Tái khẳng định các cam kết của Việt Nam thúc đẩy Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền

Vừa qua, sự kiện cấp cao kỷ niệm 75 năm thông qua Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền đã diễn ra thành công tại trụ sở Văn phòng Liên hiệp quốc (LHQ) ở Giơ-ne-vơ, với nhiều hoạt động, nội dung thảo luận quan trọng và cam kết mạnh mẽ.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tái khẳng định các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam thúc đẩy Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền thông qua nhiều nỗ lực và hành động hơn nữa để đảm bảo tốt hơn các quyền của con người cả về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, trong đó có các ưu tiên trọng tâm gồm: Tăng cường Nhà nước pháp quyền với việc tiếp tục cải cách tư pháp nhằm nâng cao nền tảng thể chế, tư pháp và chính sách liên quan đến nhân quyền, đồng thời chuyển các quy định của các điều ước quốc tế về nhân quyền vào luật pháp quốc gia; Thúc đẩy các biện pháp hiệu quả và phân bổ đủ nguồn lực để bảo đảm tốt hơn nữa các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị; Tham gia có trách nhiệm vào công việc của Hội đồng Nhân quyền LHQ và phát huy vai trò cũng như hiệu quả của hội đồng, đặc biệt quan tâm đến quyền của các nhóm dễ bị tổn thương và tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền con người. 

W-dongbaodtts-1.png
Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, trong đó có việc bảo đảm quyền của các DTTS sẽ tiếp tục tạo đà cho sự phát triển của đất nước. 

Cũng tại sự kiện cấp cao nêu trên, cùng với việc tái khẳng định tầm quan trọng của việc thông qua và thực hiện Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, các nước và cộng đồng quốc tế cùng nhìn lại các thành tựu, thách thức trong việc thúc đẩy bảo đảm quyền con người trên thế giới trong những năm qua, tái khẳng định mối gắn kết chặt chẽ giữa quyền con người và hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, cần có cách tiếp cận toàn diện thúc đẩy các quyền con người về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, đồng thời đưa ra các cam kết mạnh mẽ tăng cường bảo đảm tốt hơn các quyền con người trong thời gian tới nhằm bảo đảm các quyền con người cho mọi người, không bỏ ai lại phía sau.

Sự tham gia tích cực của Đoàn Việt Nam tại sự kiện cấp cao này thể hiện rõ nỗ lực và trách nhiệm của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. 

Việt Nam chủ động đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác về quyền con người

Năm 2023 là năm đầu Việt Nam đảm nhiệm cương vị thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025, là nhiệm kỳ lần thứ hai sau nhiệm kỳ lần thứ nhất từ năm 2014-2016.

Với vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam đã tích cực tham gia, có những sáng kiến cụ thể.

Phái đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực trong Nhóm 3 nước (Troika) hỗ trợ việc xem xét Báo cáo quốc gia của một số nước tại Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR).

Điểm nổi bật là, Việt Nam đã chủ động đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác về quyền con người tại cả 3 khóa họp thường kỳ năm nay, với sự tham gia ủng hộ, đồng bảo trợ của đông đảo các nước, tổ chức quốc tế. Những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, ủng hộ và đánh giá cao.

Đặc biệt, ngày 27/2, tại Phiên cấp cao Khóa họp 52 HĐNQ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đưa ra sáng kiến về việc kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna bằng một Nghị quyết của HĐNQ nhằm khẳng định lại những mục tiêu và giá trị to lớn, bao trùm của các văn kiện quốc tế quan trọng nêu trên và cam kết chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người của toàn thể nhân loại.

Đoàn Việt Nam tích cực triển khai sáng kiến này tại Khóa họp và đạt kết quả là Nghị quyết Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna được HĐNQ thông qua bằng đồng thuận, với 121 nước đồng bảo trợ.

Nghị quyết này là dấu ấn quan trọng của HĐNQ, tạo cơ sở cho việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm của HĐNQ xuyên suốt trong năm 2023 ở các cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, 

Bên cạnh đó, tại Khóa họp 53 HĐNQ giữa năm nay, Việt Nam đã cùng Nhóm nòng cốt soạn thảo và thương lượng Nghị quyết hàng năm về biến đổi khí hậu và quyền con người (Nhóm này gồm Việt Nam, Philippines và Bangladesh), tập trung vào chủ đề “Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sinh kế và ảnh hưởng của những tác động này đối với quyền con người”.

Đây là nghị quyết có tính thời sự cao, đã được HĐNQ thông qua bằng đồng thuận với 80 nước đồng đồng bảo trợ. Cùng với đó, Việt Nam cùng Nhóm nòng cốt này đồng tổ chức phiên Thảo luận chuyên đề về biến đổi khí hậu và quyền con người với chủ đề “Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với việc hiện thực hóa đầy đủ quyền lương thực”.

Cũng tại Khóa họp 53, thực hiện các ưu tiên đề ra từ khi vận động ứng cử HĐNQ, bên cạnh phát biểu thảo luận thúc đẩy quyền lao động, Phái đoàn Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm quốc tế về “Chống phân biệt đối xử, bạo lực và quấy rối trên cơ sở giới tại nơi làm việc” với sự đồng bảo trợ của các Phái đoàn Mỹ, Argentina, và sự tham gia, phát biểu của đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội của ta.

Nghị quyết của HĐNQ do Việt Nam đề xuất nêu trên cũng là cơ sở cho hoạt động điểm nhấn cuối năm vừa diễn ra - đó là Sự kiện cấp cao kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, được tổ chức tại trụ sở Văn phòng LHQ tại Geneva từ ngày 10-12/12/2023.

Ngoài ra, tại Khóa họp 54 HĐNQ, Việt Nam đã triển khai 2 sáng kiến thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng, bao gồm Phát biểu chung và Tọa đàm quốc tế về “Thúc đẩy Quyền Ccgười được tiêm chủng”, được đồng tổ chức bởi hai Phái đoàn Việt Nam và Brazil cùng với Gavi - Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng, sự tham dự và phát biểu của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Có được thành công và dấu ấn trong tham gia các hoạt động của HĐNQ, nhất là triển khai các sáng kiến này, điều quan trọng là nhờ sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành trong nước, sự điều phối của Bộ Ngoại giao và triển khai trực tiếp của Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva.

Trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục phát huy cương vị thành viên tích cực và có trách nhiệm của HĐNQ. Đồng thời, Việt Nam sẽ nộp và bảo vệ Báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (tham gia UPR chu kỳ IV). 

Hải Vân