Một nền điện ảnh phát triển cần có sự tri ân và khuyến khích. Tri ân với thế hệ trước và khuyến khích thế hệ sau tiếp nối, ở tất cả các vị trí, nhất là những vị trí mang tính nghề nghiệp đầy sáng tạo như biên kịch, đạo diễn, quay phim, họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên…

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nhận Cánh diều bạc với phim "Bình minh phía trước.

Nước mình rất coi trọng văn hóa. Ngân sách hàng năm chi cho văn hóa không hề ít. Tuy nhiên, những khoản tiền đầu tư cho sáng tạo, cho văn hóa phẩm như sách báo, mạng, phim ảnh và quan trọng nhất là giá trị mang tính trí tuệ dường như không được bao nhiêu. Vì vậy, những nghệ sĩ sáng tạo tài năng hay ngoảnh mặt và để xã hội hân hoan thưởng thức những sản phẩm tầm tầm rồi những người làm văn nghệ cũng tầm tầm cùng hò reo tâm đắc. Buồn!

Giải Cánh diều ở Nha Trang năm nay, như thường niên, náo nhiệt, vui vẻ trong tiệc tùng. Đó có thể là phần ý nghĩa hơn cả vì trong bữa tiệc nhiều người có cơ hội để gặp gỡ, trao đổi các dự án, kế hoạch cá nhân. Tôi cũng gặp một số bạn bè để có thể sẻ chia vài vấn đề về kỹ nghệ mà đôi khi không phải với ai, lúc nào cũng sẻ chia được. Tuy nhiên, chưa nói được bao nhiêu thì tiệc đã tàn. Giá mà có một diễn đàn để các nghệ sĩ, những nhà sáng tạo, những film crew có thể tự do đăng ký sẻ chia, chào mời, giới thiệu và ký kết các dự án thì tốt quá.

Tôi đã dự nhiều hội thảo na ná vậy ở nhiều LHP nhưng nó hành chính và kỳ cục, kém ứng dụng và không hiệu quả. Các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu lên đọc tham luận dài đằng đẵng về những thứ siêu hình, không mấy người quan tâm, rồi thôi. Ai cần nghe mấy thứ đó?!

Giải Cánh diều theo tôi cần mở rộng phải có chợ phim. Chợ đúng nghĩa của chợ để chúng tôi những người làm nghề gặp gỡ những nhà đầu tư, nhà sản xuất tìm kiếm nguồn và cơ hội đầu tư mới thực sự hiệu quả và ý nghĩa. Là người tham gia giải Cánh diều từ lúc nó khai sinh, tôi mong mỏi theo thời gian sự kiện này phải thay đổi, phải lớn lên để nó không đơn thuần chỉ là một lễ trao giải.

Và muốn cho nó lớn lên cần cấp ngân sách tử tế để nó đứng vững và có vị thế ngay từ trong nhà, không nên để các nghệ sĩ và lãnh đạo hội cứ phải lòng vòng hàng năm tìm nguồn tài trợ bấp bênh. Tài trợ rất tốt nhưng không phải là yếu tố quyết định mọi thứ.
 
Thương cho Hội Điện ảnh nhiều năm nay, kinh phí làm giải thưởng thấp quá nên chật vật để tổ chức mỗi năm trao giải vội vàng, phụ thuộc cả về thời gian, cơ sở vật chất và cả thời lượng phát sóng. Tôi nghĩ, nên tổ chức ở những nơi mà các nhà nghiên cứu điện ảnh, sinh viên điện ảnh có thể gặp gỡ, xem phim, trao đổi, hội thảo, giới thiệu và bán các dự án như Hà Nội, Sài Gòn nhiều tuần. Và cũng không ép lên sóng trực tiếp toàn bộ chương trình với nhiều phần nghi thức rất thừa mà phần quan trọng người xem muốn thấy đều không thấy.

Những nghệ sĩ, nhà làm phim luôn có nhu cầu sẻ chia với đồng nghiệp và những người hâm mộ những kinh nghiệm và cảm xúc của họ. Họ muốn nói về mình ở chính nơi được vinh danh ở một thời điểm thích hợp giữa đám đông những người thích hợp. Hy vọng những ý kiến của tôi sẽ được sẻ chia.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng.

Bình minh phía trước lần này thắng giải bạc. Cũng là sự ghi nhận, đóng góp của tập thể sáng tạo, anh chị em sản xuất và nhà đầu tư. Cảm ơn ban tổ chức giải Cánh diều đã trao tặng giải và vinh danh bộ phim. Đây là bộ phim tôi rất hài lòng về dàn diễn viên, phần thiết kế mỹ thuật và hình ảnh. Tôi cũng hài lòng về phần kịch bản và lối kể chuyện. Không dễ để viết về một đề tài như thế này với bề dày văn hóa vật thể, văn hóa phong tục, văn hóa hành vi… với nhiều giai tầng khác nhau. Bộ phim đang phát miễn phí trên YouTube. Và tôi tin người ta sẽ vẫn còn xem phim của chúng ta đến vài chục năm sau nữa.

Tôi cũng tiếc cho nhiều phim tốt mà chẳng đoạt giải gì, nhưng không có nghĩa là bộ phim đó kém, chỉ là chưa may mắn. Thôi lại chờ tới mùa Cánh diều năm tới. Mọi khen chê hoặc tranh cãi đều tốt nhưng nên mang tinh thần xây dựng để mỗi ngày, mỗi chúng ta tử tế hơn, hoàn thiện hơn.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng