-Duyên nghiệp viết lách đến với ông thế nào khi thời trẻ, chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Tiến có ý định vào trường ĐH Xây dựng và sau này ông cũng theo học khoa Lý luận - Biên kịch của ĐH Sân khấu - Điện ảnh?
Theo quan điểm của tôi, ai muốn theo nghề viết cần năng khiếu hoặc rèn luyện để thành kỹ năng. Với tôi, chắc là nhờ chút năng khiếu - nhưng yếu tố đó chỉ giúp ta biết cách viết, biết dùng từ, câu cú không ngớ ngẩn còn muốn có tác phẩm hay phải dựa vào tài năng. Tôi thiếu tài năng nhưng thừa chăm chỉ. Vì muốn những thứ mình viết ra sống lâu hơn nên chọn kiểu viết, nói như Khổng Tử là “thuật nhi bất tác” - chỉ kể và không bình, bình như thế nào là do bạn đọc. Tuy nhiên, việc chọn đưa cái gì, không đưa chuyện gì cũng mang ý đồ cá nhân.
Thực ra tôi đã thi đỗ vào ĐH Xây dựng nhưng khi đó ngoài đủ điểm thì đạo đức là tiêu chuẩn thứ hai, trong khi tôi chưa được kết nạp Đoàn chỉ vì những trò nghịch ngợm lúc còn học sinh.
Tôi thi vào ĐH Xây dựng chỉ vì câu thơ của Ngô Quân Miện: “Anh đi xây dựng những công trình/ Mùa lại qua mùa ngủ lán tranh/ Những lúc tường cao gạch ngói đỏ/ Là lúc ba lô lại khởi hành”. Thời ấy, tôi cũng lãng mạn và lý tưởng ra trò đấy!
Khi ra quân, cuộc sống thời kỳ bao cấp khó khăn, tôi tạm gác sự nghiệp học hành và làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam. Nhưng năm đó ĐH Sân khấu -Điện ảnh Hà Nội tuyển sinh nhiều ngành, xét thấy mình hợp với chữ nghĩa hơn thế là thi và may mắn đỗ.
- Hành trang cậu tân binh của Sư đoàn 308 mang theo vào chiến trường biên giới Tây Nam, hay những đợt truy kích tàn quân Pol Pot trên đất nước Chùa Tháp có cả những cuốn sách đúng không ạ?
Khi tôi từ Sư đoàn 308 bổ sung vào Quân khu 7 chiến đấu ở biên giới Tây Nam năm 1978, trong ba lô đúng là mang nhiều sách. Đó là sách học tiếng Anh, sách văn học lớp 10, có cả các tiểu thuyết: Tội ác và trừng phạt, Sông Đông êm đềm, Thằng gù nhà thờ Đức Bà… Mục đích là tranh thủ ôn tập, khi ra quân có kiến thức thi đại học. Cũng nhờ vậy mà lúc thi ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, tôi không tốn quá nhiều công sức.
Đại đội phó của tôi khi đó là chuẩn úy Bùi Xuân Xứng rất ngạc nhiên về một thằng lính đi đánh nhau, sống nay mai chết còn ôm khư khư mấy cuốn sách. Hiện anh Xứng ở miền Nam, thỉnh thoảng gọi điện vẫn nhắc lại chuyện tôi đọc sách khi đang trên chốt.
- Ông cùng đồng nghiệp từng thực hiện loạt bài phóng sự điều tra chống tiêu cực hay cổ vũ sự nghiệp đổi mới đất nước, phát triển Thủ đô. Có kỷ niệm nào ấn tượng đặc biệt với nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến?
Trong mấy chục năm làm báo, giai đoạn làm phóng viên, biên tập viên ấn phẩm Hà Nội Mới Chủ nhật cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Được làm nghề với lòng tự trọng, được viết vượt trần, được thể hiện trách nhiệm của người cầm bút. Khi điều tra các vụ tiêu cực, hì hục viết, bài in ra mà vừa vui vừa buồn, vui vì mình làm được một việc có ích cho cộng đồng nhưng buồn vì sao xã hội nhiều cán bộ tha hóa thế.
Có những lần đơn vị bị phê phán lên tận Ban gây sự. Tôi còn nhớ bài Làng Vũ Đại ở Sóc Sơn phản ánh về cái nghèo ở vùng đất gò đồi ngoại thành nhưng bị huyện Sóc Sơn kiện lên Thành ủy; lúc viết bài về sân golf ở Đông Anh cũng bị những người chống phá dự án bắt nhốt… Sau tất cả, chúng tôi vẫn tự hào là luôn giữ vững tâm sáng và ngòi bút ngay thẳng.
- Là tác giả của hàng trăm bài báo, những cuốn khảo cứu, tiểu thuyết về Thủ đô... công chúng luôn nhớ đến ông là một tác giả thấm đẫm chất Hà thành trong cốt cách, tâm hồn và nếp sống thường nhật. Ông cảm thấy như thế nào về điều này?
