sinh đi học tăng vọt khiến thầy cô và nhóm tình nguyện hạnh phúc vô cùng. Hiện tại dự án đã triển khai tại 6 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Thanh Hoá, Quảng Nam, Nghệ An với hơn 12.000 bé được nhận nuôi’, Trung chia sẻ.
Số tiền các cá nhân đóng góp để 'Nuôi em' dư ra vì có những ngày nghỉ, ngày lễ Tết, nhóm đề nghị trích ra mua máy lọc nước và mua đệm, chăn cho các em.
Trung còn tìm cách vận động và gây quỹ để tặng mỗi điểm trường chưa có điện một máy năng lượng gió mặt trời. Những chiếc máy này có thể phát điện và cắm pin sạc.Từ đó, các thầy cô và dân bản thay vì đi nhiều cây số ra thị trấn sạc điện, giờ họ chỉ việc lên trường để dùng.
‘Trung đồng nát’
Đó là biệt danh người ta gọi Trung khi thấy anh có nghề nhặt đồ phế thải đi bán, kiếm tiền làm từ thiện.
Đó là những ngày cận Tết, xuống làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), thấy người ta vứt nhiều đồ gốm (lỗi mốt, cũ hỏng…) anh xin mang về và bán lại. Với giá 10 -15 nghìn/sản phẩm, anh thu được 60 triệu đồng cho quỹ từ thiện.
Đó cũng là những ngày anh ra công viên, đến từng thùng rác, gõ cửa từng kí túc xá để xin giấy cũ, sách báo sau đó đem bán, gây quỹ.
'Các em chưa có trường, nhóm sẽ xây trường. Các em thiếu cái ăn chúng tôi sẽ thực hiện dự án 'Nuôi em'. Các em thiếu nước sạch, chúng tôi mua lọc nước... để đảm bảo cho các em được đến trường'. |
Trung còn kiếm tiền bằng cách đào đất phù sa ở bãi Sông Hồng.
‘Tôi nhớ nhất một hôm mưa, có khách ở Tây Hồ mua đất trồng cây. Chiếc xe máy cà tàng của tôi chở 4 bao đất lớn, trời mưa nước ngấm vào đất nặng kinh khủng, tôi vẫn cố chạy. Chuyến đó, tôi thu được 300 nghìn.
Chúng tôi còn bán bảo hiểm xe máy, xin quần áo cũ, nhặt phân bò khô bán lại ...để kiếm tiền gây quỹ’.
9X đang nỗ lực từng ngày vì đam mê làm từ thiện một cách thiết thực và chuyên nghiệp. |
Quan điểm làm từ thiện của Trung là tập trung tại một địa điểm, không dàn trải. Ở mỗi địa điểm này, anh xây dựng một hệ sinh thái. Cụ thể, nhóm của anh xây trường cho các em, nuôi em cơm trưa, mua hệ thống lọc nước sạch… Anh còn thực hiện dự án ‘Đi ra từ rừng’ bán nông sản cho bà con và tạo điều kiện cho các thầy cô kiếm thêm thu nhập.
Hơn 10 năm làm tình nguyện, Trung chia sẻ mình làm vì đam mê và không được gia đình ủng hộ. ‘Bố mẹ lo lắng cho sức khỏe và cũng rất mong tôi ổn định chuyện gia đình nhưng tôi vẫn muốn làm, đến lúc nào không ai cần nữa, chúng tôi mới dừng chân’, chàng trai sinh năm 1990 nói.
Tái chế vải khách sạn 5 sao thành quà ý nghĩa cho trẻ em nghèo
Chị Đinh Phương Nga - điều phối viên của chương trình ‘Linens for Life’ (Vải cho cuộc sống) chia sẻ: ‘Đây là dự án mà một mũi tên trúng 3 đích’.
Ngọc Trang