Theo thông tin được chia sẻ tại hội thảo khoa học chuyên đề “Cấp cứu ngoại viện” do Bệnh viện E (Hà Nội) tổ chức chiều 25/8, thống kê của Bộ Y tế cho thấy Việt Nam mới có 11 tỉnh có trung tâm cấp cứu 115 công lập, 18 bệnh viện đa khoa tỉnh có tổ cấp cứu 115, 7 tỉnh có trung tâm cấp cứu tư nhân 115. Cả nước còn 27 tỉnh chưa có hệ thống cấp cứu trước viện.

Tuy nhiên, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E, cho biết chưa có hệ thống nào chuẩn chỉnh với cấu trúc hợp lý cho cấp cứu ban đầu ở Việt Nam. 

Cấp cứu ngoại viện còn gọi là cấp cứu ngoài cộng đồng, tức là nạn nhân sẽ được hỗ trợ bởi người gần mình nhất, người chứng kiến sự việc và có kỹ năng cấp cứu ban đầu.

Mục tiêu của cấp cứu ban đầu là can thiệp càng sớm càng tốt nhằm duy trì chức năng sống của nạn nhân ở tình trạng ổn định nhất có thể cho đến khi đưa đến bệnh viện. Đây là giai đoạn quyết định sống chết của người bệnh. Hiện nay, việc tổ chức và xử lý cấp cứu ban đầu còn đang gặp nhiều khó khăn và thiếu chuẩn mực.

Giáo sư Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng mô hình bệnh tật đã có nhiều thay đổi, các cấp cứu tim mạch, chuyển hóa, các tai nạn giao thông, tai nạn thương tích… là vấn đề đặt ra cho chuyên ngành cấp cứu với nhiều thách thức mới.

Trong khi đó, “thời gian vàng” trong cấp cứu có ý nghĩa rất quan trọng, giúp giảm thiểu di chứng, chi phí điều trị, thậm chí góp phần giảm tỷ lệ tử vong, đặc biệt là đối với bệnh nhân nặng.

Một ca cấp cứu tai nạn giao thông được chuyển tới  Bệnh viện E, Hà Nội. Ảnh BVCC. 

Bác sĩ Thành chia sẻ ông đã thực hiện rất nhiều ca cấp cứu trong bệnh viện và nhận thấy rằng tỷ lệ người được cấp cứu ngoại viện đúng chuyên môn kỹ thuật rất yếu và thiếu. Trong khi đó, cấp cứu ngoại viện đôi khi chưa cần đến nhân viên y tế mà lực lượng công an, người dân chỉ cần có kiến thức về sơ cấp cứu ban đầu đúng cách cũng sẽ giúp người bệnh có cơ hội được cứu sống, giảm nguy cơ tử vong và các biến chứng. 

Hoạt động cấp cứu ngoại viện hiện nay có sự tham gia của nhiều thành phần, bao gồm các trung tâm vận chuyển cấp cứu 115, tổ vận chuyển cấp cứu ngoại viện của các cơ sở y tế công lập và cơ sở vận chuyển cấp cứu ngoài công lập... Việc đa dạng hóa các loại hình cung ứng dịch vụ cấp cứu ngoại viện đã góp phần đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động này, việc tuân thủ các quy định, đặc biệt là của cơ sở ngoài công lập vẫn chưa thực hiện đầy đủ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.