Nhận định trên được Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DTT Nguyễn Thế Trung, chuyên gia đang tham gia các dự án xây dựng Chính phủ điện tử, Hệ sinh thái Việt số hóa đưa ra trong trao đổi tại hội nghị “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” được Bộ KH&CN, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế (IDIA) đồng tổ chức tại Hà Nội vào ngày 15/5/2019.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” (Nguồn ảnh: Chinhphu.vn) |
Là sự kiện nằm trong khuôn khổ “Tuần lễ Đổi mới sáng tạo” diễn ra từ ngày 13-17/5 tại Hà Nội, hướng đến mục tiêu tìm hiểu về các công cụ, công nghệ và xu hướng khác nhau liên quan đến cuộc cách mạng 4.0, các rủi ro hoặc lợi ích tiềm năng của chúng đối với sự bình đẳng, sự bao trùm và các kết quả phát triển ở Việt Nam và một số nước khác, hội nghị “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành, doanh nghiệp, chuyên gia cấp cao quốc tế.
Công nghệ Chính phủ điện tử được làm chủ bởi người Việt
Chia sẻ tại phiên thảo luận về thách thức và kiến nghị đối với Việt Nam của hội nghị, ông Nguyễn Thế Trung cho hay, là người đứng đầu một doanh nghiệp hoàn toàn tư nhân, chỉ có khoảng 200 nhân sự, nhưng ông đã có quá trình được tham dự vào các vấn đề khoa học công nghệ trong suốt 15 năm vừa qua.
“Từ cách đây khoảng 15 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có thể đã nhìn ra một lời giải rằng “Cải cách hành chính chính là con đường để phát triển đất nước”. Sau đó, việc này được hiện thực hóa bằng giải pháp Chính phủ điện tử và gần đây nhất giải pháp Chính phủ điện tử được làm chủ bởi người Việt”, ông Trung nói.
Lý giải rõ hơn cho nhận định của mình về việc công nghệ Chính phủ điện tử, Chính phủ số hiện đã được làm chủ bởi người Việt, ông Trung cho biết, hiện giờ, tất cả những công ty làm Chính phủ điện tử đều là công ty Việt Nam, cơ bản sử dụng công nghệ mở và phát triển các giải pháp.
“Như vậy, sau 15 năm bằng năng lực và đã có những thăng trầm rất lớn, Việt Nam chúng ta đã làm chủ được một công nghệ có lẽ hiện giờ với thế giới không phải là quá phức tạp nhưng rất quan trọng, đó là công nghệ Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Quá trình đó cũng đã tạo ra nhiều việc làm cho các doanh nghiệp”, ông Trung nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DTT (Ảnh: XĐ) |
"Đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng nhất"
Cũng theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Trung, trong thời gian tới, chính yếu tố đổi mới sáng tạo sẽ giải quyết các bài toán của Việt Nam. Thế giới đã nhất trí sáng tạo mở là giải pháp để tất cả các bên có thể tham gia.
Theo vị chuyên gia này, để làm điều đó, Chính phủ cần chú trọng 2 chỉ số quan trọng. Đầu tiên là tạo ra công ăn việc làm nhờ tạo ra công nghệ mới, tránh mất nhân tài. Điều này phải đi qua các doanh nghiệp tư nhân bởi đây là bộ phận tạo ra phần lớn việc làm cho thị trường. Thứ hai là các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các ngành.
Chuyên gia Nguyễn Thế Trung cho biết thêm, hiện nay giải pháp sáng tạo mở được thực hiện thí điểm trong Đề án Tri thức Việt số hóa.
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế xã hội, người đứng đầu Công ty Công nghệ DTT chia sẻ: “Doanh nghiệp chúng tôi nhìn rất rõ về con số, chúng tôi lượng hóa được tại sao đổi mới sáng tạo có giá trị”.
Vị chuyên gia phân tích, theo nghiên cứu, hiện nay khi làm ra một sản phẩm, chúng ta sẽ chia 3 phần giá trị sản phẩm cho những nhà đầu tư tài chính, cho người có công cụ và cho người lao động. Tuy nhiên, theo tất cả dự báo và hiện giờ một số ngành đã thấy rất rõ rằng, phần công cụ sản xuất sẽ càng ngày càng chiếm nhiều giá trị, vì công cụ sản xuất sau này sẽ được tự động hóa, thông minh hóa, là robot, là các công nghệ 4.0. Như vậy, khi chúng ta làm ra 1 đồng, khả năng là chúng ta sẽ phải trả 70% cho công cụ sản xuất và người lao động sẽ chỉ còn giữ lại được 15%, tương tự nhà đầu tư cũng chỉ còn 15%.
“Đây là nghiên cứu của Đại học MIT về công nghiệp 4.0, nghiên cứu này đưa ra cách đây 3 năm và là lời cảnh tỉnh cho tất cả doanh nghiệp khi cần phải cạnh tranh. Nếu chỉ dùng sức hoặc dùng tiền thì chúng ta cũng sẽ thua, bởi vì như vậy cũng chỉ tương đương với 30% giá trị của sản phẩm cuối. Và vì thế, chúng ta cần phải đi vào đổi mới công cụ. Đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Trung đề xuất.
Bàn đến câu chuyện làm sao để các doanh nghiệp Việt Nam đa phần đang yếu và thiếu cả về vốn, kinh nghiệm có thể đổi mới sáng tạo, ông Trung cho rằng: nếu nghĩ đến ứng dụng về đổi mới sáng tạo như chuyện phải đi mua giải pháp về, phải trả chi phí cũng như bỏ rất nhiều công sức, thời gian ra thì rõ ràng doanh nghiệp Việt Nam sẽ không có đủ tiềm lực để làm.
“Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, trong hệ sinh thái của Việt Nam, bản thân những người cung cấp giải pháp cũng là người Việt, không cần phải bán giải pháp đó rất đắt tiền thì hoàn toàn vẫn có lời giải cho việc này. Nghĩa là, chính các doanh nghiệp Việt Nam về khoa học công nghệ có thể hỗ trợ, đưa ra các giải pháp cho các doanh nghiệp Việt Nam khác. Tôi nghĩ đó là lời giải bền vững nhất!”, chuyên gia Nguyễn Thế Trung nêu quan điểm.