Đền Vạn Lộc được xây dựng vào thời Hậu Lê để thờ Thái uý Nguyễn Sư Hồi (1444 - 1506), tên thật là Nguyễn Đình Khôi, con trai trưởng của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí.
Theo tư liệu tại đền, Nguyễn Sư Hồi là người am hiểu binh thư, tinh thông thiên văn, địa lý và y học, được triều đình nhà Lê trọng dụng, làm quan tại triều thăng đến chức Thái uý.
Năm 1469, ông về trấn thủ ở vùng cửa biển Nghệ An, sau đó được phong chức Trấn thủ Thập nhị Hải môn, coi giữ 12 cửa biển từ Sầm Sơn đến Cửa Tùng; là người có công lớn trong việc hộ quốc an dân, đánh đuổi giặc thù, khai cơ lập ấp, lập nên làng Vạn Lộc, Tân Lộc (phường Nghi Tân ngày nay).
Phía trước đền Vạn Lộc là dòng sông Cấm chảy qua, sau lưng là núi Lò, bên phải có núi Rồng, bên trái có núi Tượng Sơn tạo thế "long chầu hổ phục" và "sơn thuỷ hữu tình". Đền được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia năm 1991.
Dẫn chúng tôi đến chiêm ngưỡng “báu vật” của đền, thành viên Ban quản lý đền Đinh Thị Oanh (72 tuổi) cho biết, ngày xưa vùng này gọi là trại bàng vì có rất nhiều bàng. Cây bàng cổ thụ trong đền đã có từ lâu đời, cách nay mấy trăm năm.
Cây bàng cao hơn 10m, chu vi gốc cây nơi lớn nhất khoảng hơn 4m. Đáng chú ý, cây bàng bị rỗng ở giữa, tạo thành "hang động" nhưng vẫn sống khoẻ mạnh khiến người dân, du khách tới đây vô cùng tò mò.
Miệng “hang động” có độ rộng vừa đủ để một người lớn chui lọt. Từ vị trí “cửa hang”, chúng tôi thử chui vào bên trong quan sát thì thấy lõi cây nhô ra nhiều phần gỗ xỉn màu dường như đã bị mủn mục.
Bên trong "hang động" có nhiều “cửa sổ” nhỏ có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Phía cuối phần thân cây bị rỗng có một cửa lớn.
Dọc thân cây có nhiều khối u sần. Từ thân cây, những nhánh nhỏ đâm ra mạnh mẽ, tạo nên những tán lá tốt tươi.
Đền Vạn Lộc là công trình kiến trúc cổ kính, quy mô, có giá trị kiến trúc, được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng. Trải qua bao nhiêu biến cố thời gian, lịch sử, ngôi đền vẫn giữ được nhiều giá trị về mặt kiến trúc và lưu giữ nhiều hiện vật quý.
Vạn Lộc là tên chữ của làng, được Nguyễn Sư Hồi đặt với ý nghĩa lớn lao mong muốn cho “muôn lộc đổ về vùng đất này”. Khi qua đời, ông được nhân dân lập đền thờ phụng và tôn làm thành hoàng làng.
Một số hình ảnh về cây bàng rỗng ruột hàng trăm năm qua vẫn sống khoẻ mạnh ở thị xã Cửa Lò:
Trần Tuyên