Tôi sinh ra ở Hà Nội, lớn lên ở Hà Nội, từ bé đến lớn bị “lụt” trong văn hóa, lối sống Hà Nội nên chỉ cần viết nguyên như vậy, không tán tỉnh, không tô hồng.
Thế nhưng, đến hôm nay nhìn những hiện tượng không mang tính phổ biến kiểu “bún mắng”, “cháo chửi”, nhiều ý kiến cho rằng dân Thủ đô đang “kiễng chân” để gắng sống hơn người… tôi không tranh biện, chỉ dẫn ra nhận định của vua Tự Đức chép trong Đại Nam Thực Lục: “Hà Nội kiêu bạc, xa xỉ, phóng đãng (thích tự do)”.
Dù bây giờ có đôi chút “xuống cấp” nhưng lối sống thiện lương của người Hà Nội vẫn như dòng hải lưu ấm chảy dưới lớp băng lạnh giá của thời cuộc.
- Góc nhìn của ông về Hà Nội có phải là không gian đa chiều bao quát từ lịch sử, địa lý, văn hoá. Nhưng trên hết là chiều của cảm xúc với từng con người sống động như chị công nhân mấy chục năm trông coi đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Bờ Hồ, ông hát xẩm, bà bán hàng rong... Vì sao ông chọn cách viết này?
Tôi ưu ái đề tài thị dân vì họ vất vả, chịu thương chịu khó nhất trong các tầng lớp xã hội, chính họ làm nên linh hồn một đô thị. Khi tham dự cuộc thi Vì tình yêu Hà Nội, ban giám khảo nhận xét: “Đi ngang Hà Nội, Đi dọc Hà Nội của Nguyễn Ngọc Tiến đã mở ra hướng ghi chép, khảo cứu độc đáo về cuộc sống thường ngày của người Hà Nội”. Tôi thấy mình đi đúng hướng.
-Đất và người trong các tác phẩm của ông đã tái hiện một Hà Nội giao thời giữa cổ kính và hiện đại với những gam màu gần như đối nghịch. Ông có ấp ủ viết những tác phẩm về ngoại ô Hà Nội?
Tôi sinh ra ở làng ven đô. Người ngoại ô có sự mộc mạc của dân quê nhưng vì hàng ngày vào phố thị làm việc, buôn bán nên cũng ảnh hưởng nét thanh lịch, tinh tế. Những thức quà đã mất tích như: giò Chèm, nem Vẽ, giò lụa Văn Điển, bánh đúc rưới mỡ… hoặc một số món vẫn còn được yêu thích hiện giờ như: bún ốc nguội, bún ốc chan, bánh cuốn Thanh Trì, đậu phụ Mơ… đều có xuất xứ từ ngoại ô.
Nhưng một ngày đẹp trời, vùng ngoại ô lên phố. Vườn không còn, nhà san sát, đường làng thành phố xá, không có vỉa hè, thiếu cây xanh. Hội làng không mất nhưng chẳng vui. Tôi đã viết nhiều bài lẻ về ngoại ô một thời, bình yên và nghĩa tình, đồng thời tập hợp tư liệu viết cuốn Thương nhớ ngoại ô, mong là sớm ra mắt bạn đọc.
-Bước chân dọc ngang vòng quanh Hà Nội với chất chứa cảm xúc trong tim và lắng nghe hơi thở của thời cuộc, nhà văn - nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến luôn chọn lối đi riêng với những khám phá thú vị. Ông có thể tiết lộ về những người bạn đồng hành cùng mình không?
Từ thế kỷ 17 cho đến nửa đầu thế kỷ 20, người Phương Tây đã viết vài trăm cuốn về Thăng Long - Hà Nội. Với các trí thức Nho giáo thời phong kiến, những cuốn sách hay nhất cũng viết về Thăng Long.
Ngày hôm nay vẫn có nhiều cây bút viết về Hà Nội với đủ thể loại, góc nhìn khác nhau. Một số tác giả có nhiều ấn phẩm đã xuất bản là nhà văn - họa sĩ Đỗ Phấn, nhà văn Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý… Họ là những người bạn của tôi. Tôi tin trong tương lai sẽ có thêm các tác giả trẻ tiếp tục khai thác đề tài Hà Nội mới mẻ và hấp dẫn.
Nhà báo - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến sinh năm 1958 tại làng Vọng (nay thuộc phường Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội). Ông là tác giả tác phẩm 5678 bước chân quanh Hồ Gươm, Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội, Đi xuyên Hà Nội cùng các tiểu thuyết Lính Hà, Mong manh, Me Tư Hồng... Trong đó, Đi ngang Hà Nội và Đi dọc Hà Nội từng được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái về Tình yêu Hà Nội 2012 và Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hà Nội 2012. |