Kế hoạch ứng dụng CNTT thực hiện số hóa trong nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 mới được UBND thành phố Cần Thơ ban hành, hướng tới mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các hoạt động nông nghiệp, hỗ trợ người dân tiếp cận thuận lợi, kịp thời với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng CNTT vào quản lý các vùng sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghệp.
Kế hoạch cũng nhằm hoàn thiện hạ tầng số, nền tảng số, kết nối chia sẻ thông tin trong quản lý nông nghiệp; thay đổi nhận thức của người dân từ nền sản xuất nông nghiệp dựa theo tập quán sang nền sản xuất nông nghiệp hiện đại áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là CNTT.
Một mục tiêu trong kế hoạch ứng dụng CNTT thực hiện số hóa trong nông nghiệp tại Cần Thơ là xây dựng bản đồ số về vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản lượng, mùa vụ. (Ảnh minh họa: mard.gov.vn) |
Nâng cao chất lượng cổng thông tin kết nối tiêu thụ nông sản là một nội dung sẽ được Cần Thơ tập trung trong thời gian tới.
Cụ thể, sẽ phát triển cổng thông tin kết nối tiêu thụ nông sản với tên miền chonongsancantho.vn để tăng cường quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Qua cổng thông tin này hoặc ứng dụng mobile, người dân sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, kiểm chứng, hồ sơ pháp lý của sản phẩm hàng hóa.
Đồng thời, cung cấp thông tin thị trường, giá cá nông sản và hỗ trợ người dân đưa thông tin về các sản phẩm nghiệp lên cổng, trong đó ưu tiên các sản phẩm của hợp tác xã nông nghiệp, sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm – PV).
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tập huấn chuyển giao công nghệ, hằng năm Sở NN&PTNT Cần Thơ sẽ chủ trì xây dựng các nội dung, tổ chức tập huấn khoảng 60 lớp theo hình thức trực tuyến.
Bên cạnh đó, hằng năm Sở NN&PTNT cũng phối hợp với các đơn vị liên quan sản xuất khoảng 20 video hướng dẫn kỹ thuật, giải pháp chăm sóc phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; kết nối với các trang thông tin điện tử để tương tác, chia sẻ các thông tin kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp...
Đáng chú ý, Cần Thơ xác định sẽ ứng dụng nền tảng số trong định vị vùng sản xuất. Theo đó, sẽ phát triển bản đồ số về các loại nông sản chủ lực của địa phương; xây dựng sổ nhật ký điện tử, tạo các mẫu nhật ký đồng ruộng điện tử giúp người dân ghi chép sổ nhật ký một cách nhanh chóng, lưu lại hình ảnh trong suốt quá trình sản xuất, từ đó hỗ trợ tốt cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm; sử dụng định vị lưu lại vị trí vùng trồng ứng với nhật ký; truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR...
Ngoài ra, Cần Thơ có kế hoạch tổ chức tập huấn cho từ 7.000 đến 10.000 lượt nông dân, xã viên hợp tác xã, thành viên các tổ hợp tác, doanh nghiệp nông nghiệp về kỹ năng sử dụng nền tảng số trong sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, nghiên cứu kỹ thuật, tìm kiếm thị trường, kỹ năng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trước đó, trong Nghị quyết chuyển đổi số thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thành ủy Cần Thơ đã xác định nông nghiệp là 1 trong 9 ngành, lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, cùng với các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, tài chính ngân hàng, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, môi trường, sản xuất công nghiệp và du lịch.
Vân Anh
Thiết lập 10 triệu tài khoản hoạt động trên các sàn Postmart, Vỏ Sò trong năm 2022
Một trong những mục tiêu của kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn năm 2022 là thiết lập 10 triệu tài khoản hoạt động trên các sàn Postmart, Vỏ Sò.