Thời gian gần đây, thông tin trên mạng xã hội Facebook liên tục xuất hiện những quảng cáo liên quan đến các thiết bị như ổ cắm, thẻ tiết kiệm điện..., giúp giảm hóa đơn tiền điện lên đến 30-50%. Các thiết bị này có thực sự hữu hiệu hay đây chỉ là trò lừa đảo đánh vào tâm lý chính đáng muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng?
Dễ dàng tìm kiếm trên mạng
Có thể thấy không khó để tìm kiếm các thiết bị tiết kiệm điện trên mạng. Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm “thiết bị tiết kiệm điện” trên google, người tiêu dùng có thể dễ dàng có thông tin, công dụng và giá cả của hàng trăm thiết bị, ổ cắm tiết kiệm điện...
Các Page: Thẻ Tiết Kiệm Điện Vietcapital Power, Goldsun - Điện tử gia dụng, Siêu thị điện tử gia dụng... trên facebook hay các trang web thương mại điện tử như sendo, lazada, shoppee... đều có đăng bán các thiết bị tiết kiệm điện với chủng loại phong phú.
Hầu hết các thiết bị này đều được quảng cáo có thể tiết kiệm 10-20%, thậm chí lên đến 40-50% tiền điện cho doanh nghiệp, gia đình; giúp tăng tuổi thọ các thiết bị điện; lắp đặt đơn giản, tiện dụng; không nắn chỉnh dòng điện chính, không gây nhiễu điện, không có từ tính... Giá cả của các thiết bị này cũng dao động từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng/bộ thiết bị.
Theo thông tin bán hàng của thẻ Tiết kiệm điện Vietcapital Power, khi lắp đặt thẻ vào hệ thống điện, sóng điện sẽ tác động vào thẻ làm kích hoạt các ion Nano. Các điện tích âm kết hợp với các thành phần cấu tạo khác của thẻ sẽ khử các sóng hài (một dạng nhiễu không mong muốn, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng lưới điện) và sóng bẩn, chỉ cho phép dòng hoạt động chính đi vào thiết bị. Sản phẩm này đang được bán với giá 1,5 triệu đồng/thẻ.
Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ mua hàng, tư vấn viên của sản phẩm này dù khẳng định đây là công nghệ mới từ châu Âu, do các nhà khoa học Nga sản xuất; song lại chưa thể đưa ra được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng do các cơ quan chức năng trong nước cấp, chứng nhận cho phép lưu hành tại thị trường Việt Nam...
Hay như Page Facebook: Goldsun - Điện tử gia dụng cũng đăng tải quảng cáo bán sản phẩm Electric Saving Box có thể tiết kiệm điện năng và hóa đơn điện từ 30-50%. Thiết bị này được tư vấn là sử dụng đơn giản, chỉ việc cắm vào ổ điện.
Sản phẩm Electric Saving Box từ nhiều năm trước đã được các chuyên gia, trường đại học chuyên ngành điện kiểm chứng, xác nhận không hề giảm lượng tiêu thụ điện, đồng thời nhận định đây là chiêu lừa đảo bán hàng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những sản phẩm này bằng cách nào đó vẫn tiếp tục được tung ra thị trường.
Cảnh báo từ các chuyên gia
Bán các sản phẩm, thiết bị tiết kiệm điện với mức quảng cáo tiết kiệm từ 10-20%, thậm chí lên đến 50% điện tiêu thụ đã không còn mới. PGS.TS Lê Văn Doanh, Nguyên Trưởng khoa Điện - Điện tử (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, khoa học và thực tiễn đã chứng minh, không có sản phẩm nào có thể tiết kiệm được 30-40% lượng điện tiêu thụ và không có một phương pháp tiết kiệm điện chung cho mọi thiết bị, nếu có, chỉ là phương pháp tiết kiệm cho từng loại, từng sản phẩm, nhưng cũng không thể tiết kiệm đến 30% lượng điện tiêu thụ.
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho hay, đây chỉ là chiêu trò lừa bịp khách hàng, đánh trúng vào tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng. Nếu có loại thiết bị có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ, làm cho công tơ điện chạy chậm lại, thì cũng có nghĩa là người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi vi phạm sử dụng điện, sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Do vậy, người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng trước các thông tin quảng cáo, bán hàng, thậm chí mạo danh những thương hiệu uy tín như Vinmart...
Trao đổi với ông Nguyễn Đình Tuấn Phong, Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng - Trường Đại học Điện lực, ông Phong cho hay, với các sản phẩm mới như thẻ tiết kiệm điện, qua tìm hiểu, có thể khẳng định, những loại thẻ này không thể thực hiện được tiết kiệm điện như quảng cáo. Không có căn cứ, cơ sở nào để có thể tiết kiệm lượng điện lớn như vậy thông qua một tấm thẻ.
“Ngoài ra, chúng tôi đã có nhiều đánh giá, thực nghiệm với các sản phẩm tiết kiệm điện trên thị trường như ổ cắm, kết quả cho thấy, không có chuyện các sản phẩm này giúp người tiêu dùng tiết kiệm điện. Nhiều sản phẩm ngược lại còn khiến tiêu thụ điện tăng lên, hoặc gây ảnh hưởng đến hệ thống điện”, ông Phong nói.
Hàng năm, Việt Nam đều đặt mục tiêu tiết kiệm điện. Trong giai đoạn 2019-2030, cả nước đặt mục tiêu phải tiết kiệm 8-10% tổng năng lượng tiêu thụ tại Việt Nam. Nếu các sản phẩm này có công nghệ cao, giúp tiết kiệm nhiều điện năng như vậy, đến giờ phải được trao giải quốc gia, hoặc Nhà nước trao tặng Huân chương rồi mới phải?, ông Phong nói thêm.
Theo ông Trương Huy Hoàng, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực, các sản phẩm tiết kiệm điện được đăng bán tràn lan, đôi khi gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng nên cảnh giác với các sản phẩm tiết kiệm điện nhập khẩu trôi nổi ngoài thị trường vì phần lớn đây chỉ là thiết bị bù công suất phản kháng, giảm tổn thất trên hệ thống điện, chứ hoàn toàn không có chức năng tiết kiệm điện như quảng cáo.
Để tiết kiệm điện, người tiêu dùng cần có ý thức sử dụng điện tiết kiệm bằng các giải pháp mà ngành điện khuyến cáo, tắt các thiết bị không cần thiết sử dụng. Đặc biệt, với các thiết bị tiết kiệm điện, nên chọn các sản phẩm tiêu thụ có nhãn chứng nhận tiết kiệm điện đã được nhà nước, các bộ, ngành kiểm định, công nhận, ông Hoàng cho hay...
Theo Báo Tin tức (TTXVN)