Game ăn theo cứ thản nhiên diễn trò...

Có lẽ không phải ngẫu nhiên khi thời gian gần đây cộng đồng game thủ Việt liên tục ca thán về nhiều vụ việc NPH Game trong nước chơi chiêu quảng cáo, đặt tên game ăn theo các sản phẩm game hot tại thị trường nước ngoài. Trong khi nội dung, hình ảnh và cả gameplay của sản phẩm khi được ra mắt chính thức lại chẳng ăn nhập gì với sản phẩm gốc nêu ra trước đó. Mà nếu có chăng thì cũng chỉ là sự ngộ nhận, biên chế dựa trên hình ảnh của một vài nhân vật in-game có sẵn.

Cảnh báo game thủ cần cảnh giác với các "game bom tấn" tại thị trường Việt

Đơn cử khi thị trường game Trung Quốc đang nóng lên với dự án MOBA mang tên Cửu Dương Thần Công của Snail Game thì tại Việt Nam cũng lập tức xuất hiện một tựa game mobile mang tên Cửu Dương Thần Công. Hay khi một bộ phim, truyện đang thu hút sự theo dõi của nhiều người như Tru Tiên, Cổ Kiếm Kỳ Đàm, Tây Du Ký, Tần Thời Minh Nguyệt, Vân Trung Ca, Thục Sơn Chiến Kỷ, Hồi Đáo Tam Quốc...cũng lần lượt là nạn nhận để các NPH Game trong nước bám vịn vào để biên chế thành tên game của mình, trong khi thực chất nội dung, và cả lối chơi lại chẳng liên quan.

Cả hai sản phẩm "fake" của tài khoản Thế Giới Di Động.

Thậm chí còn có cả chuyện các NPH Game trong nước mượn oai danh của sản phẩm game "nhà người ta" để bám vịn vào dựa hơi, hòng gây sự chú ý của cộng đồng. Và lần lượt những cái tên như Võ Lâm Truyền Kỳ, Cửu Âm Chân Kinh, Ngạo Kiếm,...trở thành nạn nhân của các vụ đạo tên game lố lăng nêu trên. Bởi lẽ để có được thương hiệu và một cộng đồng game vững chắc kể trên thì bản thân sản phẩm đó phải có nội lực tốt cộng thêm sự "chèo lái" khéo léo từ đơn vị phát hành. Do đó ít nhiều fan game lâu năm sẽ cảm thấy hụt hẫng khi nhìn thấy những cái tên như Võ Lâm mobile, CACK web, Ngạo Kiếm mobile,...trong khi thực sự đó không phải là các sản phẩm cùng "một lò sản xuất" hay kế thừa gì.

Ngoài ra còn phải kể đến một sự kiện hi hữu của Chinh Đồ mobile, một sản phẩm game chuyển thể nguyên bản từ PC do NSX Giant Trung Quốc phát triển và được Soha Game mua về Việt Nam thành công. Tuy nhiên khi sản phẩm chính hãng chưa kịp ra mặt thì đã có hàng loạt những bản thể ăn theo xuất hiện từ phía NPH Gamota và VTC Game khiến cộng đồng hoang mang, nhiễu loạn cả về thông tin tiếp nhận.

Cộng đồng ca thán về game Hoa Thiên Cốt “dỏm” do VTC Mobile phát hành

Hay ví dụ cụ thể hơn về vấn đề này là dự án game Hoa Thiên Cốt mobile của NPH VTC Mobile. Mở đầu được giới thiệu là tựa game chuyển thể nguyên bản từ bộ phim truyền hình nổi tiếng cùng tên đang gây chú ý trong cộng đồng Việt, nhưng khi game được tung ra thì người chơi lại chẳng thấy điểm nào được lấy từ phim hết.

Hình ảnh quảng cáo của Hoa Thiên Cốt “dỏm”

Điều này ít nhiều gây sự hụt hẫng và hiểu lầm cho phía người chơi khi dự đoán rằng đây chính là Hoa Thiên Cốt mobile "chính hãng" đang rất thành công tại thị trường Trung Quốc. Song  rất may là dự án game mobile nhập vai 3D nêu trên đã chính thức được VNG đàm phán mua về Việt Nam thành công. Dự kiến sẽ sớm đến tay người chơi vào quý 1 năm 2016 với nhiều sự chuẩn bị công phu, minh bạch, không thua kém gì một tác phẩm điện ảnh thực thụ.

....Còn người chơi thì cứ cảm giác bị lừa dối đau điếng!

Thực sự thì không quá khó hiểu khi nhiều NPH Game phải sử dụng cách thức quảng cáo trá hình như vậy để hòng tạo sự chú ý cho sản phẩm của mình. Bởi giữa một thị trường game đang đà phát triển như Việt Nam thì việc một NPH Game phải dùng mọi cách để đưa sản phẩm yếu nội lực, thua thiệt về thương hiệu đi ra thị trường cũng là điều dễ hiểu. Vì họ hiểu rõ rằng nếu có phơi bày bản chất sản phẩm, nội dung in-game ra thì sẽ không đủ độ lôi cuốn hay tạo được sự chú ý và hấp dẫn với người chơi trong thời gian đầu hé lộ.

Ảnh chế của cộng đồng sau khi ăn phải “thịt lừa” của các NPH

Tuy nhiên nói đi cũng cần phải nói lại, niềm tin của con người không phải là trò chơi may rủi mà NPH Game cứ bào mòn thái quá. Và chính thực trạng quảng cáo game quá đà, "treo đầu dê bán thịt chó", sai sự thật,...đang ngày một phổ biến hiện nay đã khiến cộng đồng người chơi không ít lần hụt hẫng khi ngỡ sắp được trải nghiệm một sản phẩm game đình đám ở xứ người thì đột ngột rớt xuống bờ vực của sự tức giận khi biết rằng đó chỉ là "con game cùi bắp" ăn theo. Và chuyện cay cú, thậm chí là cạch mặt NPH Game khi biết mình bị xỏ mũi dắt đi với người chơi chỉ là vấn đề thời gian.

Kết!

Nhìn chung hành động cảnh giác trước một tựa game bạn yêu thích khi hay tin về Việt Nam chưa bao giờ là một việc thừa thãi. Thay vì giống như thiêu thân đâm đầu vào chỗ chết hãy là bông hướng dương luôn tìm về ánh sáng đích thực. Biết đâu với tính cảnh giác đúng lúc đúng chỗ này mà game thủ Việt có thể tìm được tựa game chất lượng giữa rừng game được gắn mác "bom tấn" thì sao? Và xa hơn nữa nó sẽ khiến các NPH Game phải suy nghĩ lại trong việc truyền thông, quảng cáo của mình cũng không chừng! Mọi thứ đều do bạn quyết định và chọn lựa thôi.

 

BI VI