Chính sách dân tộc là động lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới có địa hình rất phức tạp, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 94,88% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao…..

Trong thời gian qua, Cao Bằng luôn đẩy mạnh thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS) trên địa bàn, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh. Qua đó đã góp phần quan trọng trong việc giúp người dân vượt qua khó khăn, từng bước cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo. 

Tiếp tục cụ thể hóa Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, ngày 28/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP về Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là sự kế thừa, chuyển tiếp hết sức quan trọng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực công tác dân tộc trong giai đoạn mới. Đồng thời, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng sống cho đồng bào dân tộc thiểu số một cách bền vững…

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 890/KH-UBND ngày 15/4/2022 về việc triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành và địa phương xây dựng chương trình hành động hoặc Kế hoạch triển khai, thực hiện chiến lược công tác dân tộc phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra.

Những chuyển biến tích cực

Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Trung ương phân bổ vốn cho năm 2023 là 2.095.448 triệu đồng. Trong đó vốn ngân sách Trung ương năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 548.709 triệu đồng; vốn ngân sách Trung ương giao trong năm 2023 là 1.510.739 triệu đồng; vốn đối ứng ngân sách tỉnh là 27.658 triệu đồng.

W-baolam-1.png
Một góc thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm 

Tính đến ngày 19/10/2023 toàn tỉnh giải ngân được 713.857/2.095.448 triệu đồng, bằng 34,1%KH. Đầu tư xây dựng được 181 công trình, duy tu bảo dưỡng 106 công trình; dự kiến triển khai trên 200 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, thực hiện 8 dự án hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững với 13.000 hộ tham gia; tổ chức 155 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực và các kỹ năng để triển khai thực hiện.

Duy trì 17 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 08 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 46 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 64 xã đạt 5-9 tiêu chí; 04 xã đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 10,6 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh hiện có 97 sản phẩm OCOP thuộc 5 nhóm sản phẩm: thực phẩm, đồ uống, dược liệu, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ và du lịch. Các huyện, thành phố đang triển khai thực hiện 119 dự án/kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đến hết năm 2023, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 95,16%, tỷ lệ đường được cứng hóa đạt 75,66%, tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt 96,26%. Đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ phục vụ mục tiêu phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, cấp nước sinh hoạt.

Thực hiện chính sách hỗ trợ di dân, bố trí dân cư khu vực biên giới, tỉnh đã triển khai thực hiện 11 dự án đầu tư bố trí dân cư, với tổng vốn bố trí là 43.999 triệu đồng.

Theo niêm giám thống kê của tỉnh Cao Bằng năm 2022, năm 2022 thu nhập bình quân/người/năm là 28,2 triệu đồng; trong đó thu nhập bình quân/người/năm của đồng bào dân tộc thiểu số là 26,8 triệu đồng. Ước giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo là 12,32%, bình quân mỗi năm giảm 4,11%; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 12%, giảm bình quân mỗi năm 4%. Tuyển mới đào tạo nghề cho cả giai đoạn 2021-2023 là 18.020 người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 46,6% năm 2021 lên 50% năm 2023. Tính đến 30/9/2023 số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện là 122.742/130.135 hộ, chiếm 94,31%; số hộ chưa có điện lưới quốc gia là 7.411 hộ chiếm 5,69%.

Kết quả thực hiện hỗ trợ từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023 hỗ trợ cho 19.672 học sinh, với tổng số gạo là 2.655.720kg, với tổng kinh phí là 105,521 tỷ đồng; hỗ trợ tiền ở cho 18.207 học sinh với 24,413 tỷ đồng. Tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đến trường đạt 99,7%; học sinh trong độ tuổi tiểu học 98,5%; học sinh Trung học cơ sở 94,5%; tỷ lệ học sinh THPT đến trường đạt 57,8%; tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo đạt 90,16%.

Hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản được duy trì thường kỳ theo các tuyến; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng truyền thông chăm sóc bà mẹ, trẻ em. Duy trì khám chữa bệnh tại các phòng khám đảm bảo an toàn và có chất lượng. Hoạt động cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ được quan tâm. Toàn tỉnh có 1.083 Nhà văn hóa xóm, tổ văn hóa, có 289 nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Tình hình an ninh - chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; các địa phương chú trọng tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc thiểu số phát huy truyền thống yêu nước, ý trí tự lực, tự cường, tích cực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu chiến lược công tác dân tộc

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế khó khăn vướng mắc như: kinh tế ở các xã đặc biệt khó khăn và một số vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm phát triển, nhiều nơi còn lúng túng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập quán canh tác vẫn còn lạc hậu. Một số hộ còn thiếu đất sản xuất. Kết cấu hạ tầng một số thôn, xã còn thấp kém. Tình trạng dân trí còn thấp ảnh hưởng tới công tác tuyên truyền, vận động và phát triển kinh tế - xã hội. Nạn tảo hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn tương đối nhiều gây ảnh hưởng trong sự nghiệp giáo dục và hệ lụy suy thoái giống nòi. Năng lực cán bộ còn hạn chế; công tác tổ chức thực hiện chính sách dân tộc ở một số xã đặc biệt khó khăn còn lúng túng, một số chủ đầu tư năng lực còn hạn chế nên tiến độ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng công trình còn chậm so với yêu cầu.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các các cấp, các ngành và Nhân dân trong thực hiện công tác Dân tộc, chính sách dân tộc; hiểu rõ vai trò, vị trí, tiềm năng to lớn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cũng như các chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó có nhận thức đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và chủ động thực hiện hiệu quả Chiến lược công tác Dân tộc trong tình hình mới. Đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp ưu tiên huy động các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện chiến lược công tác Dân tộc. Triển khai có hiệu quả các chính sách đặc thù để khuyến khích, thu hút và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tập trung nguồn lực thỏa đáng, có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện các mục tiêu chiến lược công tác dân tộc. Tiếp tục kiện toàn, xây dựng hệ thống cơ quan công tác Dân tộc các cấp tỉnh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đối với cấp xã, bố trí công chức phụ trách, theo dõi công tác Dân tộc đảm bảo có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác Dân tộc tại cơ sở. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra.

Hoà An - Minh Yến