Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thuý Kiều, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, cho biết cận Tết, trẻ nhập viện do bỏng, pháo nổ, hóc dị vật, uống nhầm hóa chất và tai nạn giao thông tăng lên đột biến. Nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn để lại hậu quả nặng nề. Nguyên nhân chủ yếu là trẻ theo cha mẹ về quê, đi du lịch, tự điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi gây tai nạn. Đặc biệt, trẻ nhỏ thường tò mò khám phá nên dễ gặp tai nạn do cha mẹ bận rộn, lơ là việc trông coi.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tân Hùng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, nhận định những tai nạn thương tích dễ gây nguy hiểm cho trẻ trong thời gian này gồm:

Ngộ độc thực phẩm

Thói quen ăn uống, nếp sinh hoạt thường ngày của trẻ thường bị xáo trộn đột ngột, dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, thức ăn ngày Tết thường được các gia đình để dài ngày, chứa nhiều mỡ, đạm dẫn đến nhiều trẻ rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn.

Một trẻ hóc dị vật vào cấp cứu tại BV Nhi trung ương. Ảnh BVCC

Bỏng

Cha mẹ bận rộn nấu nướng, tất niên, cúng gia tiên lơ là việc trông coi dễ khiến trẻ gặp tai nạn bỏng. Đặc biệt, việc nấu bánh chưng, bánh tét với những nồi nước sôi khổng lồ, lửa cháy lớn, trẻ chạy nhảy không quan sát dễ dẫn đến bỏng lửa làm đổ nước sôi hoặc té ngã vào nồi nước.

Té ngã và các tai nạn sinh hoạt trong gia đình

Trong những ngày, người lớn dọn dẹp nhà cửa còn trẻ có thể chạy vào khu vực trơn, ướt hay trẻ chạy nhảy vui chơi với bạn bè, anh chị em, trèo cây, leo hàng rào, cầu thang, ban công khi người lớn không để ý. Những đồ vật thông dụng tại gia đình cũng có thể là mối nguy hiểm với trẻ em như bàn ghế, dao kéo, thớt.

Pháo nổ

Tết Nguyên đán có nhiều vụ nổ pháo tự chế gây tổn thương nặng như đứt ngón tay, mù mắt, điếc, bỏng… để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe của trẻ.

Hóc dị vật

Tết có nhiều loại hạt hướng dương, đậu tương, hạt bí,… trẻ em ăn dễ gây hóc, bít tắc đường thở. Phụ huynh cũng cần lưu ý để xa tầm tay của trẻ và giám sát chặt chẽ khi con ăn.

Ngộ độc hóa chất, thuốc, độc chất

Nhiều hoá chất xăng, dầu hỏa, dung dịch cọ rửa, axit mua về lau dọn, sơn sửa nhà cửa nhưng người lớn để vào các chai nước suối, nước ngọt trẻ uống nhầm. Đặc biệt, trong những ngày Tết, nhiều gia đình sử dụng các loại dầu với màu sắc sặc sỡ để thắp đèn trên bàn thờ cúng, không để xa tầm tay trẻ, không có cảnh báo, trẻ dễ uống hoặc nuốt phải gây nguy hiểm tính mạng.

Tai nạn giao thông

Hàng năm, số bệnh nhi bị chấn thương, thậm chí tử vong do tai nạn nhập viện vào dịp Tết đều tăng. Nguyên nhân là cha mẹ bận rộn không kiểm soát, để trẻ tự do điều khiển phương tiện, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, hoặc đi bộ, chạy chơi ngoài đường thiếu quan sát.

Điện giật

Các gia đình thường trang trí nhà cửa bằng nhiều loại dây đèn nhấp nháy trên cành đào, cây quất với các thiết bị điện, ổ cắm nếu không có dụng cụ bảo vệ an toàn khiến trẻ dễ bị điện giật. Tai nạn này có thể gây tổn thương nặng, nguy hiểm tính mạng cho trẻ nhỏ.

Đuối nước

Trong dịp Tết trẻ về quê chơi, cần chú ý tránh con bị ngã xuống sông suối ao hồ, hay giếng nước khơi.

Gia súc, gia cầm cắn

Các gia đình ở vùng quê thường có chó, mèo nhiều trẻ đã bị chó cắn hay mèo cào. Trâu, bò húc là một tai nạn cũng khá thường gặp ở vùng nông thôn.
 
Để phòng tai nạn thương tích cho trẻ, bác sĩ Hùng khuyến cáo tốt nhất cha mẹ cần quan sát con thật kỹ. Tránh những nơi nguy hiểm cho trẻ. Với trẻ lớn chưa đủ tuổi lái xe tuyệt đối không cho trẻ tự điều khiển phương tiện giao thông.